Thời gian qua, một loạt các vụ việc xử lý cán bộ cho thấy, yêu cầu về tu dưỡng rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên được đặt ra như một vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng nhằm góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong Đảng…
Nhà báo Nhị Lê - Phó
Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản – trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
PV: Sau một loạt các
vụ việc xử lý kỷ luật cán bộ thời gian qua, theo ông, vấn đề tu dưỡng, rèn
luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, đảng viên đã đến lúc cần
phải báo động?
Nhà báo Nhị Lê: Theo
tôi, giờ đặt ra và xem xét vấn đề này là muộn. Từ khi chúng ta chuyển sang cơ
chế thị trường, vấn đề đạo đức đã nổi lên như một vấn đề rất quan thiết đối với
cán bộ đảng viên nói chung, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ quản lý các cấp nói
riêng.
Qua các vụ việc kỷ
luật cán bộ ở các cấp, có thể nhận thấy, vì thiếu rèn luyện đạo đức, khiếm
khuyết về đạo đức, nhiều người đã bỏ qua tất cả những gì thiêng liêng nhất,
bước qua tất cả những nguyên tắc rường cột nhất để mưu toan theo ý họ. Tham
nhũng chính là là ăn cắp, là đạo chích. Có những người không có liêm sỉ, làm cả
những việc táng tận lương tâm (ăn chặn, ăn đẽo cả những gì thuộc về nhân đạo,
từ thiện), ăn trộm của công, moi móc quốc khố, tranh quyền đoạt vị hay nói như
Chủ tịch Hồ Chí Minh là đạo vị, tức là “lẻn vào quan trường” ăn trộm chức vụ,
tệ hơn là đánh cắp lòng tin.
Điều nguy hại là những
người vi phạm đạo đức không chỉ ở cấp thấp mà cả ở cấp cao, bất chấp nhân, lễ,
liêm sỉ, có nguy cơ làm băng hoại đạo đức trong Đảng. Cổ nhân xưa có nói: Nhân,
lễ, liêm, sỉ là 4 “sợi dây” làm nên một xã hội, đất nước; mất một dây thì nước
nghiêng; mất 2 dây thì nước nguy; mất 3 dây thì nước sẽ đổ; mất 4 dây nước sẽ
diệt. Mất một dây, nước nghiêng thì có thể kê lại cho ngay ngắn; nước nguy thì
có thể cứu nguy được; nước đổ có thể dựng lại được nhưng nước diệt thì không
thể cứu được.
Người xưa từng cho
rằng, người không có liêm sỉ thì không khác gì muông thú. Nhiều người đã biến
liêm sỉ thành thứ xa sỉ đối với họ. Nếu không thế làm sao họ có thể ăn cắp quốc
khố, chà đạp lên dân, đi ngược lại đạo lý của dân tộc; nếu không thế làm sao họ
dám ăn cắp được chức vụ, họ dùng đủ thứ để “lẻn” vào bộ máy quyền lực. Người
Pháp có câu châm ngôn rất hay: Lúc bé có gan ăn trộm một quả táo, lớn lên sẽ có
gan dắt trộm cả con bò! Hôm nay họ trộm được một đồng của nhân dân thì ngày mai
họ có thể “cuỗm” cả ngân khố quốc gia.
Do vậy, vấn đề giáo
dục, rèn luyện và kiểm soát đạo đức là công việc thường xuyên của chúng ta hay
của bất cứ ai, ngay từ trong mỗi gia đình: cha kiểm soát con, người nọ giám sát
người kia, lãnh đạo kiểm soát cấp dưới, cấp dưới giám sát cấp trên, người cao
nhất phải trở thành một tấm gương đạo đức, có như thế dân mới ra dân, quan mới
ra quan… Nếu không gia đình sẽ bại hoại, xã hội sẽ hỗn mang, phi đạo đức.
Đạo đức lúc này là
phải hành động không phải bàn suông
Nhà triết học hiện
sinh của Pháp Albert Camus (1913-1960) từng nói, kẻ không có đạo đức giống như
con thú hoang bị thả rông vào thế giới. Tôi nghĩ, nếu giao quyền lực cho những
người vô đạo đức, thì hậu họa khó mà tiên lượng được!
“"Hôm nay họ trộm
được một đồng của Nhân dân thì ngày mai họ có thể “cuỗm” cả ngân khố quốc
gia"”
PV:Có ý kiến đề xuất
xã hội nên có một bộ luật về đạo đức để mỗi người lấy đó làm chuẩn mực để soi
vào, tự thức tỉnh mình trước những lầm lỗi; hay đề xuất thành lập Viện Đạo đức
học để dạy đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Theo ông, đó có phải là giải pháp để
giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên hay không?
Nhà báo Nhị Lê: Xem
trên thế giới, tôi chưa thấy có quốc gia nào bàn về vấn đề phải có bộ luật
riêng về đạo đức, chưa quốc gia nào, đảng phái chính trị nào lập ra cơ quan, tổ
chức chuyên răn dạy về đạo đức cho cán bộ, đảng viên hay thành viên của họ,
rộng ra để để dạy đạo đức xã hội của họ. Họ chỉ có những bộ quy tắc về vấn đề
này, trên từng lĩnh vực.
Ở Việt Nam, nhìn các
triều đại của phong kiến Đại Việt cả ngàn năm đến nay, tôi cũng chưa thấy một
bộ luật nào bàn riêng về đạo đức cả.
Chưa bao giờ như bây
giờ, bằng rất nhiều nỗ lực, cố gắng, chúng ta đã có một hệ thống luật “đông
đúc” tới 225 luật và bộ luật, tôi gọi là “rừng luật”. Ở đó đã bao quát và thể
hiện cụ thể vấn đề đạo đức. Vậy rằng, cái gì cần thì buộc phải có, cuộc sống
cần thì dứt khoát phải làm, chứ không nên nghĩ ra cái chúng ta cần để khuôn cho
cuộc sống phải theo.
Thực tế cho thấy, vấn
đề cốt tử là, thực thi các luật và bộ luật hiện có. Vì, nhiều lúc cho thấy,
“rừng luật” đang có nguy cơ thua… “luật rừng”. Vì ai cũng thấy, trong thực thi
các bộ luật, vấn đề đạo đức dường như chưa được chú ý ngang tầm, thậm chí bị bỏ
lọt. Nó nói lên điều cấp bách: cháy nhà mới lo đi kiếm nước, mới nghĩ đến
chuyện phải đào ao trữ nước; do vậy, phải giữ rừng mới không lo thiếu củi đun;
phải lo giữ nước ngay từ lúc nước đang yên. Vấn đề đạo đức phải được đặt ngang
tầm ngay trong quá trình lập pháp, hành pháp và tư pháp một cách chỉnh thể.
Nhưng, ra một bộ luật riêng về đạo đức quyết là chuyện không cần thiết, cả về
lý thuyết lẫn thực tiễn, cả về kỹ thuật lẫn thực hành! Vì, tri thức trở thành
tàn ác, nếu mục tiêu không có đạo đức.
Về đề xuất thành lập
Viện Đạo đức, theo tôi cũng không khác gì đề xuất phải có luật về đạo đức. Giải
quyết vấn đề đạo đức không phải cứ lập ra một Viện đạo đức nào đó một cách hình
thức, mà dạy đạo đức phải trở thành công việc thường ngày ở tất cả các các gia
đình, ở tất cả cấp học và các công sở…
Các luật và bộ luật
hiện thời của ta, nhìn tổng thể, cơ bản đã bao quát và dung chứa cả rồi. Vậy
thì lập nên Viện Đạo đức để giải quyết vấn đề gì? Nhưng, điều đáng nói hơn, ai
và bao nhiêu người xứng đáng sẽ giảng dạy về đạo đức? Thực tế cho thấy, có
những điều rất bình thường về lẽ sống và chính sự, ở những người có đạo đức,
chúng trở nên vô cùng thiêng liêng về đạo lý; song, có những điều rất cao sang
về đạo đức, đặt vào những người tầm thường thì lại trở thành một sự sỉ nhục về
đạo đức, sự đau đớn về đạo lý. Tổng Bí thư nói một câu rất hay: “Kỷ luật một
người vì muôn người”. Đó chính là một sự cảnh báo về chính trị nhưng lại mang
tính nhân văn, tính đạo đức, mà mọi người muốn trở nên tử tế, phải tự xét lại
mình, tự răn và tự sửa mình.
Đối với chúng ta, đạo
đức lúc này là phải hành động, chứ không phải để bàn suông. Cấp trên phải nêu
gương, rồi bản thân mỗi cá nhân cũng phải là tấm gương về đạo đức, tự khắc đạo
đức mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ được chỉnh đốn, dù ở đâu, bất cứ lúc
nào. Mỗi người là một tấm gương đạo đức sống để cùng nhau soi, chắc chắn xã hội
Việt Nam sẽ hoàn thiện về đạo đức. Tất cả các đảng viên trước hết phải là một
công dân tốt, lấy đó là căn bản làm cán bộ, đảng viên tốt, thì tự khắc đạo đức
xã hội sẽ dần dần yên ổn và thịnh trị. Xử lý nghiêm cách sự vô đạo đức, ấy
chính là đạo đức chúng ta cần! Vì, đức hạnh là nền tảng của mọi thứ và chân lý,
không gì khác, là bản chất của mọi đức hạnh.
Mỗi người đứng đầu hãy
tự trau mình trở thành một tấm gương về đạo đức
PV:Vậy việc quan trọng
nhất cần làm trong lúc này là gì để có thể “uốn nắn” cán bộ, đảng viên thành
người đạo đức?
Nhà báo Nhị Lê: Thứ
nhất, cần thực thi nghiêm tất cả các quy định của Trung ương Đảng, trước mắt là
các điều đảng viên không được làm, những quy định khác của Điều lệ Đảng, các bộ
luật và luật liên quan tới từng cương vị mỗi người, với tinh thần công bằng,
dân chủ và minh bạch. Tôi nói vậy, bởi chúng ta có rất nhiều quy định nhưng
việc thực thi đây đó chưa nghiêm, người này người kia chưa xứng đáng. Vì thế đã
làm giảm uy lực của các quy định, làm giảm uy tín của cán bộ, vô hình dung
dưỡng cho thói khinh nhờn, coi thường đạo đức.
Thứ hai, ngay từ bây
giờ, người đứng đầu ở tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương hãy tự vấn
mình, tự khuôn mình trở thành một tấm gương về đạo đức, trong sạch, trung thực,
gần dân. Trung thực với chính mình, thì sẽ lôi cuốn được xã hội.
Thứ ba, khi đạo đức
chưa đủ thấu, đạo lý chưa đủ răn, tự sửa mình chưa đủ độ buộc pháp luật phải ra
tay với tinh thần dân chủ, quốc pháp vô thân. Nếu không thế, rất khó thực thi
và phát triển đạo đức. H. Banzac nói: Khi luật pháp trở nên bạo ngược thì đạo
đức bị buông thả; và ngược lại.
Thứ tư, đề cao mạnh mẽ
sức mạnh của dư luận trong việc kiểm soát đạo đức. Cố nhiên, sức mạnh dư luận
phải nằm trong sự hiệp tác tổng thể với các cơ quan kỷ luật của Đảng và các cơ
quan pháp luật của Nhà nước, không để bất kỳ một cán bộ, đảng viên nào nằm
ngoài sự kiểm soát của nhân dân, của cấp dưới, đặc biệt những người giữ cương
vị lãnh đạo, quản lý. Đấy là hình thức phát triển đạo đức thiết thực nhất, không
bàn suông, không hô khẩu hiệu đạo đức. Đạo đức là hành động. Đảng ta là đảng
hành động, đã là đảng hành động phải hành động về đạo đức, người có đạo đức
nhất phải là người hành động. Có như thế Đảng mới thực sự xứng đáng, không chỉ
là người lãnh đạo mà thực sự là người có đạo đức trong vai trò công bộc của
nhân dân.
Cần có cơ chế khuyến
khích rèn luyện đạo đức chứ không chỉ làm quan
PV:Có ý kiến cho rằng,
việc cần phải làm là sửa cơ chế, chính sách, bởi cơ chế, chính sách như hiện
nay chỉ khuyến khích người ta làm quan chứ không khuyến khích người ta rèn
luyện chuyên môn, tu dưỡng đạo đức. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Nhà báo Nhị Lê: Đây là
ý kiến rất đáng lưu tâm, quả tình trong công tác cán bộ của chúng ta, đây là
vấn đề rất lớn, rất khó. Tôi đã nhiều lần nói về vấn đề này. Nhiều khi chúng ta
chỉ “loay hoay” quy hoạch cán bộ quản lý chứ chưa có một cuộc quy hoạch nào để
tìm cán bộ chuyên môn, ngõ hầu phát triển thành chuyên gia. Một đất nước không
thể đi lên bằng “đôi chân khập khiễng”. Cùng với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản
lý, đất nước phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi. Đất nước không thể đi vững
chắc bằng đôi chân khập khiễng!
““Việc quy hoạch cán
bộ lãnh đạo làm nhiều người ảo tưởng mình sắp làm quan””
Lâu nay, việc chúng ta
thực hiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đã gây ảo tưởng cho không ít người
rằng họ trở thành lãnh đạo, quản lý đến nơi rồi. Nên người ta chỉ đổ xô, chạy
chọt đi tìm mọi cách để làm chuyện đó, mà ít ai chú trọng chuyên môn. Có những
người làm chuyên môn giỏi nhưng được quy hoạch làm cán bộ quản lý, rồi người ta
cũng nghiêng về quản lý, buông nhẹ chuyên môn. Một đất nước mà người ta chỉ đổ
xô đi làm quan thì ai làm dân? Có cảm giác thứ tâm lý quan trường đang “trở
lại”, ngấm rất sâu trong suy nghĩ và trở thành “nhẽ sống còn” của không ít
người trong chúng ta.
Cùng với quy hoạch cán
bộ lãnh đạo, quản lý phải đồng thời quy hoạch phát triển chuyên gia, và phải
đặc biệt chú trọng hoạch định thể chế đối với 2 loại cán bộ này. Để làm những
việc trên, chúng ta không chỉ sửa đổi về nhận thức mà phải bắt đầu bằng đổi mới
thể chế, qua những chính sách rất cụ thể. Người giữ trọng trách trong công tác
cán bộ phải tự đổi mới tư duy để xây dựng được đội ngũ cán bộ chúng ta mong
muốn, phải hết sức coi trọng dân chủ, đặc biệt coi trọng thi tuyển, tăng cường
trách nhiệm tiến tuyển, nêu cao vai trò của người đứng đầu trong việc tiến cử
người trong bộ máy của mình; đẩy mạnh ứng tuyển, tiền đề để có thể tranh tuyển,
chọn và bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý và nhất là chuyên gia. Có
như thế mới tìm được người tài.
Để có đội ngũ cán bộ
tốt, ngang tầm thời cuộc đất nước và thời đại hiện nay, nên cấp thiết sửa đổi
hệ thống định chế theo hướng mở rộng, dân chủ và phù hợp với lộ trình công cuộc
đổi mới đất nước một cách toàn diện, đồng bộ và đồng thời nhịp bước với cuộc
cách mạng khoa học thế hệ 4.0 của thế giới toàn cầu hóa. Có như thế mới thu hút
và trọng dụng được mọi nguồn nhân lực có chất lượng.
Cổ nhân nói: Tôn tài
thì đại thịnh, tôn nịnh thì đại suy. Phải tôn trọng người tài, không phân biệt
là lãnh đạo, quản lý hay chuyên gia, kỹ thuật… thì đất nước mới phồn thịnh. Đấy
phải là cương lĩnh, là mục tiêu và là hành động của chúng ta lúc này. Đấy cũng
là khát vọng của muôn dân, để mỗi người Việt Nam đều hướng về dân tộc, xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc.
Đấy cũng là trọng
trách nặng nề và vẻ vang của công tác cán bộ, là thước đo đạo đức của những
người làm công tác cán bộ hiện nay.
Theo Thanh Hà/VOV.VN
Đăng nhận xét