Tôi còn nhớ cách đây ít ngày, tại thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội hôm 22/10, ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân (Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng) nêu nhiều lo ngại về vấn đề văn hóa, trong đó có mạng xã hội. Trong đó, ông Thuận Hữu có nói: “Có lẽ không có nước nào như Việt Nam, mở máy ra thấy chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai”. Vậy là ngay lập tức chỉ vài giờ sau, trên mạng xã hội không ít người đã thi nhau “ném đá”, chửi bới câu nói của ông Thuận Hữu, cho rằng ông là người đi ngược lại với tiến bộ và “Dân biết chửi là dân đang dần thoát kiếp bò cừu. Dân biết bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai là dân đang dần thoát kiếp nô lệ. Dân biết phản biện và phản kháng là xã hội bắt đầu có tương lai” (FB Bạch Hoàn).
Hai hôm nay, thông tin về việc có người Việt Nam trong vụ 39 người thiệt mạng trên xe container tại khu công nghiệp Waterglade thuộc hạt Essex, Anh hôm 23/10, trong khi thông tin chính thức chưa được đưa ra, trong khi Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và cảnh sát Anh đang trong quá trình điều tra, xác minh thông tin về quốc tịch của các nạn nhân thì trên mạng xã hội không ít người đã ra sức, thi nhau “chửi”, thậm chí nhiều người chửi chẳng khác gì Chí Phèo ngày xưa. Họ chửi đời, chửi đất nước, chửi chế độ, chửi thể chế, chửi cơ chế... chửi không trừ một thứ gì. Một số người thì lợi dụng câu chuyện này để ngoằng sang chuyện chính trị, chửi bới đất nước, chế độ, quy kết câu chuyện này là do chế độ cộng sản mà ra, như: Vì sao họ - những người dân quê phải từ bỏ thiên đường cộng sản bằng mọi giá; nếu đất nước thật sự đẹp vô cùng như những lời thơ thì liệu những con người đó có phải ra đi để bỏ mạng nơi xứ người; đau đớn và tủi nhục vô cùng cho đất nước tôi; khóc cho các em và dân tộc tôi...
Xin được nói rằng, đất nước nào rồi cũng sẽ có những vấn đề này - kia, 39 người chết trên xe container kia dù mang quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch bất cứ quốc gia nào khác thì thực sự đó không chỉ là nỗi đau của gia đình mà còn là nỗi tiếc thương, đau xót của rất nhiều người, của thế giới. Tuy nhiên, đừng lấy cớ câu chuyện này để chửi bới đất nước, chửi bới chế độ. Để có được một xuất đi xuất khẩu lao động chui ở Anh kia, nhiều người đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí gần tỷ đồng.
Như vậy một điều có thể thấy rằng, họ không phải là những người quá nghèo khổ, không phải là thành phần cố cùng của xã hội, họ cũng không phải là những người nhận thức kém, bởi trong số những người đang được các gia đình trình báo mất liên lạc nhiều người đã tốt nghiệp phổ thông trung học, nhiều người đã từng có thời gian đi xuất khẩu lao động ở các quốc gia khác. Vậy nhưng tại sao họ vẫn quyết tâm ra đi? Điều có thể dễ dàng nhận thấy rằng, họ thực sự muốn đổi đời, muốn cuộc sống sung sướng hơn nên họ bằng mọi cách tìm đến một miền đất hứa. Những người này họ thừa biết rằng, cách họ lựa chọn không chỉ mạo hiểm cho mình, cho gia đình mà đó còn là việc làm vi phạm pháp luật khi họ đang tiếp tay cho những đường dây tội phạm, đường dây đưa người xuất cảnh trái phép, tiếp tay cho những bọn buôn người, di cư bất hợp pháp...
Thực tế ở Việt Nam thời gian qua đã có rất nhiều người khởi nghiệp thành công, đi lên từ hai bàn tay trắng. Họ chẳng phải con ông nọ bà kia, gia đình chẳng thuộc loại giàu có, bề thế. Ấy thế nhưng tại sao lại thành công? Có lẽ điều quan trọng nhất là họ có sự nỗ lực, quyết tâm đi lên bằng đôi tay của mình trên chính quê hương, đất nước mình. Bởi vậy, trước khi chửi bới đất nước, chửi bới quê hương mình, chửi bới chế độ này nhiều người hãy tự nghĩ mình đã thực sự quyết tâm, nỗ lực, cố gắng hết sức hay chưa hay chỉ mong cuộc sống giàu sang, nhàn hạ đến trong một thời gian ngắn. Tôi không có ý đánh đồng tất cả những người đi xuất khẩu lao động vì mỗi người có những lựa chọn riêng. Nhưng trước khi chửi bới ai đó, chửi bới chế độ này thì cần xem lại mình đã.
Chửi bới, phán xét thì dễ còn làm, xây dựng mới là điều khó. Nhiều người cứ hễ có chuyện gì là ngoạc miệng ra chửi nhưng thử hỏi họ đã làm gì được cho đất nước này. Không ai phủ nhận, đất nước ta còn nghèo, còn nhiều việc phải làm, bởi vậy thay vì ngồi bàn phím để chửi bới, phán xét, hãy suy nghĩ rằng, mình đã làm gì và sẽ làm gì để xây dựng, phát triển quê hương, đơn vị, đất nước mình. Đó mới thực sự là điều quan trọng.
Xin gửi lại đây bài thơ "Nguyện cầu" PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ nỗi xót thương 39 nạn nhân xấu số
Xin gửi lại đây bài thơ "Nguyện cầu" PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ nỗi xót thương 39 nạn nhân xấu số
Ba mươi chín linh hồn đông lạnh
Nước Anh bàng hoàng, quê nhà đau đớn
Mong một phép màu: không phải Việt Nam
Dẫu không Việt Nam, cũng máu đỏ da vàng
Da trắng, đen, nâu...cùng là đồng loại
Cũng chín tháng mười ngày, cũng khổ đau nếm trải
Thập loại chúng sinh tiếng khóc tự bao đời
Tim không muốn tin, lý trí vẫn trào sôi
Những lần sang Anh bỗng về trong ký ức
Ga tàu điện ngầm, gặp ánh nhìn thân thuộc
- Cháu quê đâu ? - Dạ, Hà Tĩnh, Nghệ An!
Còn cháu Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang..
Nhiều người sang đây...đều nhờ "cò xuất khẩu"
- Kiếm tiền dễ không, có nơi tạm trú
Mỗi ngày nhọc nhằn, nhặt được bao nhiêu?
Mấy cháu tha hương mắt ngấn lệ, cúi đầu
- Ngày được vài "oi" (Euro), nếu không bị "trấn"
Đêm tuyết trắng, thùng các-tông trú tạm
Bọn khá hơn, liều mình chốn núi xa
Trồng gai dầu, còn gọi cần sa
- Cần sa ư, nguy hiểm, vậy mà.. ?
- Đã liều thân, đường cùng, nhắm mắt
Bao đứa bạn, chốn lao tù đắng đót
Chỉ mong có ngày về lại quê hương
Dù đói no, thở nhịp sống bình thường
Sớm chiều lúa khoai, tựa vai bố mẹ
Mắt uống trời xanh, tai nghe chim hót
Sống lại tuổi thơ, võng kẽo kẹt ầu ơ!
Ba mươi chín cháu tôi, đã hết một giấc mơ
Giá nghe được lời những người đi trước
Giá người thân... giá cháu không lỡ bước
Thì có đâu nước mắt tháng năm này...
Xin người đời đừng bàn ngược tán xuôi
Để người đi yên bình nơi chín suối
Nếu đầu thai, kiếp sau, ai đó hỏi
Ba chín linh hồn: làm con mẹ cha thôi!.
ST
Đăng nhận xét