Lời
giới thiệu của người dịch: Đường 9 Đoạn (Nine-dotted line), tức Đường Chữ U
(U-shape line) hoặc Đường Lưỡi Bò là đường ranh giới biển do Trung Quốc đưa ra
nhằm chiếm 80% diện tích Biển Đông, điểm cực Nam đến vĩ độ 4. Tham vọng ấy quá
lớn, quá vô lý và trắng trợn nên đã bị dư luận Đông Nam Á và toàn thế giới phản
đối. Đường này có chỗ lấn vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của một số nước
Đông Nam Á, khiến cho không còn tồn tại vùng biển quốc tế trên Biển Đông nữa,
do đó cản trở các tuyến hàng hải quốc tế. TQ rất lúng túng vì không đưa ra được
bằng chứng lịch sử và tính pháp lý của Đường 9 Đoạn. Trong khi chính quyền Việt
Nam từ thế kỷ 17 đã đưa người ra kiểm soát quần đảo Trường Sa thì TQ mãi đến
năm 1946 mới có người ghé qua đây cắm cờ nhận chủ quyền rồi về.
Bản đồ TQ
công bố trước 1947 đều vẽ đảo Hải Nam là lãnh thổ cực Nam của họ. Vả lại ai
cũng biết bản thân một đường nét đứt chia làm 9 đoạn rời nhau thì không thể coi
là đường biên giới quốc gia. Hơn nữa, các đảo bên trong đường ấy ở rất xa TQ và
rất gần các nước Đông Nam Á khác; vì thế xét về luật quốc tế, Đường 9 Đoạn hoàn
toàn không có cơ sở pháp lý. Việc hạm đội chính phủ Trung Hoa Dân Quốc năm 1946
tiếp quản quần đảo Trường Sa từ tay Nhật rồi đặt tên cho 4 hòn đảo và vẽ vào
bản đồ phát hành nội bộ Trung Quốc sao có thể coi là bằng chứng TQ có chủ quyền
ở đấy? Năm 1946 quân đội chính phủ này chẳng đã đến tiếp quản Việt Nam (nửa
trên vĩ tuyến 16) từ tay Nhật đó sao? Thế nhưng TQ đâu có chủ quyền ở đây? …
Các sự thực
ấy chính quyền TQ đều biết, nhưng họ giấu kín không cho dân biết, chỉ một mực
nói bừa là toàn bộ các đảo bên trong Đường 9 Đoạn là thuộc chủ quyền không thể
tranh cãi của TQ. Dưới sự tuyên truyền dối trá như vậy, đa số dân TQ đều cho
rằng nước này nên dùng quân sự “giải phóng” các đảo đang bị nước khác kiểm
soát. Rất may là một số trí thức TQ tỉnh táo và dũng cảm đã dùng hình thức Blog
mạng để vạch ra sự thật về Đường 9 Đoạn. Bài dưới đây của Blogger Trương Quang
Nhuệ, một tác giả thường gây tranh cãi ở TQ. Bài rất dài, chúng tôi chỉ giới
thiệu phần đầu. Trong 2 phần sau, tác giả kiến nghị TQ và các nước liên quan
thành lập Khối Cộng đồng Biển Đông (South China Sea Commonwealth) để cùng khai
thác Biển Đông theo kiểu một công ty đa quốc gia mà TQ chiếm 50% cổ phần.
—
Gần đây một trang mạng quân sự nổi tiếng
trong nước có kêu gọi viết bài về đề tài “Trung
Quốc nên thoát ra khỏi tình trạng khó khăn về chủ quyền biển đảo như thế
nào”. Bản thân đề tài này thật là có ý nghĩa. Nhưng các bài viết hưởng ứng
lời kêu gọi này đã đăng thì hoặc là sặc giọng căm phẫn, hoặc là đầy những ý
tưởng ngớ ngẩn. Tôi có cảm giác: Đầu óc đồng bào ta không hề tỉnh táo hơn
[những người Trung Quốc hồi cuối thế kỷ 19 từng khuất phục trước tàu chiến súng
lớn của phương Tây].
Cách đây ít lâu tôi từng nói: “Trong thế giới cạnh tranh, thực lực là điều quan
trọng” … Nhưng không thể đơn giản hiểu thực lực là nước mình có bao
nhiêu máy bay tàu chiến, có GDP bằng bao nhiêu, có bao nhiêu dân… Khi bàn
chuyện lớn của đất nước, cần phải biết mình biết người thì mới bách chiến bách
thắng, chuyện ấy chẳng nói cũng hiểu. Thế nhưng chúng ta có biết mình không? Có
biết người không?
Trong quá khứ có bao nhiêu chuyện chứng tỏ
chúng ta chẳng biết mình biết người. Năm 1976, Trung Quốc từ chối nhận viện trợ
của các nước khác giúp khắc phục thiệt hại trong trận động đất lớn Đường Sơn,
khi ấy chúng ta cho rằng làm như thế là vẻ vang. Chúng ta không biết gì về cái
thế giới đã gần như hoàn toàn vận hành theo quy tắc của phương Tây, không biết
rằng khẩu hiệu “Một nước Trung Quốc” chính là nguyên tắc chính trị do người Mỹ
đưa ra. Lẽ tự nhiên chúng ta lại càng không biết những chuyện xa xưa xung quanh
vấn đề tranh cãi chủ quyền quần đảo Nam Sa [Việt Nam gọi là Trường Sa], không biết rằng đằng sau sự ra đời
cái “Đường 9 đoạn” (九段线)
kia có bao nhiêu trục trặc, không biết rằng hiện nay trên vấn đề Nam Hải [Việt
Nam gọi là Biển Đông] nước ta đã cực
kỳ bị động!
“Đường
9 đoạn” do một đại tá quân đội Quốc Dân Đảng vẽ ra
Nếu bạn vẫn còn có chút xa lạ với từ ngữ Đường 9 đoạn thì chắc hẳn bạn đã quen với
tấm bản đồ Nam Hải chứ! Đây là thể hiện cụ thể của ý nghĩ [Trung Quốc] “có chủ quyền không thể tranh cãi về các đảo ở Nam
Hải” cho tới nay vẫn còn nhiều người kiên trì.
Thế nhưng nguồn gốc của Đường 9 đoạn lại bị giấu kín như bưng,
ngày nay có mấy người Trung Quốc biết rằng thực ra nó đâu phải do chính phủ
nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hoạch định, mà là do chính phủ Dân Quốc [của
Quốc Dân Đảng] năm xưa vạch ra. Hơn nữa Đường
9 đoạn cũng không phải là do Bộ Ngoại giao của chính phủ ấy chủ trì
hoạch định, mà là lấy danh nghĩa Bộ Nội chính phát hành tấm bản đồ này. Người
vạch ra Đường 9 đoạn là một sĩ
quan hải quân có thân phận đặc biệt, nguyên sĩ quan hải quân trong sứ quán
Trung Hoa Dân Quốc tại Mỹ, năm 1946 làm sĩ quan chỉ huy Hạm đội Tiền tiến đi Nam Hải công cán.
Tháng 10 năm 1946, hải quân chính phủ Dân
Quốc thành lập tại Thượng Hải Hạm đội Tiền
tiến với nhiệm vụ xuống Nam Hải tiếp quản các đảo bị Nhật chiếm. Tối
29/10, dưới sự chỉ huy của đại tá Lâm Tôn,[1] một
đoàn 4 tàu chiến nhổ neo ra khỏi cửa Ngô Tùng, Thượng Hải. Đoàn gồm 4 chiến
hạm: tàu khu trục hộ tống Thái Bình,
tàu săn tàu ngầm Vĩnh Hưng, tàu đổ bộ
xe tăng Trung Kiện và tàu Trung Nghiệp.[2] Ngày
9/11 đoàn tàu đến cảng Du Lâm thuộc đảo Hải Nam. Sau đó, Lâm Tôn chỉ huy hai
tàu Thái Bình và Trung Nghiệp tiến về phía đảo Nam Sa. Phó
chỉ huy Diêu Nhữ Ngọc dẫn hai tàu Vĩnh
Hưng, Trung Kiện tiến về
đảo Tây Sa [Việt Nam gọi là Hoàng Sa]. Tên các hòn đảo Vĩnh Hưng, Trung
Kiện, Thái Bình và Trung Nghiệp[3] ngày
nay có vẽ trên bản đồ Nam Hải chính là tên 4 chiếc tàu năm xưa tham gia Hạm đội Tiền tiến.
Có điều đáng nhắc lại là tàu Thái Bình vốn là chiến hạm chủ lực của
hải quân Tưởng Giới Thạch, về sau đến năm 1954 bị tàu cao tốc phóng lôi của
Quân Giải phóng Trung Quốc đánh chìm ở vùng biển gần tỉnh Triết Giang. Nhưng
hòn đảo mang tên nó — tức đảo Thái Bình —
cho tới nay vẫn do chính quyền Đài Loan kiểm soát.
Năm 1947, dựa váo các tài liệu do Hạm đội Tiền tiến trình báo, Bộ Nội chính
chính phủ Dân Quốc công bố Bảng đối chiếu
tên cũ-mới của các đảo ở Nam Hải. Cùng năm đó xuất bản Bản đồ sơ lược vị trí các đảo ở Nam Hải 南海位置略图, ghi rõ vùng biển
Nam Hải gồm các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa[4] đều
thuộc lãnh thổ Dân quốc Trung Hoa và vẽ đường biên giới quốc gia có 11 nét đứt
rời xung quanh các đảo ở Nam Hải, cũng tức là Đường
11 đoạn 十一段线.
Năm 1948 lại xuất bản Bản đồ Khu vực hành
chính Trung Hoa Dân quốc 中华民国行政区域图kèm theo Bản đồ
vị trí các đảo Nam Hải 南海诸岛位置图do Phó Giác Kim phụ trách Vụ Phương vực Bộ Nội chính 内政部方域司chủ biên, trở thành bản đồ chính thức sớm nhất công khai vẽ Đường 11 đoạn.
Ngày 21/4/1949, Quân Giải phóng Trung Quốc
vượt Trường Giang tiến xuống phía Nam đến tận Nam Kinh, thủ đô chính phủ Dân
Quốc. Cho dù chính phủ Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch tan rã nhưng Đường 11 đoạn không vì thế mà biến mất. Ở
đây có một nguyên nhân là trước đó không lâu. Lâm Tôn, người vạch đường biên ở
Nam Hải, đã khởi nghĩa chống lại Tưởng Giới Thạch, gia nhập hàng ngũ Quân Giải
phóng. Sau đó Lâm Tôn liên tiếp được cử làm Phó Tư lệnh Hải quân Hoa Đông rồi
Phó Tư lệnh Hải quân của Quân Giải phóng Trung Quốc. Đường
11 đoạn năm nào ra đời cùng với Lâm Tôn và các tài liệu do ông cung
cấp đã lọt vào tầm mắt của giới lãnh đạo Trung Quốc. Vì thế trong các bản đồ do
Tân Trung Quốc xuất bản đã nhanh chóng xuất hiện Đường
9 đoạn được sửa chữa một chút từ Đường
11 đoạn.[5]
“Đường
9 đoạn” chưa bao giờ là đường biên giới quốc gia!
Đọc tới đây có lẽ rất nhiều người sẽ nói
như vậy chẳng phải mọi việc đã rất rõ ràng rồi hay sao: Đường 9 đoạn là thể hiện cụ thể không thể
tranh cãi về chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Sa, chỉ cần kiên quyết bảo vệ Đường 9 đoạn là được!
Thế nhưng tình hình thực tế là: cho dù trên
pháp lý hoặc trong các ghi chép lịch sử, Đường
9 đoạn không thể nào, và xưa nay cũng chưa từng xuất hiện với tư cách
là đường biên giới quốc gia!
Trước hết, đường biên giới quốc gia tất
phải là đường nét liền, đây là một chuẩn tắc cơ bản thông dụng trên toàn thế
giới. Thế nhưng Đường 9 đoạn đã
chia thành 9 đoạn thì lẽ tự nhiên là một đường đứt rời. Điều đó về cơ bản đã loại
trừ khả năng Đường 9 đoạn trở
thành đường biên giới quốc gia. Nói cách khác, Đường
9 đoạn cùng lắm chỉ có thể dùng làm một “đường chủ trương”, thể hiện
chính phủ Trung Quốc chủ trương hoạch định vùng biển và các đảo ở trong đường
đó vào lãnh thổ Trung Quốc. Đường 9 đoạn xưa
nay chưa bao giờ, và cũng không thể là một tuyến cương giới thực tế đã được
hoạch định. Bởi vậy không thể vì sự tồn tại Đường
9 đoạn mà nói các đảo và vùng biển bên trong đường đó là lãnh thổ của
Trung Quốc; lại càng không thể yêu cầu các quốc gia khác tôn trọng “đường biên
giới quốc gia” căn bản không tồn tại này.
Đồng thời, giải thích Đường 9 đoạn là “đường biên giới quốc
gia” là đi ngược lại Công ước về Luật biển
của Liên Hợp Quốc, hoàn toàn không ăn nhập với Công ước đó. Trong thực
tiễn thi hành Luật biển quốc tế bao năm qua, có một lý luận và nguyên tắc cơ
bản nhất là “Đất thống trị biển”, cũng tức là nói chủ trương lãnh thổ đối với
biển của quốc gia ven biển ắt phải dựa trên cơ sở chủ quyền lục địa, và lấy
đường cơ sở lãnh hải làm đường khởi đầu từ đó hướng ra ngoài để hoạch định lãnh
hải của mình. Công ước Lãnh hải và vùng
tiếp giáp năm 1958 và Công ước
về Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 — hai Công ước này quy định
rõ các chuẩn tắc cơ bản “Lấy chủ quyền đất liền để quyết định chủ quyền biển”
và “Lãnh hải mở rộng 12 hải lý”.
Bởi vậy, cho dù bản thân các đảo ở Nam Hải
không tồn tại bất cứ tranh chấp nào thì “lãnh thổ trên biển” do nó sinh ra cũng
nhiều nhất chỉ có thể là một vòng tròn bán kính 12 hải lý xung quanh đảo, chứ
tuyệt đối không thể bao gồm toàn bộ vùng biển Nam Hải như Đường 9 đoạn.
Huống chi hiện nay sự tranh cãi về chủ
quyền các đảo ở Nam Hải vốn đang ầm ỹ rồi, hơn nữa liệu các bãi đá lúc
chìm lúc nổi khi thủy triều lên xuống và các đảo san hô khó có thể duy trì đời
sống và sản xuất lâu dài cho dân cư ấy có thể dùng làm cơ sở cho chủ trương
“lãnh thổ trên biển” được hay không? — điều này khi áp dụng luật biển quốc tế
thì cũng đáng ngờ vực!
Trung Quốc là nước ký Công ước Liên Hợp
Quốc về Luật biển, vì vậy bản thân việc kiên trì Đường
9 đoạn đã tự mâu thuẫn về pháp lý. Hơn nữa, nhiều năm nay ngoài
chuyện thỉnh thoảng lại tuyên bố “Trung Quốc có
chủ quyền không thể tranh cãi về đảo …” ra, các thế hệ chính phủ
Trung Quốc đều chưa hề dùng hành vi được luật biển quốc tế tán thành để thực sự
hành xử quyền lãnh hải, quyền lãnh thổ và quyền quản trị hành chính đối với
quần đảo Nam Sa nằm ở vùng trung tâm Nam Hải.
Biên đội Lâm Tôn sau chuyến đi biển ấy trở
về chỉ bố trí có tính chất tượng trưng một số binh sĩ ở lại trên đảo Thái Bình
chứ chưa hề tiến hành bất cứ sự quản trị hữu hiệu nào đối với các đảo thuộc
quần đảo Nam Sa. Cho nên ngày nay sau mấy chục năm kể từ chuyến đi ấy, chưa cần
nói về rất nhiều hòn đảo, mà ngay cả đảo Trung
Nghiệp đặt theo tên một trong số 4 chiếc tàu chiến thuộc hạm đội của
Lâm Tôn, và đảo Nam Uy [tiếng
Anh: Spratly Island, Việt Nam gọi là đảo Trường Sa Lớn] nằm ở đầu mối tuyến
đường biển cũng lần lượt rơi vào tay Phillippines và Việt Nam.
Bởi vậy Đường 9 đoạn xét về pháp lý thì không chịu nổi một đòn [phản
biện]; trong thực tế thì như thằng bù nhìn, đã mấy chục năm tự mình
mâu thuẫn nói một đằng làm một nẻo. Nói thẳng ra, Đường 9 đoạn đã trở thành một trò cười trong thực tế vận hành
Luật biển quốc tế.
Cơ hội
lịch sử để vuột mất sau chuyến đi biển của Lâm Tôn
Vấn đề Đường
9 đoạn thực ra không chỉ đơn giản là nói một đằng làm một nẻo, mà vấn
đề lớn hơn lại ở chỗ xét theo ba nguyên tắc lớn “Lịch sử”, “Thềm đại lục”
“Chiếm trước” của Luật biển quốc tế, thì trên vấn đề quần đảo Nam Sa thuộc về
ai, rõ ràng Trung Quốc hoàn toàn không chiếm được thế thượng phong, thậm chí có
thể nói là [Trung Quốc đang] cận kề mức cãi chày cãi cối. Đây mới là nguyên
nhân cơ bản nhất [làm cho Trung Quốc] bị động tới cùng cực trên vấn đề Nam Hải
hiện nay.
“Trung Quốc
từ xưa tới nay đã có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở
Nam Hải” câu nói này [người ta] đã nghe không biết bao nhiêu lần rồi.
Nhưng cân nhắc kỹ lưỡng một chút thì vấn đề sẽ hiện ra: kể từ ngày khai quốc
nền văn minh Trung Hoa cho đến năm 1840 khi đại bác của người Anh phá vỡ cánh
cổng lớn của đế quốc Đại Thanh thì Trung Quốc cũng vậy, Triều Tiên cũng vậy,
Đông Nam Á cũng vậy, toàn bộ phương Đông hoàn toàn chẳng có khái niệm chủ quyền
gì cả. Tra cứu hết lịch sử trên dưới 5000 năm của Trung Quốc, e rằng cũng khó
mà tìm thấy trong văn thư nào có hai chữ chủ quyền. Chủ quyền là khái niệm hoàn
toàn do người phương Tây sáng tạo, Trung Quốc cổ đại sao mà có được? Thế thì
làm sao có thể nói tới “Chủ quyền không
thể tranh cãi từ xưa đến nay”?
Thực ra nếu dựa vào quan niệm chủ quyền của
phương Tây để nghiêm túc cân nhắc cuộc tranh cãi về quần đảo Nam Sa, chúng ta
sẽ phát hiện thấy lập trường của Trung Quốc thật sự rất khó đứng vững được: dựa
vào chuyện tàu thuyền Trung Quốc đến nơi ấy mấy lần gì gì đó, đánh bắt được mấy
con cá thì chỗ ấy là của Trung Quốc sao? Thế thì trong lịch sử, tàu thuyền của
tôi đến chỗ ấy còn nhiều hơn anh nữa kia, năm này qua năm khác tôi đánh cá ở
đấy, cớ sao lại không được thừa nhận? Anh bảo anh đến đấy trước, vậy có chứng
cứ không? Năm nào tháng nào ai đến đấy? Chuyện này về căn bản là một mớ sổ sách
rối bét, dù sao thì cũng chẳng ai có cách nào sinh cơ lập nghiệp được trên
những mỏm đá san hô chỉ nhô lên khỏi mặt nước một tý tẹo ấy.
Trong tình hình chuẩn tắc lịch sử rơi vào
tình trạng rối rắm và hỗn loạn như trên, thì nguyên tắc “Thềm đại lục vươn ra”
và “Chiếm trước” trở nên quan trọng hơn. Mà Nam Sa cách Việt Nam, Malaysia,
Phillippines gần hơn cách Trung Quốc, bởi vậy giả thử theo chuẩn tắc địa lý “cự
ly gần, thềm đại lục vươn ra” , thì chẳng cần nói, Trung Quốc thậm chí có thể
chẳng có được phần nào! Còn nói về nguyên tắc “Chiếm trước” vốn dĩ có thể là
cực kỳ có lợi cho Trung Quốc, nhưng vì [Trung Quốc] suốt 40 năm ròng coi nhẹ
quyền lợi trên biển, cho nên ngày nay [“Chiếm trước”] lại trở thành ưu thế
tuyệt đối của người khác.
Vào cái thời Lâm Tôn lập hạm đội đi Nam
Hải, các quốc gia Đông Nam Á hồi ấy căn bản còn là các xứ thuộc địa, sau này
mới xuất hiện [là quốc gia độc lập]. Chính quốc các nước thực dân châu Âu đều
bị Thế chiến II làm cho tan nát, lúc này đang chuẩn bị cuốn gói chuồn khỏi [các
thuộc địa của mình], nào ai còn tâm tư để ý đến mấy hòn đảo san hô trên biển
mênh mông kia đâu?
Hơn nữa cho dù Bộ Nội chính của chính phủ
Trung Hoa Dân Quốc có in cái Đường 9 đoạn trên
tấm bản đồ phát hành trong nước, nhưng chính phủ này hoàn toàn không thông qua
con đường ngoại giao để tuyên bố với Đông Nam Á rằng “Vùng này là của tôi” .
Người ta [các nước Đông Nam Á] hoàn toàn chẳng biết gì về chuyện ấy thì sao mà
có thể “đưa ra ý kiến khác” được? (Song le dùng logic này để luận chứng quần
đảo Nam Sa thuộc Trung Quốc là điều vô cùng nguy hiểm, vì logic như vậy từng
được Nhật dùng để luận chứng các đảo Pinnacle Islands尖阁列岛 là do Nhật “phát
hiện” — hồi ấy khi đảo Điếu Ngư 钓鱼岛 [Nhật gọi là Senkaku Shotō] bị Nhật lén lút ghép vào địa
giới “Huyện Okinawa” 冲绳县,
chính phủ nhà Thanh cũng vậy, không hề “đưa ra ý kiến khác”, bởi lẽ họ đâu có
biết gì!)
Nếu hồi ấy hạ quyết tâm đưa ra đảo cho dù
chỉ vài tiểu đoàn lính, chiếm hết quần đảo Nam Sa rồi đóng quân lâu dài ở đấy,
thậm chí thiết lập các cơ quan hành chính như “Huyện Nam Sa” để thực thi quản
trị hữu hiệu, thế thì sau mấy chục năm kinh doanh, nguyên tắc “Chiếm trước” sẽ
trở thành vũ khí lợi hại để giữ chủ quyền ở Nam Sa.
Thế nhưng điều khiến người ta lấy làm tiếc
là trong thời gian hơn 4 chục năm, ánh mắt của hai bờ eo biển [ý nói đại lục
Trung Quốc và Đài Loan] đều chưa từng hướng vào Nam Hải. Tàu chiến Thái Bình từng để lại ký ức vĩnh cửu tại
biên cương biển nơi cùng trời cuối đất năm xưa, về sau trong cuộc nội chiến lại
bị ngư lôi của đồng bào mình [ý nói Quân Giải phóng Trung Quốc] đánh chìm. Câu
chuyện ấy là một điềm báo hoặc phác họa về số phận lịch sử của các đảo thuộc
quần đảo Nam Sa.
Cho đến thập niên 1970, khi các “Rồng con,
Hổ con” của Đông Nam Á bắt đầu kiếm được “thùng vàng thứ nhất” trong buôn bán
đối ngoại, họ đã phát hiện ra giá trị của quần đảo Nam Sa, nhưng vào lúc ấy
chính quyền Đài Loan vừa bị đuổi ra khỏi Liên Hợp Quốc, mình lo cho mình còn
chưa xong. Đại lục Trung Hoa thì vừa mới thoát khỏi các thương tích của Cách
mạng Văn hóa, hải quân Trung Quốc hồi ấy chẳng qua chỉ mới là đội cảnh vệ ven
biển, thiếu khả năng viễn chinh tối thiểu. Hồi ấy tại quần đảo Nam Sa, trừ đảo
Thái Bình có quân đồn trú của Đài Loan ra, còn lại đều là những “đảo không
người”. Miếng mỡ để trước mặt sao lại không giành lấy? Huống chi là bấy giờ
nguyên tắc “Chiếm trước” đã ra lò, ai giành được thì là của người ấy! Anh nói
[đảo này] là của anh hả, xin lỗi nhé, thế ai bảo anh không đưa quân ra
giữ lấy nó?
Như vậy đấy, Trung Quốc chiếm ưu thế về
nguyên tắc “Lịch sử” nhưng lại thiếu những chứng cớ được hệ thống luật biển
hiện đại chấp nhận, mà hai nguyên tắc “Thềm đại lục vươn ra” và “Chiếm trước”
lại trở thành có lợi cho các quốc gia Đông Nam Á mà bất lợi cho Trung Quốc.
Trên tầng nấc pháp lý, vấn đề Nam Sa đã rơi vào tình thế bị động cực kỳ nghiêm
trọng [đối với Trung Quốc].
Nói thẳng ra, giả thử bây giờ nổ ra một
cuộc chiến tranh xung quanh quần đảo Nam Sa ở Nam Hải, thì trên toàn thế giới
có lẽ chỉ có 1,3-1,4 tỷ người [ý nói người Trung Quốc và người Hoa] cho rằng
Trung Quốc không phải là kẻ xâm lược!
Đăng nhận xét