Nói về sức mạnh của sự đoàn kết, Hồ Chí Minh diễn đạt thật giản dị để đồng bào ai cũng hiểu: "Hòn đá to, hòn đá nặng/Một người nhấc, nhấc không đặng/... Nhiều người nhấc, nhấc lên đặng". Người chỉ rõ: Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân ta, là cái bảo đảm chắc chắn nhất đưa cách mạng đến bến bờ thành công, và "Đoàn kết là một lực lượng tất thắng".



Thực hiện phương châm "tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết" trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn tôn trọng sự phát triển của các tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của nhân dân.

Hồ Chí Minh chỉ rõ, học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, tôn giáo Thiên Chúa Giê-su có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả, Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng, chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách thích hợp với điều kiện cụ thể một nước phương Đông lúc ấy; mỗi học thuyết, hệ tư tưởng ấy đều có những ưu điểm riêng, song đều có mục đích chung là mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội.

Bình đẳng về quyền, về nghĩa vụ trước Tổ quốc và đức tin tôn giáo của mỗi người là điều Người luôn khẳng định và tôn trọng. Xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, nhân đạo, nhân văn là xuất phát điểm, từ đó cấu thành đại đoàn kết dân tộc. Chỉ có thể thực hiện đoàn kết được khi có lòng nhân đạo, bao dung, vì lợi ích của Tổ quốc mà gác lại mọi lợi ích cục bộ, vụ lợi hẹp hòi. Với lòng bao dung đó, Người thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa nhắn nhủ những đồng bào Công giáo đã di cư vào Nam, rằng những người muốn đi, thì Chính phủ để tự do đi, nhưng khi gặp tai nạn nhiều người muốn trở về, Người an ủi đồng bào yên tâm thờ Chúa và làm ăn, nhân dân và Chính phủ sẵn sàng hoan nghênh và giúp đỡ. Điều này thể hiện sự tôn trọng ý nguyện của đồng bào Công giáo dù họ nhất thời bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục dưới chiêu bài "Chúa đã vào Nam".

Với mọi tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự tôn trọng và thực hiện bình đẳng tôn giáo. Người khẳng định: Năm ngón tay có ngón dài, ngón ngắn. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta... Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Trong thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Nô-en (25/12/1950), Người viết: "... bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ đã làm trái với lòng Đức Chúa, chúng đưa họa chiến tranh hãm hại nhân dân ta. Cho nên,... chúng ta càng phải ghi nhớ lời dạy của Đức Chúa "Phải thương yêu nhau, đùm bọc nhau để chống kẻ hung ác". Kẻ hung ác chính là bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ... Ngày nay,... đồng bào càng phải vì Đức Chúa, vì Tổ quốc mà đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, kháng chiến hăng hái hơn nữa". Ở "Thư gửi Hội Phật tử Việt Nam" (30/8/1947), Người nêu bật sức mạnh đoàn kết và những đóng góp của phật tử cả nước vào sự nghiệp kháng chiến kiến quốc: "Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn. Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ".

Hồ Chí Minh còn đưa ra những giải pháp để thực hiện đoàn kết tôn giáo, lấy đoàn kết Lương - Giáo là trọng tâm: xây dựng hệ thống chính trị trong vùng có đồng bào tôn giáo, làm tốt công tác vận động với các chức sắc và tín đồ tôn giáo, tích cực đấu tranh chống bọn đế quốc, phản động lợi dụng tôn giáo chống phá nước ta... Những giải pháp này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự, thực sự đem lại sự tự do, bình đẳng về quyền tín ngưỡng, tôn giáo cho mỗi người dân, cũng tức là giúp nhân dân được hưởng một trong những quyền tự do của con người. Điều này đồng nghĩa với việc, tính chất dân chủ của xã hội nước ta đã, đang và sẽ luôn được bảo đảm, phát triển.

Tính thời sự và nhân văn trong tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Hồ Chí Minh đã góp phần thúc đẩy và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, và là minh chứng sinh động cho chân lý "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công"./.

 

Đăng nhận xét

 
Top