Vụ đổ trộm dầu thải ra khe núi gần Suối Trâm tại hai xã Phúc Minh và Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng chục nghìn người dân Thủ đô Hà Nội. Hiện, các cơ quan chức năng đã bắt được thủ phạm, đồng thời đang làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, vận hành nguồn nước để xử lý theo quy định của pháp luật.
Sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt nêu trên là “hồi chuông” cảnh báo cũng như đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp mang tính tổng thể bảo vệ an ninh nguồn nước quốc gia. Những năm gần đây, Việt Nam luôn phải đối mặt tình trạng khan hiếm và suy giảm nguồn nước do khai thác quá mức ở nhiều nơi, bởi vậy tài nguyên nước đang ẩn chứa những yếu tố thiếu bền vững cho phát triển. Tổng lượng dòng chảy mặt trên lãnh thổ nước ta khoảng 830 tỷ đến 840 tỷ m3/năm nhưng trong đó khoảng 63% có nguồn gốc từ bên ngoài. Do tác động của biến đổi khí hậu, chúng ta đang bị suy giảm nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm; tình trạng triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự gia tăng dân số, nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất, đời sống… đang đe dọa an ninh nguồn nước.
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc cung cấp nước sạch cũng mới chỉ bảo đảm từ 60 đến 65% dân số đô thị và tỷ lệ này thấp hơn nhiều ở khu vực nông thôn. Nguồn nước để cung cấp cho khu vực nông thôn đang phải đối mặt hai vấn đề lớn là nhiễm mặn và ô nhiễm. Nếu không kiểm soát hiệu quả các vấn đề xử lý nước thải, chất thải thì trong tương lai không xa, nhiều nơi có nước nhưng không thể sử dụng. Mặt khác, các vấn đề mang tính liên ngành như quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý với bộ, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương…
Để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, hơn lúc nào hết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước, thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước; quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất; tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Mặt khác, tăng cường khả năng trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình trong quản lý nguồn nước dựa vào xu thế tự nhiên trên cơ sở dự báo dài hạn về khí hậu, thủy văn, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên…
Chính quyền các địa phương tập trung kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống và nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm xả thải trực tiếp ra sông, suối trên địa bàn mình quản lý. Tiếp tục xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo ô nhiễm nước tại khu vực thượng, trung và hạ nguồn nhằm cung cấp thông tin, số liệu chính xác, kịp thời để xử lý những vấn đề về ô nhiễm, cạn kiệt dòng sông, nhất là nguồn nước cho các nhà máy cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách tài chính về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và có chính sách phù hợp để khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học - công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả… Qua đó, không chỉ bảo đảm được an ninh nguồn nước quốc gia, mà còn tránh được những sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt tương tự như đang xảy ra tại một số khu vực ở Hà Nội.
ST

Đăng nhận xét

 
Top