Vừa qua, Hội nghị Trung ương 5 đã thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong quá trình diễn ra Hội nghị cũng như lợi dụng việc thành lập BCĐ trên, nhiều tổ chức và cá nhân ở nước ngoài và một số đối tượng ở trong nước đã đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc để chống phá Việt Nam. Trên nhiều trang mạng xã hội của các tổ chức, như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ, các hãng truyền thông hải ngoại RFI,RFA,VOA đã phát tán nhiều bài viết, hình ảnh xuyên tạc tập trung công kích, đả phá việc Trung ương quyết định cho thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.



Họ đưa ra luận điệu sai trái khi quy kết việc Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ trương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ là “mị dân” với lập luận hết sức ngụy biện rằng “tham nhũng là sản phẩm của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam”; quy kết “tham nhũng do chế độ độc đảng cầm quyền”! Họ cho rằng, chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng là “không cần thiết, chỉ tốn tiền của dân”, rằng việc làm này là “giả tạo”, vẽ ra câu chuyện làm cho “ta đánh ta” mà thôi và từ đó khái quát lên “cộng sản thì ai cũng tham nhũng” để phủ nhận chế độ xã hội… Mục đích của các tin, bài nhằm thực hiện ý đồ vô cùng thâm độc của họ nhằm quy kết tham nhũng là “bản chất của chế độ cộng sản” và kêu gọi mọi người muốn chống được tham nhũng có kết quả thì dứt khoát phải thay đổi chế độ, phải đa nguyên, đa đảng, phải tiến hành “xã hội dân sự” như ở các nước có chế độ tư bản chủ nghĩa… Đây thực chất là chiêu trò chống phá của họ khi cố gắng vẽ ra bức tranh tối màu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, bỏ qua những kết quả tích cực của cả hệ thống chính trị và gieo rắc tâm lý bất an, gây ra sự hoài nghi về các chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về công tác này. Từ đó họ làm xói mòn niềm tin của nhân dân, kích động gây rối an ninh, trật tự và tạo ra sự đối lập, bất ổn ngay từ bên trong để tăng tính chất “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay từ trong nội bộ của Việt Nam.

Trên thực tế, từ rất nhiều năm qua tham nhũng là hiện tượng xã hội đã xuất hiện sớm trong lịch sử loài người, nó tồn tại và “sống dai dẳng” trong mọi chế độ chính trị khác nhau, gắn liền với Nhà nước và quyền lực. Bản chất của vấn đề tham nhũng gắn liền với quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế và cho dù chế độ chính trị nào, chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội, chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng thay nhau cầm quyền thì vẫn có vấn nạn tham nhũng. Ví dụ vụ Wategrgate đã làm cho Tổng thống Mỹ phải từ chức khi trên cương vị nhiệm kỳ thứ hai. Tổng thống Philippines Joseph Estrad (1998-2001) phạm tội tham nhũng phải ngồi tù chung thân. Thủ tướng Ucraina (1996-1997) Pavlo Lazarenko đã biển thủ 200 triệu USD phải bỏ trốn sang Mỹ. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye bị Quốc hội phế truất tháng 12/2016 do bị buộc tội tham nhũng, dính líu đến vụ bê bối chính trị dùng quan hệ cá nhân để tăng ảnh hưởng và trục lợi tài chính. Ngoài ra, cũng phải thấy rằng tham nhũng là một “vấn nạn nan giải”, một “căn bệnh” nhức nhối với những biến dạng phức tạp, đang hoành hành, ăn sâu , có “sức mạnh tàn phá” trên nhiều lĩnh vực, gây ra những hậu quả tiêu cực, nặng nề ở các quốc gia với chế độ khác nhau. Vì vậy, đấu tranh bài trừ nạn tham nhũng được các nước rất quan tâm, thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp, trên nhiều phương diện như pháp luật, hành chính, chính trị, kinh tế, đạo đức, văn hóa, lối sống… Trung Quốc ban hành các văn bản quy định về giáo dục đạo đức và xây dựng tác phong liêm chính trong cán bộ Đảng và Nhà nước. Với chiến dịch mang tên “đạp hổ, diệt ruồi” do Chủ tịch nước Tập Cận Bình đưa ra, Trung Quốc đã triển khai mạnh mẽ và thu được nhiều kết quả tích cực. Singapore thực hiện Luật Chống tham nhũng (năm 1989) cho phép Tòa án tịch thu tài sản của công chức nếu họ không giải thích được nguồn gốc của tài sản đó. Thái Lan yêu cầu các cơ quan chức năng phải xem xét tất cả đơn thư tố giác của người dân ký tên hoặc không ký về tham nhũng. Một số quốc gia như Brazil, Colombia… còn thiết lập các đường dây nóng để thu nhận tin tức về tội phạm, trong đó có vấn nạn tham nhũng.

Ở Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập năm 2006 do Thủ tướng đứng đầu và năm 2012 chuyển sang Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu đã chứng minh hiệu quả rõ rệt. Điều đó được thể hiện rất rõ ở nhiệm kỳ khóa XII và XIII khi số lượng vụ, việc tham nhũng, kinh tế được phát hiện và xử lý tăng lên rất nhiều theo tinh thần như Tổng Bí thư nhấn mạnh: “không có vùng cấm”. Song hiện nay tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, ở nhiều ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng, chống tham nhũng. Ở nhiều địa phương đã bộc lộ bất cập trong phát hiện, xử lý nên nhiều tỉnh, thành đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để tạo cơ chế thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong cuộc đấu tranh với giặc “nội xâm” này. Do vậy, đứng về phương diện lý luận và thực tiễn thì việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chủ trương hoàn toàn cần thiết và đúng đắn phù hợp với tình hình đất nước hiện nay./.

St

 

Đăng nhận xét

 
Top