Còn theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế thuộc Liên hợp quốc, kể từ khi cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu bùng nổ năm 2014, trên 25.000 người đã thiệt mạng trên đường tha hương, phần lớn nằm lại dưới đáy biển hoặc chết thảm trong các thùng xe tải.
Tuy nhiên, bất chấp những nguy hiểm khôn lường, việc buôn bán người di cư vẫn diễn ra ở hầu khắp các khu vực trên thế giới, mang lại khoản thu nhập bất chính lên tới 7 tỷ USD cho các tổ chức tội phạm buôn người, tương đương với số tiền mà Mỹ và các nước Liên minh châu Âu dành cho các chương trình viện trợ nhân đạo toàn cầu trong năm 2016. Theo đánh giá của Cơ quan chống các tội phạm nghiêm trọng có tổ chức của Anh (SOCA) công bố năm 2011, những người được đưa bất hợp pháp vào Anh có thể bị bóc lột dưới nhiều hình thức, trong đó cao nhất là bị buộc phải bán dâm. Đây là bằng chứng cho thấy, cuộc sống ở “miền đất hứa” không hề hoàn hảo như những người nhập cư trái phép vẫn mơ ước. Và sự kiện đau lòng vừa xảy ra ở Anh lại tiếp tục gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh với những người ôm giấc mơ đến “miền đất hứa” bằng mọi giá để đổi đời.
Lược đồ các con đường buôn người: Màu đen - Serbia, màu vàng - Nga, màu đỏ - Tây Ban Nha. (Ảnh: Daily Mail) |
Có 3 con đường đưa lậu người từ Trung Quốc sang Anh được phát hiện, hành trình di chuyển có thể mất một tháng.
Thứ nhất là đường qua Serbia. Tháng 6/2000, 58 thi thể được tìm thấy bên trong thùng xe tải ở cảng Dover. Họ rời Trung Quốc nhiều tuần trước thảm họa, mỗi người trả 20.000 bảng Anh cho một băng đảng tội phạm.
Sử dụng giấy tờ Trung Quốc, họ bay đến Belgrade (Serbia), được đưa vào một ngôi nhà trú ẩn và cấp hộ chiếu giả. Sau đó họ được đưa trái phép qua Áo và Pháp đến nhà trú ẩn ở Hà Lan, rồi nhồi nhét lên xe tải ở Rotterdam, Hà Lan để đến Anh.
Thứ hai là đường qua Nga. Các nạn nhân sẽ từ Trung Quốc đến Nga qua biên giới trên bộ bằng xe buýt hoặc ô tô. Khi vào Nga, họ được vận chuyển bằng xe buýt hoặc tàu đến biên giới với Ukraine.
Từ Ukraine có nhiều đường để đi tiếp, đường phổ biến nhất là đi qua Ba Lan, Cộng hòa Czech và Đức đến Bỉ. Hoặc một đường thay thế là đi đến Romania và vào Serbia, sau đó tiếp tục đi theo đường Serbia.
Thứ ba là đường qua Tây Ban Nha. Năm 2018, cảnh sát Tây Ban Nha chặn một số lượng lớn người Trung Quốc mang theo giấy tờ tùy thân giả tại sân bay Barcelona. Nhóm bị bắt sau khi 5 người di cư đồng ý cho lời khai để gia nhập chương trình bảo vệ nhân chứng.
Với 18.000 bảng Anh mỗi người, họ được cung cấp hộ chiếu giả từ Hong Kong, Macau, Đài Loan (Trung Quốc) hoặc Nhật Bản những nơi không cần thị thực để vào EU. Họ bay đến các thành phố Tây Ban Nha, có thể là Barcelona hay Madrid, và được đưa đến nhà trú ẩn.
Khi các giấy tờ giả khác được làm xong, nhóm tội phạm mua vé cho các nhóm nhỏ bay đến Heathrow, Gatwick và Dublin. Tuyến đường này được sử dụng để vận chuyển ít nhất 150 người di cư Trung Quốc năm 2018 và cũng là đường để băng nhóm tội phạm đưa người Iran vào Anh trái phép năm 2017./.
Đăng nhận xét