Các đối tượng gọi điện dọa nạn nhân đang dính líu tới đường dây lừa đảo, cần xác minh tài khoản ngân hàng cá nhân có nhận tiền không để minh oan. Các đối tượng dẫn dắt nạn nhân vào trang web giả với những thủ thuật tinh vi như câu chuyện có thật sau đây:



Ngày 28/5/2022, anh N.M.H. (25 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) bất ngờ nhận được điện thoại từ số +12246830258. Người gọi, xưng là nhân viên của Viettel Post, thông báo anh H. có một bưu phẩm quốc tế gửi từ Hà Nội đi Đài Loan, bị Cục Hải quan phát hiện chứa hàng cấm là 36 thẻ ngân hàng.

Người gọi cũng "dọa" trong 48 giờ tới, anh H. bị tạm hoãn xuất cảnh và bị triệu tập điều tra. Anh H. rất bất ngờ và khẳng định không gửi bưu phẩm trên. Song người gọi nói chỉ là nhân viên chuyển phát nhanh, không nắm rõ sự việc và hướng dẫn anh H. nói chuyện với công an.

1. "Kịch bản" hoàn hảo

Sau đó, "nhân viên Viettel Post" nhanh chóng tự chuyển máy kết nối anh H. với một người giọng nữ, xưng là cán bộ Công an thành phố Hà Nội đang giải quyết vụ việc. Cô gái này đề nghị anh H. hợp tác để xác minh, điều tra vụ việc vì nghi ngờ anh H. nằm trong đường dây "rửa tiền". Cô này khẳng định trong 36 thẻ ngân hàng giấu trong "bưu phẩm" có một thẻ ngân hàng có tên anh H.

Cô ta tiết lộ Công an đã bắt được 2 đối tượng trong đường dây nên đề nghị anh cung cấp thông tin cá nhân để điều tra.

Nghe đến đây, anh H. phát giác những đối tượng này đang lừa đảo vì anh đã đọc được thông tin cảnh báo về kiểu lừa đảo tương tự trên báo chí.

Sau khi anh H. "cung cấp thông tin", những kẻ này yêu cầu anh H. truy cập vào địa chỉ website "1.84113vn.com" - một trang web giả, có giao diện giống Cổng thông tin điện tử Bộ Công an mà bên cơ quan chức năng cũng từng cảnh báo trước đó.

Bên trong trang có 3 mục "Hệ thống kiểm kê trực tuyến", "Phần mềm bảo mật", "Hệ thống tội phạm truy nã" như thật hẳn hoi.

Người này hướng dẫn anh H. bấm vào mục "Hệ thống tội phạm truy nã" và hiện ra "Lệnh bắt tạm giam" giả của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có cả chữ ký và con dấu của Viện trưởng!

Đáng chú ý, trong "lệnh" này có đầy đủ thông tin cá nhân mà anh H. vừa cung cấp. Sau khi hù dọa xong, "cô công an" yêu cầu anh H. vào mục "Hệ thống kiểm kê trực tuyến" kê khai tên ngân hàng, số điện thoại đăng ký ngân hàng, họ và tên, số căn cước công dân, tên đăng nhập, mật khẩu rồi bấm "xác nhận".

"Cô công an" giải thích là cần chuyển thông tin sang ngân hàng để kiểm tra tài khoản ngân hàng anh H. đang sử dụng. Như vậy không liên quan gì đến thẻ ngân hàng mà Hải quan phát hiện trong bưu phẩm để "minh oan" cho anh.

Nếu người dân hoảng sợ mà kê khai các thông tin cá nhân chính xác của mình thì sẽ bị các đối tượng đánh cắp thông tin và rút sạch tiền trong tài khoản.

Anh H. đã nhận ra bất thường và tắt máy.

2. Mất 2 tỉ đồng vì lệnh khởi tố "dỏm"

Một nạn nhân có thực là chị M.T.H. (35 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương). Chị cho biết gia đình chị hiện đang rơi cảnh cùng cực, nợ số tiền rất lớn sau khi bản thân chị "sập bẫy" lừa đảo mạo.

Vào trưa ngày 25/4, chị nhận được cuộc gọi từ một người xưng nhân viên chăm sóc khách hàng của Trung tâm viễn thông ở Đà Nẵng.

Người này đọc đúng tên, họ, số căn cước công dân và thông báo chị H. có đăng ký thuê bao trả sau nhưng hiện đang nợ cước lên tới gần 9 triệu đồng nhưng không trả, vì vậy sẽ chuyển qua công an để giải quyết.

Vốn không đăng ký bất kỳ thuê bao trả sau nào nên chị H. định cúp máy thì đầu dây bên kia thuyết phục "để em kết nối với công an, nếu chị không đăng ký thì chị trình bày với công an".

Cuộc gọi được chuyển tới một người khác xưng là "Công an Đà Nẵng". Người này cho rằng có khả năng chị H. bị lộ thông tin cá nhân và bị đối tượng lừa đảo mạo danh nên cần "kiểm tra trên hệ thống của Bộ".

Người này thông báo chị H. đang phạm tội, liên quan đến đường dây "rửa tiền", "trốn thuế" lên tới 18 tỉ đồng… Tiếp đó, người này gửi cho chị H. một đường link và một mã đăng nhập vào website Bộ Công an giả.

Khi thấy "Lệnh khởi tố bị can" của Viện KSND tối cao ghi tên mình và đầy đủ thông tin cá nhân. Chị H. được yêu cầu xóa các ứng dụng ngân hàng, và gửi mã OTP mà chị vừa nhận được cho kẻ này để phong tỏa tài khoản nhằm "phục vụ điều tra".

Vì nghĩ rằng ngân hàng bị phong tỏa thật và cũng không thể vào xem biến động số dư nên chị H. không hề hay biết hơn 170 triệu đồng trong tài khoản đã "bốc hơi" từ khi nào. Chưa dừng lại ở đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị H. chuyển 1 tỉ đồng vào tài khoản, nếu không chuyển sẽ cử lực lượng đến khám xét.

Đến ngày 27/4, chị H. tiếp tục nhận được cuộc gọi từ một người khác xưng là "thư ký tòa án" thông báo: "Ngày 28/4 mở phiên tòa xử vụ án của chị, giờ nếu chị không có mặt chị phải đóng 1 tỉ đồng vào tài khoản mới được xem xét không phải dự tòa. Sau khi vụ án được giải quyết xong sẽ hủy lệnh phong tỏa tài khoản của chị".

Lo sợ người thân biết, chị H. âm thầm vay mượn để "phục vụ điều tra". Tới khi nhận ra bị lừa mất 2 tỉ đồng thì chị H. mới đến Công an tỉnh Bình Dương trình báo.

"Mình cứ nghĩ chuyển tiền vào tài khoản mình thì tiền còn đó, có phải mình gửi cho ai đâu nhưng không ngờ bị lừa như vậy. Giờ mình thực sự túng quẫn, số tiền đang nợ quá lớn", chị H. bức xúc./.

 

 

Đăng nhận xét

 
Top