Để kỷ niệm 40 năm ngày thông qua Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (30/4/1982 - 30/4/2022), Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 76 ngày 29/4/2022 (giờ địa phương) đã tổ chức Phiên họp toàn thể tại trụ sở LHQ ở New York.



Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Abdulla Shahid và ông Miguel de Serpa Soares, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề pháp lý. Giáo sư Tommy Koh, Chủ tịch Hội nghị LHQ lần thứ 3 về Luật Biển; Thẩm phán Joan E.Donoghue, Chánh án Tòa án công lý quốc tế; Thẩm phán Albert Hoffmann, Chánh án Tòa án quốc tế về Luật Biển; ông Adnan Rashid, Tổng Thư ký Cơ quan quyền lực đáy đại dương, cùng đại diện các nước thành viên LHQ, tổ chức quốc tế và khu vực đã tham gia và phát biểu tại phiên họp.

Các phát biểu đánh giá cao vai trò của UNCLOS, trong đó nhiều nước cho rằng Công ước là một “Hiến pháp của đại dương”, lần đầu tiên tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện cho các hoạt động liên quan đến biển. Các nước hoan nghênh những đóng góp to lớn của UNCLOS và các cơ quan được thành lập theo khuôn khổ UNCLOS, bao gồm Tòa án Luật Biển quốc tế, Ủy ban ranh giới thềm lục địa và Cơ quan quyền lực đáy đại dương, trong 40 năm qua đã đóng góp cho việc duy trì trật tự trên đại dương và bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên biển.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện cho 12 nước thành viên sáng lập GoF UNCLOS, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ nêu rõ, việc UNCLOS được thông qua 40 năm trước, với sự ủng hộ rộng lớn, đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển lâu dài của luật biển quốc tế nói riêng và việc sử dụng đại dương một cách trật tự và bền vững nói chung.

Bên cạnh đó, Đại sứ cũng khẳng định vai trò của UNCLOS với tư cách là một khuôn khổ pháp lý điều chỉnh toàn bộ các hoạt động trên biển và đại dương đã được thừa nhận ở phạm vi toàn cầu và nhiều lần được nhấn mạnh trong các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, cộng đồng quốc tế cần vững vàng trong việc duy trì quy định pháp lý trên các đại dương như công ước đã thiết lập. Do đó, các quốc gia thành viên dù lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý của mình theo công ước. Hành động của quốc gia, bao gồm các yêu sách về biển, các hoạt động hàng hải và hợp tác quốc tế cũng như khu vực phải phù hợp với UNCLOS. Các nước cũng phải đảm bảo quyền tự do hàng hải, an toàn và an ninh cho các hoạt động hàng hải hợp pháp; phải bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương và các nguồn tài nguyên biển. Điều quan trọng hơn nữa là phải giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các cơ chế và quy trình pháp lý được quy định trong UNCLOS và hỗ trợ công việc của các tổ chức chuyên môn được thành lập theo công ước.

Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định Nhóm bạn bè của UNCLOS đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu khi thành lập, đặc biệt là nâng cao hiểu biết về UNCLOS và cách áp dụng UNCLOS trong thực tiễn hàng hải, khám phá các cơ hội hợp tác và xác định những thách thức cũng như những cách thức vượt qua những thách thức này trong việc thực hiện Công ước.

Nhóm bạn bè của UNCLOS được thành lập tháng 6/2021 là nhóm đầu tiên do Việt Nam khởi xướng, đồng chủ trì vận động thành lập và tham gia nhóm nòng cốt điều phối các hoạt động.

Phát biểu tại Lễ ra mắt Nhóm ngày 30/6/2021, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề pháp lý kiêm Cố vấn pháp lý của LHQ Miguel de Serpa Soares khẳng định UNCLOS là văn kiện toàn diện, điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, là khuôn khổ cho hợp tác quốc tế, khu vực và quốc gia trong các lĩnh vực biển, đóng góp vào quản trị đại dương, thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương, duy trì trật tự pháp lý trên biển, giải quyết hòa bình tranh chấp.

Phó Tổng Thư ký LHQ đề nghị các quốc gia thành viên UNCLOS tăng cường xây dựng năng lực nhằm tuân thủ UNCLOS và tham gia tích cực vào các diễn đàn thảo luận các vấn đề liên quan đến biển và đại dương. Trong khi đó, đại diện nhiều nước tham gia Nhóm bạn bè của UNCLOS đánh giá cao và cho rằng sáng kiến này đã đáp ứng kịp thời sự quan tâm và nhu cầu đề cao vai trò, giá trị của UNCLOS, thúc đẩy tuân thủ UNCLOS; tạo cơ chế phối hợp cùng giải quyết thách thức đối với UNCLOS và thách thức trong lĩnh vực biển và đại dương như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Các ý kiến cho rằng tất cả quốc gia, bất kể điều kiện kinh tế - xã hội, địa lý, đều có lợi ích chặt chẽ trong tuân thủ thực hiện UNCLOS; đánh giá cao Nhóm bạn bè tạo diễn đàn cởi mở, trao đổi thẳng thắn, rộng rãi về các vấn đề cùng quan tâm.

Hiện thành viên của Nhóm có gần 120 nước, gồm đại diện cho tất cả các khu vực địa lý, trong đó có 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, nhiều nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Indonesia, Philippines, Brunei, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Australia, New Zealand và các khu vực khác./.

 

Đăng nhận xét

 
Top