Việt Nam hiện có hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm khoảng 27% dân số cả nước; có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động.



Những năm qua, cùng với các tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, thì một số tổ chức tôn giáo lạ, tà đạo cũng xuất hiện và nén nút hoạt động, có những cách hành đạo trái với văn hóa truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, tuyên truyền mê tín dị đoan... đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị và an ninh trật tự ở một số địa phương.

Từ khi ra đời, các tà đạo đã thu hút được một số lượng người tin theo, tham gia sinh hoạt tại nhiều địa phương như: Thanh Hải Vô thượng sư, Pháp môn diệu âm, Dương Văn Mình, Tin lành Đề Ga, Hà Mòn, Pháp Luân Công và đặc biệt là Hội Thánh đức Chúa trời mẹ, dù xuất hiện sau song đã phát triển mạnh và hoạt động bất hợp pháp ở nhiều tỉnh thành với hàng nghìn người tham gia, nhất là ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa... Các đạo lạ thường lén lút hoạt động và luôn thay đổi địa điểm để tuyên truyền, phát triển “đạo” nhằm tránh sự quản lý của cơ quan chức năng. Những người cốt cán cầm đầu các đạo lạ thường yêu cầu và buộc số người tin theo không được tiếp xúc và quan hệ với người khác niềm tin; không tham gia các sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng; không thực hiện phong tục tập quán và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, những người tin, theo các tà đạo thường là những người gặp rủi ro bế tắc trong cuộc sống, có trình độ văn hóa thấp.

Việc một số người tin, theo các tà đạo đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, tuyên truyền mê tín dị đoan, kích động tâm lý hoang mang, dao động trong quần chúng nhân dân, làm phức tạp tình hình an ninh chính trị tại địa phương và thường bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng hoạt động để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá cách mạng Việt Nam, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”.

Do đó, để đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá cách mạng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân. Và để công tác quản lý nhà nước về các hoạt động tôn giáo hiệu quả hơn nữa, các cấp chính quyền cần quan tâm thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; xây dựng nếp sống văn hóa và môi trường sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng lành mạnh. Các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người hiểu rõ đâu là chính đạo, đâu là tà đạo, tác hại của các tà đạo đối với đời sống vật chất, tinh thần của người dân và toàn xã hội. Từ đó vận động nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các hoạt động tiêu cực của tà đạo. Chủ động triển khai nắm tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu, hoạt động lôi kéo, thu hút người tham gia các hội nhóm tà đạo để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, qua đó các loại tà đạo mới không có chỗ để tồn tại trong cuộc sống./.

 

Đăng nhận xét

 
Top