Thảo luận ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, chiều ngày 02/6/2022, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, vụ án Việt Á không chỉ dừng lại ở chỗ làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, mà còn làm thất thoát, lãng phí một loại tài sản khác giá trị hơn, quan trọng hơn là niềm tin của Nhân dân, bởi lẽ có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin thì nguy hại, khôn lường.



1. Rất may Bộ Công an kịp thời phát hiện, quyết liệt xử lý

Dẫn số liệu dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nước ta đến nay hơn 43.000 người tử vong, gần 4.500 trẻ em phải chịu cảnh mồ côi..., ông nhấn mạnh nỗi đau này mãi khắc ghi trong tâm trí mỗi người chúng ta. Nhưng đau hơn là trong khi cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế, sỹ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang gồng mình chống dịch, có cả những người đã hy sinh tính mạng của mình để đổi lấy sức khỏe cho cộng đồng... thì có một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất đến cùng cực, vô cảm trước sự mất mát của chính đồng loại, biến mình thành những con thiêu thân lao vào đống lửa đầy tiền.

"Trong số đó có cả những người có học hàm, học vị, những giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ, chỉ mới đây thôi chính họ được tôn vinh, có người còn được trao tặng Huân chương Lao động, nhưng trong chớp mắt, một cơn đại dịch COVID-19 đi qua, họ liền trở thành những phạm nhân vì những đồng tiền đầy tinh vi, đầy mưu hèn, kế bẩn của Việt Á. Chính họ đã làm lãng phí niềm tin của Nhân dân", đại biểu nói.

Theo ông, họ làm sai thì họ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng liệu có phải quy định pháp luật hiện hành còn kẽ hở, dễ bị lợi dụng, hay quy định pháp luật còn thiếu tính răn đe nên dẫn đến hàng loạt cán bộ sai phạm? Họ ở nhiều bộ, ngành khác nhau, có cả ở địa phương và cả Trung ương nhưng sai phạm thì giống nhau.

"Và ngoài ngành Y thì còn bao nhiêu Việt Á len lỏi sâu trong hệ thống của các ngành khác? Điều cần làm sáng tỏ nữa, Công ty Việt Á họ là ai, tại sao họ có quyền lực, chi phối và sức ảnh hưởng lớn như vậy?" - đại biểu băn khoăn. Ông kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, để vừa bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, vừa bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám vì lợi ích chung.

"Theo dõi vụ án Việt Á, cử tri cả nước cùng nhận định, rất may Bộ Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật đã kịp thời phát hiện, vào cuộc quyết liệt để xử lý hàng loạt cán bộ tha hóa, biến chất ấy. Chính việc xử lý này đã góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân", ĐBQH tỉnh Trà Vinh bày tỏ.

2. Lãng phí như một căn bệnh, thậm chí nguy hại hơn tham ô

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) đánh giá cao hàng năm Thủ tướng Chính phủ đều ban hành các chỉ thị về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện. Nhờ đó mà việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhất là trong chi thường xuyên ở hầu hết các cơ quan, đơn vị; nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; công tác tinh giảm biên chế đạt mục tiêu đề ra...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, đại biểu chỉ ra bất cập khi việc phát hiện, xử lý lãng phí còn chậm, có nơi chưa kiên quyết, có tình trạng buông lỏng quản lý, quan liêu, tham nhũng, là tác nhân khiến lãng phí chưa được ngăn chặn hiệu quả. Cạnh đó, báo cáo chưa chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây ra lãng phí.

"Nói về lãng phí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: "Tham ô là trộm cướp, lãng phí tuy không lấy của công đút túi song kết quả cũng rất tai hại". Thời gian qua, tình trạng lãng phí biểu hiện muôn mặt trong một thời gian dài, ở nhiều nơi và được nói đến rất nhiều nhưng chuyển biến chậm, thậm chí còn tăng về tính chất và quy mô", đại biểu nhận định.

Tình trạng lãng phí đất đai, dự án treo, hiệu quả đầu tư thấp, thu hồi tài sản tham nhũng chậm, cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu. Nhất là tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2022, ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội... Tất cả đều là lãng phí, làm thất thoát nguồn lực quốc gia, là nguyên nhân làm suy yếu nguồn lực, kìm hãm sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân.

"Chúng ta đã quyết liệt xử lý tội tham ô, tham nhũng nhưng chưa từng xử lý tội lãng phí, trong khi lãng phí nguy hại hơn, như một căn bệnh, thậm chí nguy hại hơn cả tham ô, tham nhũng mà rất khó có thể thống kê đầy đủ, đo đếm được" - ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy nêu quan điểm.

Nữ đại biểu đề nghị quán triệt sâu sắc, hiệu quả hơn nữa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ăn sâu vào tiềm thức người dân, thường trực trong mỗi việc làm hàng ngày của đảng viên, cán bộ công chức, nhất là người đứng đầu; phát huy vai trò giám sát của Nhân dân. "Kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh hơn nữa. Chúng ta có tuyên dương, khen thưởng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì cũng phải chú trọng trách nhiệm giải trình, xử lý làm gương để ngăn chặn, bởi suy cho cùng, phần lớn những bức xúc nhiều của người dân trong thời gian qua bắt nguồn từ lãng phí", đại biểu nhấn mạnh./.

CAND

 

Đăng nhận xét

 
Top