Chuyện Công an tỉnh Quảng Ninh kê biên khối tài sản "khủng" của ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long, khiến người ta nhớ lại mấy trường hợp quan chức ngã ngựa bởi cuộc chiến "đả hổ diệt ruồi" bên Trung Quốc.
Sáu năm trước, Tòa án Quân sự Trung Quốc
tuyên phạt cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng tù chung thân, tước quyền
chính trị suốt đời, tước quân hàm thượng tướng và tịch thu toàn bộ tài sản.
Tài sản họ Quách có gì? Theo thông báo chính
thức của cơ quan pháp luật được Tân Hoa xã công bố, Quách Bá Hùng lợi dụng chức
vụ, cất nhắc người khác thăng chức và điều chuyển chức vụ với khoảng 713 trường
hợp để nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn với hơn 2,22 tỉ NDT (7.823 tỉ VNĐ).
Trước đó, ai đọc bảng liệt kê tài sản mà bị
can họ Quách giao nộp cho cơ quan điều tra cũng cảm thấy choáng: 57 tài khoản
ngân hàng và sổ tiết kiệm tổng số tiền 113,517 triệu NDT; các loại trái phiếu
trị giá 15,2 triệu NDT; vàng thỏi, vàng miếng và đồ trang sức vàng 7,5 kg; 62
căn nhà và cửa hàng thương mại; 11 khu đất tổng diện tích 75.000 m2...
Một cựu Phó Chủ tịch Quân ủy khác là Từ Tài
Hậu cũng bị truy tố tội danh tương tự. Khám xét biệt thự của họ Từ, cơ quan
điều tra thu giữ 1 tấn tiền mặt (NDT, USD và EUR), hơn 100 kg ngọc bích, 200 kg
cẩm thạch, phải huy động 10 chiếc xe quân sự tới mới chở hết khối tài sản rất
nhiều đồ cổ của họ Từ khỏi biệt thự...
Sau trường hợp Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu và
nhiều quan tham cỡ bự khác bị xộ khám, các cơ quan chức năng Trung Quốc phân
tích vấn đề và chỉ ra một số nguyên nhân, trong đó có nêu: dấu hiệu tham nhũng,
hối lộ, tiêu cực dù đã bộc lộ từ lâu, song "nhờ" cơ chế kiểm tra,
thanh tra lỏng lẻo, chiếu lệ nên tài sản bất minh cứ thế mà tích tụ, quan chức
được nước làm càn.
Tham nhũng thời nào cũng có, nước nào cũng
gặp phải, kể cả ở những quốc gia có hệ thống pháp luật chặt chẽ nhất, hà khắc
nhất. Có quốc gia trừng phạt kẻ trộm bằng cách chặt tay giữa chợ, mà nạn trộm
cắp vẫn tồn tại. Trộm cắp hay tham nhũng đều do lòng tham vật chất chi phối,
nhưng tội phạm tham nhũng thường khác với tội phạm trộm cắp, nó phải gắn với
chủ thể có quyền thế. Quan sát lịch sử, xã hội nước ta từ thời xa xưa đến hiện
đại, hầu hết tội phạm tham nhũng là quan chức. Quyền lực quan chức thực ra là
quyền lực nhà nước, được nhân dân ủy thác để thay họ quản lý, điều hành đất
nước, thực hiện ý chí của họ và cán bộ nhà nước là những người được giao nhiệm
vụ ấy; "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" - Hiến pháp đã
nêu rõ như vậy. Thế nhưng, một bộ phận không nhỏ cán bộ nhà nước đã lạm dụng
hoặc cố tình vận dụng sai cái quyền đó để trục lợi cá nhân.
Chống tham nhũng đừng chỉ trông chờ vào sự tự
giác, liêm chính của cán bộ, công chức, quan chức. Trên mảnh đất màu mỡ, nếu
không có thuốc trừ cỏ thì tất nhiên cỏ dại sẽ mọc đầy. Quyền lực quá lớn mà
không bị ai giám sát hoặc giám sát qua loa, thậm chí thông đồng, thì quyền lực
ấy trở thành tội ác trong một sớm một chiều. Nhận hối lộ để lấy đất của dân
trái quy định pháp luật, giao doanh nghiệp làm dự án thương mại; nhận đút lót
để làm ngơ cho lâm tặc phá rừng, sa tặc khoét sông; ăn tiền để đưa kẻ kém cỏi
vào bộ máy cơ quan công quyền..., tất cả đều là tội ác vì gây hậu quả rất
nghiêm trọng.
Do vậy, giao quyền phải kèm với giao trách
nhiệm và theo dõi, chế tài; nếu trao quyền cho cán bộ mà thiếu cơ chế thanh -
kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục và chặt chẽ thì chẳng khác nào giao
trứng cho ác. Thực tế cho thấy dù Luật Phòng chống tham nhũng đã có, công cuộc
"đốt lò" vẫn đang tiến hành quyết liệt, thậm chí ngày 23-9-2019, Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát
quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, song tình hình
tham nhũng, hối lộ, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp. Những mong sắp tới,
khi Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được thành lập ở các
địa phương, "quốc nạn" này sẽ bị đẩy lùi.
NLD
Đăng nhận xét