Tại phiên họp
Quốc hội sáng ngày 08/11/2019, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh
Hùng đã đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội về những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm trong lĩnh
vực thông tin và truyền thông; đặc biệt, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm đối
với vấn nạn tin giả, tin xấu độc đang tràn lan trên mạng xã hội và hướng phát
triển mạng xã hội “made in Việt Nam”.
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn Bộ trưởng Bộ
Thông tin và Truyền thông, bày tỏ lo ngại khi hiện nay, người dùng mạng xã hội
Việt Nam có thể tạo ra một cơ quan truyền thông nhiều người gọi là “báo chí
nhân dân”. Dù nội dung xấu, độc nhưng lại có lượng độc giả lớn, hình thành các
luồng dư luận tác động xấu tới đời sống xã hội. Cùng quan điểm đại biểu Nguyễn
Quang Tuấn (TP Hà Nội) cũng cho rằng, thông tin xấu, độc đang "lây lan như
dịch bệnh, lan tỏa rất nhanh trên mạng xã hội". Các đại biểu đề xuất phải
có bộ lọc để cách ly với người đọc.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng,
với tin xấu độc trên mạng xã hội, yếu tố đầu tiên để ngăn chặn chính là hành
lang pháp lý. Hiện nay, Việt Nam đã có hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng,
nhưng các quốc gia đều có quy định riêng xử lý tin rác, tin giả. Bộ trưởng lấy
ví dụ, Singapore đã có luật về xử lý tin giả với chế tài xử lý rất mạnh: Người
tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, có thể đi tù; người đứng đầu mạng xã
hội tung tin giả cũng vậy.
"Do đó, Việt Nam sẽ phải ban hành quy định pháp luật
về vấn đề này. Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông
tin và truyền thông sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả", Bộ trưởng
khẳng định.
Về phần mình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhóm làm
việc chuyên trách làm việc với Tổng cục thuế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để
tìm cách xác định danh tính các tài khoản, tránh việc một số người nghĩ rằng
trên mạng xã hội là không xác định danh tính nên thiếu trách nhiệm khi đưa
thông tin lên mạng xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cũng có thể
dùng kỹ thuật để nhận ra thông tin xấu, độc và loại bỏ. Nhưng có nhiều công ty
nước ngoài vào Việt Nam từ chối xây dựng vì họ cho rằng "người phát tin
xấu, độc phải chịu trách nhiệm chứ không phải các nền tảng". Tuy nhiên, Bộ
trưởng nhấn mạnh họ phải "nhập gia tùy tục" theo pháp luật Việt Nam.
Về phía chính quyền, Bộ trưởng nói rằng các Bộ, ngành, địa
phương phải đầu tư công nghệ quan sát trên không gian mạng nhiều hơn chứ không
chỉ trong cuộc sống thực. Cụ thể, Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng
quốc gia có thể là công cụ đo lường và chia sẻ dữ liệu cho các tỉnh. Còn Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch phải là cơ quan nhận diện thông tin xấu, độc đó để yêu
cầu gỡ các thông tin này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao
nhận thức sống trên không gian mạng. Theo đó, Bộ đã làm việc với Bộ Giáo dục và
Đào tạo đưa giáo dục về kỹ năng số vào chương trình phổ thông cho học sinh.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP Hà Nội) nêu tình trạng phá hoại
nền tảng tư tưởng của Đảng xảy ra nhiều, phức tạp hơn về đối tượng, độc hại hơn
về nội dung, đa dạng hơn về phương thức và tinh vi hơn về thủ đoạn.
Ở góc độ liên quan, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng
Bình) đặt câu hỏi chất vấn: Sau khi Luật An ninh mạng được ban hành, có dấu
hiệu tin nhắn rác xuất hiện nhiều, không ít videoclip, tin bài phản cảm, nội
dung đồi trụy, thiếu văn hóa, nghiêm trọng hơn là thông tin cá cược, nói xấu
chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền, ảnh hưởng đến an ninh mạng... Bộ
trưởng cho biết giải pháp xử lý như thế nào?
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng
định, chúng ta giải quyết vấn đề trên không gian mạng trước khi có Luật An ninh
mạng và khi có luật thì ta làm mạnh mẽ hơn rất nhiều. Theo Bộ trưởng, kết quả
này thể hiện rõ nhất qua làm việc với các nền tảng xã hội xuyên biên giới.
Trước đây với Facebook, nếu chúng ta yêu cầu 100 thì họ chỉ làm 20-30%, nhưng
nay tỷ lệ này nâng lên 70%; còn Google, nếu ta yêu cầu 100 họ chỉ chấp hành
khoảng 40-50%, nhưng nay tăng lên 85%, thậm chí 90%, ví dụ gỡ các game xấu độc
như đánh bài...
Về xử lý các trang web mạo danh, Bộ trưởng cho biết vừa rồi
đã xử lý rất nhiều các trang web mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ đã phối
hợp với các cơ quan liên quan và có lực lượng để giải quyết vấn đề này. Trong 2
tháng vừa qua, Bộ đã làm rất mạnh tay, gỡ, hạ 207 website mạo danh. Có trang là
website thì ngăn chặn, còn trang trên nền tảng mạng xã hội thì phối hợp ngăn
chặn. Bộ trưởng cũng cho biết chỉ cách đây 2 ngày, Facebook đã công bố chặn
quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có
cả những trang mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.
Về việc mạng xã hội nước ngoài chưa tuân thủ pháp luật Việt
Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm chúng ta giữ chủ quyền ngay cả trên không
gian mạng.
Theo Bộ trưởng, mạng xã hội cũng có 2 mặt, như Facebook
hiện nay có khoảng trên 50 triệu người Việt Nam dùng và dùng vào nhiều mục đích
khác nhau. Vì vậy, khi ta yêu cầu mạng xã hội tuân thủ luật pháp phải có từng
bước.
Về cơ sở luật pháp, Bộ trưởng cho biết sau khi có 2 nghị
định hướng dẫn triển khai thi hành Luật An ninh mạng xong thì cơ bản sẽ có đủ
hành lang pháp lý để quản lý mạng xã hội nước ngoài. “Họ đến đây kinh doanh thì
phải đóng thuế và tuân thủ luật pháp Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thị Mai
Hoa (Đồng Tháp) cùng mối quan tâm về việc có cần phát triển hệ sinh thái số,
mạng xã hội Việt Nam hay không?
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, Việt Nam nằm trong
số ít quốc gia đặt vấn đề này từ thực tế muốn làm chủ, bởi "nếu không làm
chủ không gian này, sẽ khó nói tới tự chủ kinh tế".
Bộ trưởng cho biết, ngay khi trở thành Bộ trưởng, việc đầu
tiên là ông lập tổ công tác hỗ trợ phát triển mạng xã hội Việt Nam và đặt mục
tiêu số lượng phải tương đương mạng xã hội nước ngoài. Sau một năm, mạng xã hội
Việt Nam đã tăng trưởng 30%, lên 65 triệu người dùng. Số lượng này sẽ tăng lên
90 triệu vào năm 2020 với sự ủng hộ "ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của
người dân – Bộ trưởng nói. "Hiện giờ nghĩ gì, nói gì, yêu ai, mua gì...
đều nằm trên mạng xã hội. Nghĩa là não người Việt Nam tập trung ở một chỗ và
chỗ này hiện không nằm ở Việt Nam. Sau này họ sẽ dùng vào việc gì? Điều này rất
nguy hiểm, đấy là an ninh quốc gia", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định không
đặt mục tiêu là mạng xã hội trong nước thay thế mạng xã hội nước ngoài: Việt
Nam đã hội nhập, mở cửa kêu gọi đầu tư. Nhưng ai vào Việt Nam làm ăn đều phải
tuân thủ pháp luật Việt Nam, giúp Việt Nam thịnh vượng lên. Tương tự, mạng xã
hội Việt Nam tồn tại bên cạnh với điều kiện mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ
pháp luật Việt Nam.
Nói rõ hơn về mạng xã hội Lotus vừa ra mắt, Bộ trưởng
Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, hiện có thường xuyên khoảng 1 triệu người dùng mạng
xã hội này. Nhấn mạnh “phát triển một mạng xã hội không nhanh ngay được”, khi
nào dùng thấy tốt, nhà mạng sẽ mở một chiến dịch truyền thông quảng cáo khuyến
mại để tăng số thuê bao. Bộ Thông tin truyền thông, với trách nhiệm quản lý nhà
nước, sẽ đánh giá về độ an toàn thông tin, hạ tầng kỹ thuật và sẽ khuyến nghị
dùng trong các cơ quan khi mạng xã hội này đạt các tiêu chuẩn.
Đăng nhận xét