Những ngày qua, dư luận cả nước dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc đến thời điểm này đã có hơn 70 cán bộ ở trung ương, địa phương, lực lượng vũ trang, ngành Y tế bị kỷ luật Đảng, khởi tố, bắt giam do sai phạm liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Quá trình điều tra, làm rõ sai phạm của những cá nhân trong vụ án đang được các cơ quan tố tụng thực hiện, nhưng chắc chắn rằng, trong số họ có rất nhiều người từng là đảng viên đã không giữ được mình, sa ngã trước “viên đạn bọc đường”.
Còn nhớ, khi nói
chuyện với các lực lượng trước khi vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội (1954), nhiều
người thắc mắc không biết từ chiến khu về xuôi thì lương bổng, công tác sau này
ra sao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ sung một điều chưa ai nêu ra: "Khi về
xuôi thì đạo đức và nhân cách của mình phải thế nào?" Rồi Người căn dặn:
"Bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình
mà mình không trông thấy"… Soi chiếu với những gì diễn ra gần đây, đặc
biệt là khi Đảng đẩy mạnh yêu cầu “tự soi”, “tự sửa” thông qua công cuộc phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực, lời Bác dặn năm xưa vẫn vẹn nguyên giá trị. Bởi chỉ
trong 5 năm trở lại đây, “viên đạn bọc đường” thông qua các hình thức như: Hoa
hồng, chiết khấu, hối lộ, phí bôi trơn, cổ phiếu ưu đãi… đã là “phép thử” và
làm nhiều cán bộ “gục ngã” do không đủ bản lĩnh vượt qua ma lực của đồng tiền,
của vòng danh lợi.
Trước “đại án” chưa có
điểm dừng liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, nhiều cán bộ, nguyên
cán bộ cấp cao, cựu tướng lĩnh cũng đã bị “viên đạn bọc đường” xuyên thủng, bị
kỷ luật Đảng nghiêm khắc, đồng thời phải chịu xử lý hình sự, như: Nguyễn Bắc
Son, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Trần Vĩnh Tuyến,
Nguyễn Văn Hiến, Văn Hữu Chiến, Trần Văn Minh, Nguyễn Văn Tình, Phan Văn Vĩnh,
Nguyễn Thanh Hóa… Bài học từ những cá nhân sai phạm nêu trên chính là họ đã để
cho chủ nghĩa cá nhân lấn lướt dẫn đến mù quáng. Sự sa ngã của họ không chỉ là
nỗi đau cho bản thân, gia đình, mà còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân với
Đảng trong vai trò là chính đảng cầm quyền duy nhất ở nước ta. Để xảy ra những
vụ việc như vậy còn do nguyên nhân đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4
(khóa XIII): Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh
vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp.…
Phát biểu tại buổi
tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội ngày 23-6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng một lần nữa khẳng định rõ quan điểm xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là để
làm bài học răn đe chung, cảnh tỉnh cho những người khác không vi phạm; đúng
như Bác Hồ từng dạy là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, “cắt một vài
cành sâu để cứu cả cây”… Khi xử lý các cán bộ sa ngã, đáng buồn là không ít
người đến khi bị kỷ luật, xử lý hình sự mới nhận ra sai lầm và muộn màng nói
lời cay đắng "nếu như”, “giá mà”.
Do vậy, điều quan
trọng nhất lúc này là mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng đạo đức, tạo sức
đề kháng, ngăn chặn, vô hiệu hóa những “viên đạn bọc đường” trong chính công
việc hằng ngày, bằng cách tuân thủ nghiêm quy trình công tác, quy định của
Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan. Không chỉ bản thân làm tốt mà cần
tuyên truyền, giáo dục cấp dưới, đồng nghiệp, đặc biệt là người thân trong gia
đình làm theo để họ không trở thành “gót chân Asin”…
Có thể thấy trong đời
sống, nhân dân luôn nhìn vào cán bộ, đảng viên để nghe theo, làm theo. Vì thế,
mỗi đảng viên muốn nêu gương thì nói phải đi đôi với làm trên cả ba mặt: Với
người, với mình, với việc. Theo đó, đối với người, luôn giữ thái độ chân thành,
khiêm tốn, đoàn kết, khoan dung, độ lượng. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào
cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, đặt việc công lên đầu. Đối với
mình, không được tự cao, tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, mà phải luôn học tập cầu
tiến, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa điều dở. Đặc biệt, người có
địa vị càng cao thì càng phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, càng phải ra
sức hoàn thiện về đạo đức cách mạng, nhất quán giữa nói và làm...
Cùng với tăng cường,
siết chặt cơ chế kiểm soát quyền lực của Nhà nước để cán bộ các cấp “không thể
tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, mỗi cơ quan, đơn vị cần chủ động rà soát
quy định, quy chế nội bộ để cán bộ, đảng viên khi nắm quyền trong tay phải nắm
rõ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, không dám
lạm quyền, lộng quyền, không để bị ngã gục trước cám dỗ. Những vị trí công tác
“nhạy cảm” liên quan đến phê duyệt dự án, thuế, hải quan, quản lý tài sản công,
quản lý tài chính… phải thường xuyên được sàng lọc, luân chuyển, tránh tình
trạng cát cứ dẫn đến lạm dụng quyền, sai phạm.
Bên cạnh đó, việc đầu
tư chiến lược và lâu dài cho công tác nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính
sách, pháp luật, chế độ đãi ngộ với đội ngũ cán bộ, đảng viên là hết sức cần
thiết. Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần động viên, quan tâm và tạo điều
kiện cho đội ngũ cán bộ tận tâm, tận lực cống hiến nhiều hơn và giữ vững sự liêm
chính, không bị sa ngã trước “viên đạn bọc đường”.
Xét cho cùng, giá trị
lớn nhất của mỗi cá nhân thể hiện qua những đóng góp của bản thân cho tập thể.
Dù làm gì, công việc giản đơn hay phức tạp, thuận lợi hay khó khăn, nếu mỗi cán
bộ, đảng viên luôn nhớ lời Bác dạy về đạo đức cách mạng sẽ có thêm động lực để
rèn luyện, học tập, làm việc tốt nhất, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém. Đó
cũng chính là cách để tránh rơi vào những sai lầm, khuyết điểm. Khi mỗi cán bộ,
đảng viên có sức đề kháng cao trước mọi loại "viên đạn bọc đường" sẽ
góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng
viên; tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong sự
nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Đăng nhận xét