Mới đây, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 ở nước ta với nhiều thông tin đáng chú ý.
Bên
cạnh những mặt tích cực, một thông tin khiến dư luận bức xúc là: Tỷ lệ người
làm thủ tục hành chính (TTHC) xin cấp mới hoặc đổi giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất phải chi “lót tay”, dao động từ 40% đến hơn 90% ở hơn 40 tỉnh, thành
phố, chủ yếu ở các tỉnh còn nghèo. Trong khi đó, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ
chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết, họ phải chi phí ngoài
quy định để được chăm sóc tốt hơn, dao động từ 40% đến 80% ở khoảng 40 tỉnh,
thành phố. Đây không phải là lần đầu những thông tin này được công bố, nhưng nó
vẫn thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội vì đi ngược lại kết quả tích cực
trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nỗ lực cải cách TTHC của Đảng, Nhà
nước ta những năm qua.
Tình
trạng người dân, doanh nghiệp phải “lót tay”, “bôi trơn” cho cán bộ thực hiện
giải quyết TTHC ở cơ quan Nhà nước để được xử lý nhanh gọn đã xuất hiện từ lâu,
thường được gọi là “tham nhũng vặt”. Nó thường xảy ra ở những nơi cung cấp dịch
vụ công phổ biến và liên quan trực tiếp đến người dân như giáo dục, y tế, trật
tự xây dựng, giao thông, môi trường, đất đai... Mặc dù số tiền hối lộ cho cán
bộ giải quyết TTHC không lớn, nhưng nó diễn ra thường xuyên nên ảnh hưởng không
nhỏ tới người dân, doanh nghiệp. Nguy hiểm hơn, “tham nhũng vặt” kìm hãm sự
phát triển kinh tế-xã hội; giảm sức cạnh tranh và thu hút đầu tư của địa
phương; làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào những nỗ lực cải
cách TTHC, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước; làm băng
hoại đạo đức xã hội; thoái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên, đe dọa sự
tồn vong của chế độ...
“Tham
nhũng vặt” như “ổ mối ăn mòn chân đê”, nhưng rất khó xử lý một cách nhanh
chóng, triệt để. Muốn có được kết quả bền vững, cần phải kết hợp nhiều giải
pháp phòng đi đôi với chống cùng ý chí, quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Việc Hội
nghị Trung ương 5 khóa XIII thông qua Đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là tiền đề quan trọng để “điều trị” tận gốc
“căn bệnh” này; đòi hỏi người đứng đầu và thành viên ban chỉ đạo các địa phương
phải thực sự liêm chính, có nhận thức đúng đắn về hiểm họa “tham nhũng vặt” để
quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi. Nhưng trước hết, Đảng và Nhà nước ta cần ưu tiên
tập trung giải quyết tệ “tham nhũng vặt” ở những lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến
người dân, doanh nghiệp để tạo dựng niềm tin và huy động sự tham gia của mọi
tầng lớp nhân dân vào các hoạt động này. Về lâu dài, đối với các lĩnh vực nhạy
cảm, dễ xảy ra tiêu cực, cần tiếp tục cắt giảm, đơn giản và minh bạch hóa TTHC;
áp dụng công nghệ thông tin vào việc cung cấp dịch vụ công để hạn chế tiếp xúc
trực tiếp giữa công chức và người dân, doanh nghiệp khi giải quyết các TTHC.
Song song với đó là tăng cường giáo dục, chấn chỉnh, nâng cao ý thức, trách
nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các ngành, các cấp trong thực
hiện nhiệm vụ; tuyên truyền nâng cao trình độ pháp luật của người dân, nhất là
ở khu vực nông thôn, miền núi...
Chỉ
còn hai ngày nữa cả nước ta sẽ kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
(19/5/1890 - 19/5/2022). Sinh thời, Người luôn căn dặn đội ngũ cán bộ, đảng
viên: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết
sức tránh”. Đó cũng là điều mà người dân luôn mong mỏi ở mỗi cán bộ, đảng viên!
Đăng nhận xét