Thời gian qua, dư luận nói nhiều về nhà báo hai mặt, nhà báo bẩn. Đây không phải là chuyện bây giờ mới có, nhưng nghiêm trọng nhất là những năm gần đây. Vấn đề là làm thế nào để nhận diện?



1. Nhà báo hai mặt

Nhận thức của loại nhà báo này không bình thường, cái gì cũng bị méo mó, lệch lạc. Tròn thì nói méo; đúng thì lại nói sai; dài thì nói ngắn; xấu thì cho là tốt, tốt thì cho là xấu, hay chọc khoáy chính trị. Điều dị dạng nhất là loại nhà báo này có tới hai bộ mặt, lúc thì đỏ, lúc thì đen; lúc thì chính, lúc thì tà, rất khó nhận diện, rất nguy hiểm. Khi viết đăng báo chính thống thì viết như thế này, nhưng khi nhảy múa trên mạng thì lại viết thế kia; thích bóp méo, xuyên tạc sự thật; doanh nghiệp nào mà không kiếm ăn được thì chống phá; chống cả Đảng và Nhà nước.

Hiện đã có không ít nhà báo hai mặt bị xử tù. Cụ thể là Phạm Thị Đoan Trang đã bị xử về tội tuyên truyền chống Nhà nước; gần đây nhất có nhóm “báo sạch” nhưng chẳng sạch chút nào. Theo kết luận giám định của cơ quan chức năng TP Cần Thơ, nhóm báo này có các bài viết và clip mang tính phản động, đi sâu khai thác những thông tin có nội dung không phù hợp với lợi ích đất nước; xuyên tạc, phỉ báng chính quyền… Đối với các doanh nghiệp hay tổ chức kinh tế, thì loại nhà báo này nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong; trước mặt thì khen nhưng sau lưng thì dìm, đè; kiếm ăn được thì tâng bốc ca ngợi; không kiếm ăn được thì rình mò, xoi mói, xuyên tạc, hãm hại bằng cách khai thác mặt xấu mà không bao giờ nhìn thấy cái tốt cả… Vì thế, những nhà báo hai mặt này là hết sức nguy hại, tác động tiêu cực, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với báo chí.

2. Nhà báo bẩn

Hoạt động của các nhà báo này là họ thường đến doanh nghiệp và các địa phương đặt vấn đề viết bài, kèm theo đó là lời yêu cầu về giá cả. Địa phương hay doanh nghiệp nào từ chối thì các nhà báo này hù dọa. Địa phương, doanh nghiệp nào yếu bóng vía thì phải bôi trơn để tránh phiền hà. Địa phương, doanh nghiệp nào từ chối, thì đám báo bẩn này coi họ như là cái gai, rồi chọc phá, xuyên tạc, vu khống…

Cách đây khoảng 25 năm, cố nhà báo lão thành Hữu Thọ nói rằng: Trong làng báo dường như đang hình thành quyền lực đen. Họ có một ekip “đâm thuê chém mướn” hùn hạp vào với nhau, khen cùng khen, chê cùng chê; khen tập thể và đánh hội đồng. Một báo đánh đã muốn tiêu rồi, nhiều báo mà hùa nhau đánh cùng lúc, đánh dai dẳng thì sống sao nổi. Dù sau này có minh oan đi chăng nữa thì “được vạ má đã sưng”…

Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin đã làm cho quyền lực đen này mặc sức tung hoành và biến tướng theo kiểu: Sáng đăng bài, trưa gặp đối tượng, chiều gỡ bài…

Cụ thể như vụ một số phóng viên, cộng tác viên hùa nhau tống tiền hiệu trưởng một trường ở quận Tây Hồ (Hà Nội) 2 lần, lần đầu là 100 triệu đồng, lần 2 là 80 triệu đồng. Vì chịu không nổi, nên người này phải báo cho công an. Nếu người này mà không báo công an, thì xin thưa rằng còn phải cống nạp dài dài.

Hay là vụ Nguyễn Ngọc Diệp và Đinh Thị Vân viết bài tống tiền doanh nghiệp với chiêu thức ký hợp đồng hợp tác truyền thông, rồi thỏa thuận gỡ xuống 2 bài báo có nội dung ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp này…

Mới đây có vụ ở huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), hai nhà báo dọa tung thông tin về hành vi gây ô nhiễm môi trường, xây dựng không đúng quy trình kỹ thuật của một chủ lò than để cưỡng đoạt 5 triệu đồng…

Đó là chân dung của những nhà báo bẩn. Tuy mức độ, hành vi cưỡng đoạt có khác nhau, nhưng tất cả đều là nhà báo bẩn.

3. Khi nhà báo lên mạng

Hiện nay có nhiều phóng viên, nhà báo tham gia mạng xã hội, điều này cần trân trọng và khuyến khích. Nhưng điều đáng nói là không ít nhà báo quên rằng, khi tham gia mạng xã hội, nhà báo vừa phải tuân thủ pháp luật, vừa phải tuân thủ 10 điều quy định đạo đức người làm báo; tuân thủ quy định sử dụng mạng xã hội do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành.

Nhà báo có quyền điều tra, xác minh, có quyền đặt nghi vấn, có quyền bày tỏ chính kiến, có quyền đề nghị nhưng không có quyền luận tội, quy kết tội danh. Nhà báo chứ có phải viện kiểm sát đâu mà luận tội; nhà báo chứ có phải là tòa án đâu mà quy kết tội danh… Quyền của nhà báo đâu phải là tổng hợp các quyền, đâu phải là quyền vô hạn định.

Khác với những người bình thường khác, nhà báo khi lên mạng xã hội phải lịch sự, đàng hoàng, trung thực và nhân văn; không được hướng dẫn dư luận những điều trái với lợi ích đất nước, trái với lợi ích Nhân dân. Ứng xử của nhà báo trên mạng xã hội được coi như ứng xử nơi công sở; phải chuẩn mực về văn hóa, không phát ngôn bừa bãi; không mỉa mai, hãm hại, xúc phạm người khác.

Như vậy, một nhà báo chân chính thì trước hết phải là người tử tế; tử tế trong suy nghĩ, tử tế trong lời ăn tiếng nói, tử tế trong hành động; phải nghiêm túc, trung thực và hướng thiện. Đó mới là yếu tố làm nên giá trị chân chính của nhà báo.

Nước ta hiện có 816 cơ quan báo chí, tạp chí và các ấn phẩm điện tử; 72 đài phát thanh, truyền hình; 17.200 nhà báo và 27.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Đa số đều tốt, vì vậy, họ không bao giờ chấp nhận để những con sâu vấy bẩn nghề báo, một nghề rất vinh quang trong đời sống xã hội.

Về vấn đề nhà báo bẩn, nhà báo hai mặt, Ban Tuyên giáo Trung ương đã lên tiếng rất mạnh mẽ. Bộ TT-TT, sở TT-TT các tỉnh cũng đã xử lý nhiều trường hợp; Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã thu hồi thẻ hội viên của nhiều hội viên. Nhưng thực tế vẫn chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, tin rằng sắp tới đây, Chính phủ sẽ mạnh tay hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong quy hoạch lại báo chí; tiếp tục sàng lọc, loại bỏ những nhà báo bẩn, những nhà báo hai mặt, những tờ báo hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, làm trong lành môi trường báo chí, để báo chí phát triển chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

ST

Đăng nhận xét

 
Top