Thống kê của Bộ Y tế trong những ngày gần đây cho thấy số ca mắc COVID-19 đều ở mức trên 800-900 ca/ngày, số ca nặng cũng tăng. Tuy nhiên, hiện có nhiều người dân lơ là đeo khẩu trang, trong khi khẩu trang vẫn là biện pháp phòng chống dịch được khuyến cáo.
Riêng
tại Hà Nội, trong tuần qua, thành phố có 1.538 ca mắc COVID-19. Trung bình ghi
nhận 220 ca bệnh/ngày, tăng 36,5% so với tuần trước. Trong những ngày gần đây
số mắc mới có xu hướng tăng nhanh. Do đó, Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ
tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới
của COVID-19; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh,
ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta.
Đồng
thời, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin
phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các
đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ
5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học.
Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm
chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ để duy trì miễn dịch cộng đồng.
PGS.TS
Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định số mắc
tăng trong thời gian qua là vì giảm miễn dịch do mắc phải hoặc do tiêm vắc xin,
người dân chủ quan không áp dụng 5K khi nới lỏng, gia tăng việc đi lại, giao
thương... Vì thế, người nào chưa mắc thì sẽ mắc, trường hợp nào đã mắc lâu hoặc
miễn dịch do vắc xin suy giảm thì sẽ nhiễm lại.
“Đặc
biệt là sự xuất hiện của hai biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 có khả năng thoát
miễn dịch. Những người đã mắc biến thể phụ BA.1 và BA.2 vẫn có khả năng mắc lại
BA.4 và BA.5.”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Để
phòng bệnh, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho
biết, bằng các biện pháp ngăn chặn cơ học hay biện pháp hành chính xã hội sẽ
không tạo sự đồng thuận hoặc sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã
hội.
"Vì
vậy, vắc xin tiếp tục là một yếu tố rất quan trọng. Khi tiêm mũi 3, mũi 4 vắc
xin phòng COVID-19 chúng ta sẽ củng cố thêm hệ miễn dịch và đặc biệt phòng biến
thể phụ BA.5. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc
lại", GS.TS Phan Trọng Lân nói.
Cùng
với đó các chuyên gia đều thống nhất, đeo khẩu trang là biện pháp dự phòng cá
nhân phòng chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp không chỉ với bệnh
COVID-19 mà cả cúm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Trong lúc này,
chúng ta cần linh hoạt trong việc đeo khẩu trang (có thể đeo khẩu trang y tế và
cả khẩu trang vải).
Đăng nhận xét