Người ta thường nói “trong chiến tranh, chẳng có bên nào chiến thắng”. Tuy nhiên, đối với các nhà thầu quốc phòng, chiến tranh lại là cơ hội lớn để thu lợi nhuận khủng nhờ những hợp đồng béo bở và giá cổ phiếu tăng.



Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, làn sóng tăng chi tiêu quốc phòng xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tháng 3 vừa qua, không lâu sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, đối mặt với căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, Đức và các nước châu Âu khác cũng đã điều chỉnh chính sách quốc phòng của mình theo hướng “đầu tư nhiều hơn để bảo đảm an ninh”. Điều này tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho các nhà thầu vũ khí.

William Hartung, Giám đốc Chương trình Vũ khí và An ninh tại Trung tâm Chính sách Quốc tế có trụ sở tại Washington DC nhận định, các công ty quốc phòng đang gia tăng lợi nhuận theo nhiều cách. Ngoài việc cung cấp vũ khí cho các bên tham chiến tại Ukraine, họ sẽ đáp ứng nhu cầu bảo đảm an ninh ngày càng gia tăng từ các quốc gia khác, chẳng hạn như Đức hay Đan Mạch. Ước tính, trong ngắn hạn, những hợp đồng vũ khí có thể mang lại cho các nhà thầu lợi nhuận hàng chục tỷ USD.

Trong khi đó, theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố gần đây, với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất trên toàn cầu, Mỹ và nền công nghiệp quốc phòng của nước này đang ở vị thế thu được nhiều lợi nhuận hơn cả từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Giá cổ phiếu của các nhà sản xuất vũ khí lớn của Mỹ đã minh chứng cho điều này.

Trong giai đoạn từ ngày 24-2 đến 28-3, giá cổ phiếu của Lockheed Martin, nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới, đã tăng hơn 13%, trong khi giá cổ phiếu của Northrop Grumman tăng hơn 13,4%. Cổ phiếu của các tập đoàn quốc phòng khác như General Dynamics, Raytheon cũng đều tăng đột biến.

Những con số này phản ánh thực tế các cuộc xung đột quân sự, căng thẳng địa chính trị trên thế giới đang trở thành cỗ máy in tiền cho giới buôn vũ khí. Đây cũng là cái cớ để các quốc gia đổ thêm tiền cho vũ khí viện trợ nhằm “tìm lối thoát cho các cuộc khủng hoảng hiện nay”.

Theo Lầu năm góc, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ đã cung cấp hơn 1,7 tỷ USD viện trợ an ninh cho Ukraine, bao gồm hơn 1.400 tên lửa phòng không Stinger, 5.000 tên lửa chống tăng Javelin và hàng trăm máy bay không người lái Switchblade. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng chi không ít cho các gói hỗ trợ quân sự để giúp Ukraine đối phó với các lực lượng Nga.

Mới đây, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ, Lầu năm góc đã có cuộc gặp với các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ để thảo luận về việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp xung đột kéo dài. Đây là dấu hiệu cho thấy các khoản lợi nhuận rót vào túi giới buôn vũ khí sẽ không chỉ dừng lại ở con số hàng chục tỷ USD.

Về dài hạn, một số chuyên gia nhận định xung đột ở Ukraine có thể khiến các quốc gia nhìn nhận lại việc đầu tư cho ngành công nghiệp quốc phòng.

"Khủng hoảng Ukraine đã làm thay đổi trật tự địa chính trị theo cách chưa từng thấy trong 30 năm qua. Một số quốc gia bắt đầu nhận thấy các mối đe dọa và cho rằng cần tăng cường đầu tư vào quốc phòng. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất vũ khí”, Burkett Huey, chuyên gia của Morningstar, công ty dịch vụ tài chính Mỹ nhận định.

Đương nhiên, để hưởng lợi từ những cuộc cạnh tranh và xung đột, giới buôn vũ khí cũng phải đầu tư không ít. Một bài viết mới đây trên trang In These Times cho biết để tăng doanh thu, các công ty công nghiệp quốc phòng Mỹ có thể sử dụng nhiều phương tiện như tạo ra các căng thẳng địa chính trị, xây dựng các lực lượng đối lập chiến lược đa dạng và xây dựng các học thuyết về mối đe dọa.

Thậm chí để duy trì một dòng chảy đều vốn đầu tư từ chính phủ, các công ty này còn dành hẳn một khoản đầu tư 2,5 tỷ USD để vận động hành lang trong hai thập kỷ qua, thuê trung bình tới hơn 700 nhân viên “lobby” mỗi năm trong suốt 5 năm qua, tức là hơn một nhân viên lobby ứng với mỗi nghị sĩ Mỹ, theo báo cáo được xuất bản bởi Opensecrets.org-một tổ chức độc lập và phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington.

Bên cạnh đó, giới buôn vũ khí cũng gây ảnh hưởng lớn bằng việc tài trợ cho các viện, trung tâm nghiên cứu cổ xúy mạnh mẽ cho việc tăng ngân sách quốc phòng và kêu gọi hiện đại hóa những cơ sở sản xuất vũ khí.

Theo Peter Bloom, Giáo sư làm việc tại Đại học Essex (Anh), các quốc gia cần tìm cách hạn chế sức mạnh và ảnh hưởng của ngành công nghiệp vũ khí. Trong bài viết trên trang Asia Times, Giáo sư Peter Bloom cho rằng quá trình này có thể bao gồm các thỏa thuận quốc tế nhằm hạn chế việc bán những loại vũ khí cụ thể, hỗ trợ đa phương cho các quốc gia cam kết cắt giảm ngành công nghiệp quốc phòng của họ và trừng phạt các công ty vũ khí đang vận động để tăng chi tiêu quân sự./.

 

Đăng nhận xét

 
Top