Việc xử lý nhanh chóng, dứt khoát những cán bộ “dính chàm”, trong đó có những cán bộ cấp cao, giữ trọng trách trong bộ máy quản lý, là minh chứng cho quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước - một cuộc đấu tranh được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, không có điểm dừng nhằm mang lại kết quả toàn diện, đáp ứng sự kỳ vọng và niềm tin cho nhân dân.



1. Vi phạm pháp luật là bị xử lý cho dù đó là ai

Người dân cả nước đang dõi theo với sự quan tâm sâu sắc và tin tưởng trong việc xử lý các vụ tham nhũng, tiêu cực nổi cộm thời gian qua, đặc biệt là những vụ tham nhũng, tiêu cực lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi và chỉ đạo. Đó là những vụ án khiến dư luận và nhân dân cả nước bức xúc, bất bình như như: Vụ án Công ty Việt Á, vụ án đưa và nhận hối lộ trong các chuyến bay “giải cứu” xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC, vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh…

Một trong những vụ án gây bức xúc, thậm chí phẫn nộ cho không ít người, là vụ án Công ty Việt Á và vụ án đưa và nhận hối lộ trong các chuyến bay “giải cứu” khi các đối tượng trong các vụ án đã nhẫn tâm trục lợi trong bối cảnh đất nước phải căng sức gồng mình chống chọi đại dịch Covid-19. Có thể nói đại dịch nguy hiểm này gây ra những tổn thất, mất mát vô cùng to lớn với đất nước và nhân dân ta khi đã có hơn 10,7 triệu người nhiễm bệnh, hơn 43.000 người tử vong và thiệt hại vật chất khó có thể cân đo đong đếm được.

Song những người đã dính líu tới tham nhũng, tiêu cực đều đã và đang phải trả giá đắt, bị lôi ra ánh sáng pháp luật, đối mặt với các biện pháp tố tụng. Trong đó, tính riêng vụ án Công ty Việt Á và chỉ trong hơn 5 tháng (từ khi khởi tố vụ án vào giữa tháng 12-2021 đến hết tháng 5 vừa qua), cơ quan điều tra Bộ Công an, cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng và công an các địa phương đã khởi tố, bắt giam 58 người liên quan vụ án gây chấn động dư luận cả nước này.

Trong diễn biến mới nhất liên quan tới vụ án Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Chu Ngọc Anh, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Đây là hai cán bộ từng giữ chức vụ cao nhất bị xử lý hình sự trong vụ án Công ty Việt Á cho tới thời điểm này.

Điều đáng nói là quy trình và thời gian xử lý với hai ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh diễn ra trong thời gian rất ngắn. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII trong cuộc họp bất thường chiều 6-6 quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với hai ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh thì ngay sáng hôm sau (7-6) Quốc hội đã tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội và cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế với ông Nguyễn Thanh Long, trong khi HĐND TP Hà Nội cũng bãi nhiệm đại biểu HĐND và chức vụ Chủ tịch UBND TP với ông Chu Ngọc Anh. Ngay sau đó, hai vị nguyên cán bộ cấp cao này đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

2. Càng quyết liệt càng đáp ứng kỳ vọng, niềm tin của nhân dân

Việc xử lý nhanh chóng, quyết liệt, dứt khoát với nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có điểm dừng, bất kỳ ai dù giữ chức vụ cao đến đâu nếu vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật là minh chứng, là sự khẳng định mạnh mẽ quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Theo đó, từ năm 2013 đến 2020, cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 131.000 đảng viên, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến tham nhũng.

Cũng từ năm 2013 đến 2020, đã có 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý (trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, 30 sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang). Cùng thời gian này, cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra truy tố xem xét hơn 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, trong đó có: 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang

Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (trong đó, khởi tố mới 125 vụ án, 259 bị can về tội tham nhũng). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 4 vụ án/23 bị can, khởi tố mới 7 bị can trong 3 vụ án, khởi tố bổ sung tội danh 4 bị can trong 2 vụ án… Đáng chú ý, đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, đã khởi tố 10 cán bộ diện Trung ương quản lý (1 bộ trưởng, 1 Chủ tịch UBND TP, 1 thứ trưởng; 1 nguyên thứ trưởng; 1 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; 5 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).

Có thể khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước, tạo không khí phấn khởi trong xã hội, tăng cường niềm tin trong nhân dân với Đảng và chế độ. Những việc làm và kết quả bước đầu trong cuộc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực thời gian qua thêm một lần nữa khẳng định, không có vùng cấm, cả cán bộ có chức quyền, dù ở cương vị nào, các vụ tham nhũng liên quan đến lợi ích nhóm, tham ô tiền của dân, tài sản Nhà nước làm giàu bất chính… đều bị xử lý nghiêm trước pháp luật.

Đâu đó đã có những băn khoăn về việc đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực như vậy có làm mất cán bộ, làm cán bộ e ngại không dám nghĩ, dám làm… Thế nhưng, cũng chính thực tế đã xóa tan những băn khoăn ấy khi càng đấu tranh mạnh mẽ chống lại thứ nội xâm nguy hại này, đất nước chúng ta càng phát triển, niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ và tương lai đất nước càng được nâng lên; niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế với môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta càng được nhân lên.

Tất nhiên, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ không tránh khỏi mất cán bộ khi những người vi phạm pháp luật bị xử lý, nhưng đó là loại bỏ cán bộ hư hỏng, suy thoái, biến chất ra khỏi bộ máy. Những người này chính là những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, cản trở quá trình phát triển đi lên của đất nước, của nền kinh tế. Loại bỏ những “con sâu” khi vậy ra khỏi bộ máy cũng chính là để đưa vào những cán bộ có tâm, có tầm, đầy đủ phẩm chất đạo đức; giúp củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, đồng thời tạo động lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì thế sẽ không có điểm dừng, mang lại chuyển biến căn bản và kết quả toàn diện, đáp ứng được sự kỳ vọng và niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ ta./.

St

 

Đăng nhận xét

 
Top