Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, ngân sách nhà nước đã cấp hơn 30.489 tỷ đồng cho phòng chống dịch, trong đó các bộ, cơ quan Trung ương đã sử dụng hơn 25.200 tỷ đồng...



Sáng ngày 17/10/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay. Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nêu rõ từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn. Qua 4 đợt dịch, Việt Nam ghi nhận 860.000 ca mắc. Riêng đợt dịch thứ 4 ghi nhận 858.000 ca mắc và 21.000 ca tử vong. Trên cả nước, chỉ tỉnh Cao Bằng chưa ghi nhận ca mắc Covid-19.

Ban Chỉ đạo quốc gia cho rằng, khi đạt độ phủ vaccine không nhất thiết phải giãn cách kéo dài.

Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, TP HCM và một số tỉnh, TP khu vực phía Nam đã phải thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội liên tục trên phạm vi rộng trong thời gian dài. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Báo cáo về nguồn tài chính chống dịch, Ban Chỉ đạo quốc gia cho biết, đã huy động nhiều nguồn, trang thiết bị từ nguồn ngân sách Nhà nước, vận động tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, Chính phủ các nước. Theo báo cáo, riêng kinh phí ngân sách Nhà nước đã cấp thực hiện phòng chống dịch Covid-19 là hơn 30.400 tỷ đồng. Trong đó, các bộ, cơ quan Trung ương đã sử dụng hơn 25.200 tỷ đồng (riêng Bộ Y tế 21.188 tỷ đồng, trong đó sử dụng mua vaccine hơn 15.500 tỷ đồng).

Số tiền hỗ trợ các địa phương trong niên độ 2021 là 5.154 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ đặc thù riêng cho một số địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và lan rộng: Hải Dương 270 tỷ đồng, TP HCM 2.000 tỷ đồng, Đồng Nai 500 tỷ đồng, Bình Dương 500 tỷ đồng. Về vaccine, Việt Nam đã tiếp nhận 92,5 triệu liều và tiêm được hơn 61 triệu liều. Tính đến 16/10, đã có 60,2% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một liều vaccine và 24,7% đã tiêm đủ 2 liều. "Dù xuất phát điểm chậm, tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi vaccine của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới, do đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử", báo cáo của Ban Chỉ đạo nêu nhận định.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được áp dụng trên thực tiễn để ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, nhất là đối với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta, như xét nghiệm nhanh hơn tốc độ lây lan của virus, cách ly F0 tại nhà… Đặc biệt, việc thành lập các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn là giải pháp đột phá, đạt hiệu quả cao, giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại xã, phường, góp phần giảm bệnh nặng, giảm tử vong. Việc kết hợp đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong điều trị người bệnh đã góp phần giảm tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế xã hội như đã diễn ra ở một số quốc gia khác trên thế giới. "Tác động phối hợp của giãn cách xã hội, xét nghiệm rộng, điều trị sớm, bao phủ vaccine, bảo đảm an sinh đã đem lại kết quả tích cực", Ban chỉ đạo quốc gia đánh giá.

Đề cập giải pháp thời gian tới, Ban chỉ đạo quốc gia cho rằng vaccine làm giảm tỷ lệ mắc và giảm ca nặng nên khi đạt độ bao phủ vaccine, không nhất thiết phải giãn cách kéo dài trên diện rộng. Ban Chỉ đạo quốc gia lưu ý, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt phải được thực hiện dứt khoát, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội. Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vaccine, theo phương châm "cách ly, xét nghiệm là then chốt, vaccine, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết". Từ đó, đề nghị địa phương từng bước nới lỏng yêu cầu phòng chống dịch với lộ trình cụ thể, khả thi để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, phải tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở./.

 

Đăng nhận xét

 
Top