Theo Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không có tháng nào gọi là tháng cô hồn trong kinh điển của Phật giáo.
Theo
quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch được gọi là tháng cô hồn, tháng không may
mắn, xui xẻo.… Quan niệm này bắt nguồn từ Đạo giáo của người Trung Quốc. Họ cho
rằng, từ ngày 02/7 âm lịch, Diêm Vương sẽ bắt đầu mở Quỷ Môn Quan cho quỷ đói
được trở về dương gian. Sau đó, cánh cửa sẽ đóng lại đúng vào đêm 14/7 âm lịch.
Để tránh quỷ đói quấy phá cuộc sống, người dân nên cúng cháo, gạo…
Ở
Việt Nam, cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống được truyền từ
đời này qua đời khác. Nhiều người cho rằng, con người có hai phần: hồn và xác.
Một người mất đi nhưng phần hồn vẫn còn tồn tại. Có người được đầu thai chuyển
kiếp, có người bị đày vào địa ngục làm quỷ đói nhũng nhiễu dương gian. Vì vậy,
các gia đình cúng cô hồn để cầu bình an, làm ăn thuận lợi.
Nhiều
người còn có quan niệm, tháng cô hồn là tháng không đem lại may mắn nên việc
cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa… đều phải tránh tháng này.
Theo
Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, từ cô hồn chỉ là một ý nhỏ trong một lễ lớn của
Phật giáo.
Phật
giáo có bốn ơn lớn: Ơn tam bảo; ơn quốc gia xã hội; ơn cha mẹ sinh thành và
thầy cô dạy bảo; ơn tất cả mọi loại chúng sinh.
Riêng
tháng 7 âm lịch, Phật giáo nặng về ơn cha mẹ sinh thành nhất, vì vậy mới có
quan niệm: “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng 7”.
Theo
Hòa thượng Bảo Nghiêm, tháng 7 là tiết xá tội vong nhân, vì nhờ ơn của đức Phật
mà tất cả các vong linh bị đoạ trong chốn khổ đau được tế bạt, siêu thoát.
Khi
Phật giáo du nhập vào Việt Nam, ông bà tổ tiên chúng ta kết hợp cùng với lễ đạo
hiếu, để báo hiếu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Phật
giáo quan niệm phải yêu thương tất cả mọi loài, kể cả những người không mồ
không mả, chết không thờ tự hay còn gọi là cô hồn.
Hoà
thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, không có tháng nào gọi là tháng cô hồn trong
kinh điển của Phật giáo.
Cúng
Rằm tháng 7 để tri ân, báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ, trên tinh thần của
Phật giáo là yêu thương muôn loài, nên khi cúng người ta cúng cả cho những cô
hồn không mồ mả, không con cháu hương hoả.
Hòa
thượng Nghiêm lưu ý, người Phật tử chân chính cần xác định: Ngày rằm tháng Bảy
là ngày Tăng tự tứ, ngày Tăng thêm tuổi hạ, ngày Phật hoan hỷ. Đối với Phật tử,
tháng Bảy là thời điểm để mỗi người trau dồi, làm tăng trưởng thêm tâm hiếu và
hạnh hiếu. Còn việc “thí thực cô hồn” trong dịp này cũng rất tốt. Nó là hạnh bố
thí cho quỷ thần được no đủ nhưng chỉ là một lễ tiết có tính thứ yếu trong mùa
lễ hội Vu lan mà thôi. Tốt nhất, các Phật tử nên cúng lễ phẩm chủ yếu là thực
phẩm, không nên quá lãng phí cho việc mua sắm vàng mã, rải tiền lẻ...
Đồng
quan điểm này, Hòa thượng Thích Thanh Nhã, Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Trấn Quốc chia sẻ, đạo Phật không tin
có tháng cô hồn. Trong tháng 7 âm lịch, mọi người không phải kiêng những điều
như dân gian lan truyền.
Nhà
Phật dạy con người không sát sinh vào ngày Rằm, mồng một, không làm điều trái,
sống có phúc đức.
Nếu
làm được như vậy, ai cũng được điều lành, điều tốt, tâm lý bình an. Những ngày
xấu, ngày tốt là do quan niệm, chứ đạo Phật không dạy con người kiêng kị trong
tháng Bảy.
Đạo
Phật khuyên rằng, ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt và
không có ngày, tháng nào xấu. Ngày xấu hay ngày tốt đều do quan niệm mà ra.
Trong
mỗi người bao giờ cũng có những phước đức, nếu có tâm, tích phước thì ma quỷ
cũng phải sợ. Thay vì những kiêng kị không có cơ sở, mọi người nên làm điều
thiện, tích đức./.
Đăng nhận xét