Không ít người trong chúng ta cảm thấy bức xúc khi liên tục bị “tra tấn” bởi đội quân bán hàng qua điện thoại. Mỗi ngày, thường xuyên có những cuộc gọi chào mời mua bán bất động sản hay bảo hiểm rồi những tin nhắn quảng cáo, khuyến mãi của những dịch vụ từ trên trời rơi xuống... Từ đâu, người ta có được thông tin cá nhân để gọi điện, bán hàng? Câu trả lời khiến chúng ta cảm thấy hoang mang khi việc mua bán thông tin cá nhân diễn ra công khai, rầm rộ như ...bán rau ở chợ.
Pháp luật quy định thế nào để đối phó, xử lý đối với vấn nạn mua bán thông tin cá nhân đang hoành hành hiện nay?
Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác...”
Theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP, hành vi mua bán, trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông, có thể bị phạt từ 50 – 70 triệu đồng. Những người có hành vi vi phạm này tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo Điều 288 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
Như vậy, hành vi mua bán, trao đổi những thông tin riêng, hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng Internet mà không có sự cho phép của chủ sở hữu thông tin là vi phạm pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền cũng đã đưa ra các chế tài để xử lý nghiêm bằng hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm đến thông tin cá nhân.
Tuy nhiên, trên thực tế việc bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng vẫn chưa được tuân thủ nghiêm chỉnh, hành vi mua bán thông tin cá nhân được giao dịch trên môi trường internet. Vì vậy, việc xác định chủ thể có hành vi vi phạm còn nhiều khó khăn. Bản thân những người bị mua bán thông tin họ không biết thông tin của mình bị mua bán để làm đơn đề nghị tính giá trị tổn thất, từ đó truy cứu trách nhiệm. Ngoài ra, việc xác định hành vi mua bán đó có “gây hậu quả nghiêm trọng hay không” cũng không hề đơn giản.
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, hạn chế có thêm nhiều nạn nhân trở thành “miếng mồi béo bở” của đối tượng xấu, các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý ngay từ các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các cuộc gọi, tin nhắn “rác”.
Về phía người dân, chúng ta đã không còn đứng ngoài cuộc trong vấn nạn mua bán thông tin cá nhân. Do đó, mỗi người phải học cách “sống chung” và cảnh giác với các chiêu trò chào mời dịch vụ qua điện thoại, nhất là liên quan đến các giao dịch về ngân hàng, chứng minh tài sản... Đồng thời, nên thực hiện biện pháp cài đặt phòng, chống phần mềm độc hại trên thiết bị điện tử, thường xuyên cập nhật, thay đổi mật khẩu và sử dụng mật khẩu có tính bảo mật cao. Chúng ta hãy là những công dân tích cực, chủ động, là người đầu tiên bảo vệ quyền lợi của chính mình, tỉnh táo, cẩn trọng để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. /.
H.T

Đăng nhận xét

 
Top