Rượu là đồ uống phổ biến được sử dụng rộng rãi trong dân chúng ở mọi nơi, mọi lúc như: lễ hội, tiệc, chuyện vui, buồn… và nó được xem như một đồ uống không thể thiếu. Ở Việt Nam uống rượu còn là nét văn hóa, có câu "Vô tửu bất thành lễ".



Tuy nhiên, với việc sử dụng rượu bia ngày một tăng thì các tác hại của nó càng trở thành mối quan tâm của ngành y tế và toàn xã hội. Tổ chức Y tế thế giới đã xác định nghiện rượu là một bệnh. Ngày nay, cùng với việc sử dụng rượu ngày càng gia tăng thì những tác động có hại của rượu lên sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần cũng ngày càng nghiêm trọng. Rượu là thủ phạm gây ra nhiều bệnh lí nội khoa và một số rối loạn tâm thần nguy hiểm và tác động tiêu cực của nó đối với gia đình và xã hội…ngày càng nặng nề.

I. TÁC HẠI CỦA RƯỢU ĐỐI VỚI SỨC KHỎE THỂ CHẤT

1. Một số tác hại chung

- Làm chậm hoạt động của não, ảnh hưởng tới sự tỉnh táo, sự phối hợp và thời gian phản ứng

- Ảnh hưởng tới giấc ngủ và chức năng tình dục.

- Đau đầu

- Tăng huyết áp

- Ợ nóng

- Bị bệnh gan, thận, phổi và bệnh tim

- Đột quỵ

- Loãng xương

- Béo phì

- Uống rượu quá mức cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư miệng, họng, thanh quản, thực quản, ung thư gan và ung thư vú. Khi kết hợp với hút thuốc lá, uống rượu quá mức làm tăng nguy cơ bị nhiều dạng ung thư khác.

2. Tác hại cụ thể trên một số hệ thống, cơ quan của cơ thể

2.1. Tác hại trên gan: Rượu gây nhiều tác hại trên gan. Khoảng ¼ số bệnh nhân nằm tại khoa tiêu hóa là xơ gan. Rượu là thủ phạm gây xơ gan đứng hàng thứ 2 chỉ sau vi rút viêm gan B…Các bệnh lý gan do rượu thường gặp là:

- Gan nhiễm mỡ do rượu: Là tình trạng mỡ tích tụ trong các tế bào gan do rượu gây ra làm suy giảm chức năng gan. Rượu gây độc trực tiếp cho gan, khi uống vào được chuyển hóa ngay tại gan thành những hạt mỡ choán chỗ tế bào gan bình thường gọi là gan nhiễm mỡ.

- Viêm gan do rượu: Là tình trạng bệnh lý tổn thương lan tỏa ở gan do rượu gây nên biểu hiện bởi tình trạng thâm nhiễm tế bào viêm ở gan và hoại tử tế bào gan.

- Xơ gan do rượu: Là giai đoạn cuối của quá trình viêm gan mạn do rượu, trong đó mô gan được thay thế dần bằng các mô xơ làm thay đổi cấu trúc bình thường của gan.

Một nghiên cứu cho thấy nếu mỗi ngày uống 1 xị rượu hoặc ½ lít bia thì trong vòng 10 năm có thể sẽ dẫn đến xơ gan.

- Ung thư gan:Là một loại ung thư phát triển từ các tế bào gan, thường phát triển trên nền gan xơ.

2.2. Tác hại trên dạ dày

- Có thể gây viêm -và loát dạ dày:

- Rượu có thể gây ra sự khuéch tán ngược acid Clohydricqua niêm mạc thực quản và dạ dày.

- Viêm dạ dày cấpgây ra bởi chè chén lu bù, các vết xước mòn niêm mạc và chảy máu.

- Loát dạ dày và tá tràng thường kết hợp với sử dụng quá mức rượu.

- Nghiện rượu gây ra các biến chứng như thủng dạ dày và chảy máu dạ dày.

2.3. Tác hại trên tim mạch, huyết áp: Rượu gây ra thiếu B1 làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, phù, tím tái, giảm khả năng gắng sức… dần dần dẫn tới suy tim. Nhiễm độc rượu dẫn tới viêm cơ tim cấp, gây nguy cơ tử vong cao. Nghiện rượu là một nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh cơ tim giãn thứ phát không do thiếu máu cục bộ cơ tim và chiếm tới 1/3 các bệnh nhân bị bệnh giãn cơ tim. Rượu còn gây ra rối loạn nhịp nhĩ hay nhịp thất, nhất là nhịp nhanh kịch phát ở những người bình thường.

Uống rượu liên quan đến những biến chứng mạch máu não, nhất là trong vòng 24h sau khi uống rượu.

2.4. Đối với một số bệnh lí nội tiết

- Rượu làm suy giảm chức năng của các hormon của não bộ, đây là một trong những nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan đích của hormon não bộ trong cơ thể …

- Đối với người bị bệnh đái tháo đường mắc phải uống rượu tuy uống ít nhưng tổng năng lượng thường quá nhiều, khó khống chế được lượng đường. Ngoài ra rượu còn là nguyên nhân làm cho phương pháp điều trị ăn uống thực hiện không tốt. Đây là nguyên nhân làm tăng đường máu.

2.5. Trên não bộ: Nghiện rượu mãn tính là một trong hai nguyên nhân dẫn đầu gây ra tổn thương não. Nó làm cho các tế bào não chết dần đi, não bộ teo lại. Làm suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến thính giác, khứu giác, thị giác,

2.6. Tác dụng trên khả năng tình dục và sức khỏe sinh sản.

Đối với nam giới, nhiều người cho rằng rượu làm cho họ nâng cao bản lĩnh của đàn ông và kết quả điều tra tại một phường của Hà Nội cho thấy có tới 60 % người được phỏng vấn cho rằng uống rượu là để phục hồi sức khoẻ giải quyết khó chịu về cơ thể và tâm thần. Nhưng đó lại là những quan điểm sai lầm. Kết quả một số nghiên cứu thấy rằng rượu lại có những tác động không có lợi cho đàn ông, đó là sau khi uống rượu bia:

- Có đến 54% không thể cương cứng hoặc duy trì sự cương cứng.

- Khoảng 5-25% gặp khó khăn trong việc xuất tinh, không thể xuất tinh.

- Tỷ lệ đến 31-45% mất đi ham muốn tình dục sau khi uống bia, rượu.

Nhiều nghiên cứu khác đã cho thấy rằng lượng testosterone ở những người uống bia, rượu thường xuyên cũng như những người uống bia, rượu trong một chừng mực nhất định luôn bị giảm.

Nghiện rượu còn làm giảm lượng tinh trùng. Độc tố được tìm thấy trong rượu, bia có thể tiêu diệt các tế bào tạo ra tinh trùng trong tinh hoàn, ảnh hưởng đến kích thước tinh hoàn và làm tăng sự bất thường ở tinh trùng có thể dẫn đến quái thai hoặc vô sinh.

- Đối với nữ giới, nghiện rượu sẽ làm suy yếu vùng hạ đồi - tuyến yên, buồng trứng dẫn đến trứng không rụng nữa, làm bất thường phát triển nội mạc tử cung, rối loạn kinh nguyệt (ít kinh). Làm ảnh hưởng khả năng sinh sản của chị em do thay đổi mức độ estrogen và progesterone, gây nguy cơ sinh non cao và là một nguyên nhân gây vô sinh.

- Tác hại của rượu đối với thai nhi: Hội chứng thai nhi rượu (Fetal Alcohol Syndrome) là một phần của hội chứng rượu bào thai (do khi mang thai mẹ uống rượu) gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng về thể chất, tâm thần và hành vi của đứa trẻ sau khi ra đời. Dưới đây là những ảnh hưởng của hội chứng nguy hiểm này:

- Làm chậm quá trình phát triển của thai nhi, những đứa trẻ loại này thường thấp hơn người khác.

- Một trong những hậu quả đáng chú ý của hội chứng thai nhi rượu là thai nhi dễ bị tổn thương sau sinh như: Trẻ dễ bị nhiễm trùng sau sinh, các vấn đề về tiêu hóa…

- Những biến chứng bất thường như: giảm khả năng phát âm, mắt trẻ có thể nhỏ lại, mũi ngắn, bất thường tai, miệng răng….

- Rượu gây tác động xấu đến hệ thần kinh trung ương gây các dị tật hoặc gây tổn thương não vĩnh viễn hậu quả là chậm phát triển tâm thần hoặc sa sút trí tuệ sau này. Trẻ sẽ không nhận thức được và còn nhiều hành vi chống lại xã hội và trở thành tội phạm nguy hiểm.

II. TÁC HẠI CỦA RƯỢU ĐỐI VỚI SỨC KHỎE TÂM THẦN

1. Trực tiếp gây ra các rối loạn tâm thần do rượu

Rượu là một chất tác động tâm thần mạnh. Sử dụng rượu nhiều sẽ gây ra một số các bệnh lí rối loạn tâm thần. Trong ICD-10 các bệnh lí rối loạn tâm thần do rượu được xếp vào mục F1. Tuỳ theo phản ứng riêng biệt của từng cá thể, phương thức sử dụng, chủng loại rượu có độ alcol thấp hay cao, tuổi tác và tình trạng sức khoẻ cơ thể và có hay không có khuyết tật của não, hệ thống thần kinh có thể làm phát sinh các bệnh lý do rượu như sau:

1.1. Rối loạn tâm thần cấp(say rượu): là hậu quả của nhiễm độc rượu nhất thời, thường xảy ra ở những người uống quá ngưỡng dung nạp.

1.2. Nghiện rượu có khoảng 10% người nghiện rượu sẽ bị rối loạn tâm thần ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, bao gồm:

- Hội chứng nghiện: là một sự thèm muốn (thường mạnh mẽ, đôi khi rất mãnh liệt) sử dụng rượu. Sử dụng lại rượu sau một thời gian bỏ rượu sẽ làm mất các cảm giác khó chịu do thiếu rượu.

- Hội chứng cai:là biểu hiện chủ yếu của hội chứng nghiện, hội chứng này xuất hiện khi ngừng hoặc giảm đột ngột lượng rượu tiêu thụ biểu hiện: bồn chồn, bứt rứt khó chịu, run... Các biểu hiện trên đều dịu đi hoặc biến mất khi uống rượu trở lại.

- Khả năng dung nạp.Giai đoạn đầu, người bệnh uống lượng rượu tăng dần có thể đến mức gây ngộ độc cho các đối tượng khác, về sau lượng rượu ngày một kém dần, có khi chỉ với một lượng rượu nhỏ người bệnh đã say.

- Biến đổi nhân cách.Người bệnh trở nên thô bạo, bê tha, giảm sút tình cảm đạo đức, khả năng phê phán giảm rõ rệt, phẩm chất xã hội thoái hóa dần, khả năng làm việc giảm sút…

- Trí tuệ, trí nhớ, khả năng sáng tạo, sáng kiến đều giảm, tư duy trở nên thủ cựu, người bệnh đi dần vào trạng thái sa sút tâm thần.

1.3. Loạn thần do rượu:là nhóm các biểu hiện rối loạn tâm thần, phát sinh và phát triển liên quan trực tiếp đến nghiện rượu. Loạn thần do rượu biểu hiện bằng các rối loạn cảm xúc, hành vi, hoang tưởng, ảo giác… bao gồm:

- Sảng rượu(sảng run): là một bệnh loạn thần cấp tính và trầm trọng. Biểu hiện bằng run, hoảng hốt, lo âu, trầm cảm...Ý thức mê sảng hoặc lú lẫn, hoang tưởng, kích động, mất ngủ…hoạt động thần kinh tự trị gia tăng. Tiến triển nặng dần, nhất là về chiều tối

- Ảo giác do rượu: Thường gặp ở người nghiện rượu lâu ngày, nổi bật là các loại ảo giác, thường là những ảo giác thật. Ảo giác do rượu có thể khởi phát cấp tính hay từ từ và thường nặng lên về chiều tối.

- Hoang tưởng do rượu:là một dạng loạn thần do rượu. Hoang tưởng do rượu là một hội chứng hay là một thể bệnh của loạn thần do rượu. Hoang tưởng ghen tuông và hoang tưởng bị hại là những biểu hiện lâm sàng chủ yếu của hoang tưởng do rượu.

- Bệnh loạn thần Korsakov: Đây là một trong các thể bệnh não thực tổn mạn tính do rượu. Hội chứng mất nhớ và viêm đa dây thần kinh là dấu hiệu chủ yếu của bệnh.

2. Là một yếu tố thúc đẩy gây tái phát một số các bệnh tâm thần.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rượu đóng một yếu tố lớn trong tái phát các bệnh lí tâm thần. Zenevitch năm 1974 thấy rằng có 14,3% BNTTPL tái phát là do dùng rượu.

Điều nguy hiểm hơn là những người bị bệnh tâm thần dễ nghiện rượu bia hơn người bình thường. Báo cáo mới của NSDUH (National Survey o­n Drug Use and Health) năm 2009 cho thấy người bệnh tâm thần dễ nghiện bia rượu hơn 4 lần so với người bình thường.

3. Ảnh hưởng đến triệu chứng bệnh tâm thần và kết quả điều trị.

Rượu làm hoang tưởng, ảo giác, kích động vận động nặng lên ở giai đoạn cấp của bệnh, mặc dù vẫn tuân thủ điều trị bằng thuốc... nó còn làm tăng lo âu, sầu uất, trầm cảm, làm gia tăng các ý tưởng tự sát hoặc xu hướng kích động tấn công...

Rượu có thể tương tác với nhiều thuốc làm giảm tác dụng điều trị của một số thuốc thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc kháng histamin chẹn bêta….và làm tăng tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.

III. TÁC HẠI CỦA RƯỢU ĐỐI VỚI CÁC VẤN ĐỀ GIA ĐÌNH, XÃ HỘI.

Bản thân việc uống rượu không phải hoàn toàn là xấu, nhưng trong một số hoàn cảnh nhất định rượu có thể gây hại đối với một số vấn đề của gia đình và xã hội.

- Rượu đóng một vai trò khá lớn đối với vấn đề xung đột, bạo lực gia đình dẫn đến tình trạng li hôn. Theo kết quả một nghiên cứu tại Việt Nam thì 60% bạo lực gia đình xuất phát từ việc say rượu. Một nghiên cứu khác về vấn đề bạo lực gia đình thì lại thấy rằng những tình huống dẫn tới bạo lực theo nhận thức của phụ nữ từng bị bạo lực thể xác do chồng gây ra khi say rượu chiếm tỷ lệ 33.7%.

- Rượu cũng là một nguyên nhân gây mất an toàn giao thông. Theo một thống kê của UB ATGT quốc gia có đến 40% các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia và kết quả một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy trong số nạn nhân tử vong do TNGT thì có tới 34% trường hợp có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép.

- Rượu làm giá tăng tỉ lệ phạm tội như: gây rối trật tự công cộng, gây ra rất nhiều các vụ án hiếp dâm, cướp của, giết người thương tâm…

- Rượu cũng làm gia tăng tỉ lệ tự sát, kết quả một điều tra cho thấy có tới 67% các vụ tự sát có liên quan đến sau khi dùng rượu.

Tuy khoa học đã chứng minh rượu cũng có một số lợi ích sức khỏe nhất định nếu bạn uống rượu một cách điều độ như giúp tim khỏe mạnh hơn, phòng ngừa đột quỵ.

Nhưng rõ ràng hậu quả các tác hại như trên do rượu gây ra: đã, đang và sẽ gây tổn thất về kinh tế, tinh thần… cho gia đình, xã hội là vô cùng lớn không thể thống kê hết được.

Như vậy vấn đề sử dụng rượu sao cho điều độ, đúng chỗ, đúng cách để ngăn chặn các tác hại của rượu trở nên cần thiết hơn bao giờ hết./.

 

Đăng nhận xét

 
Top