Theo nhiều chuyên gia tâm lý, sợ sai không dám làm là một kiểu 'tự diễn biến' mới trong quan niệm, tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Tư tưởng không những làm chậm trễ, đình trệ hoạt động công vụ, gây bức xúc trong nhân dân mà còn cản trở động lực phát triển.
Gõ từ khóa “sợ sai, sợ
trách nhiệm”, chỉ trong tích tắc, hàng triệu kết quả được tìm thấy cho thấy độ
"nóng" của hiện tượng này trên các diễn đàn, thậm chí nhiều cán bộ,
đảng viên còn có tư tưởng “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước
hội đồng xét xử”, hay “bị phê bình vì làm chậm, chưa hoàn thành nhiệm vụ còn
hơn bị kỷ luật, hoặc có thể bị truy cứu hình sự”.
Theo nhiều chuyên gia
tâm lý, sợ sai, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ hiện nay do nhiều
nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thể chế pháp luật ở nhiều lĩnh vực chưa
thật rõ ràng.
Ông Nguyễn Hữu Thông –
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng, vì nhiều nguyên nhân đã làm nảy
sinh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo
quản lý, đang cản trở sự phát triển của đất nước.
Để khắc phục tình
trạng này cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đặc biệt là
thể chế hóa chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu
trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử
thách (6 dám) mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận 41 của Bộ chính
trị đã yêu cầu.
“Đối với vấn đề này,
áp dụng luật này thì đúng nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra
thì lại sai. Áp dụng vào thời điểm này thì đúng nhưng thời điểm khác thì lại
sai. Cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung đã
được Bộ Chính trị ban hành trong Kết luận số 14, nhưng chủ trương đúng đắn đó
chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật nên cán bộ rất ngại
trong quá trình công tác. Họ làm cầm chừng, không dám đột phá”, ông Nguyễn Hữu
Thông đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương một mặt
thường xuyên rà soát các cơ chế, chính sách nhằm điều chỉnh cho đồng bộ phù hợp
với thực tế, mặt khác, sớm cụ thể hóa chủ trương của Đảng đã nêu trong Kết luận
số 14.
Theo bà Phạm Phương
Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, dù Đảng đã đề ra chủ trương bảo vệ cán
bộ, nhưng việc tổ chức thực hiện chưa tốt, kể cả việc ban hành thể chế và tổ
chức thực hiện. Thực tế hiện nay vẫn chưa bảo vệ được nhiều đối với cán bộ dám
nghĩ, dám làm mà khi có sai phạm xảy ra vẫn xử lý trách nhiệm theo kiểu dây
chuyền.
“Hiện nay, chúng ta
nói phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm nhưng thực ra chúng ta chưa bảo vệ
được bao nhiêu để đội ngũ cán bộ nhìn vào đó mà tự tin dám nghĩ, dám làm vì lợi
ích chung. Cái này nói thì dễ nhưng trong thực tế có những vụ việc xử lý theo
kiểu dây chuyền”, bà Phạm Phương Thảo cho biết.
Theo nhiều chuyên gia
tâm lý, sợ sai không dám làm là một kiểu “tự diễn biến” mới trong quan niệm, tư
tưởng của cán bộ, đảng viên. Tư tưởng này không những làm chậm trễ, đình trệ
hoạt động công vụ, gây bức xúc trong nhân dân mà còn cản trở động lực phát
triển.
Vì vậy, bên cạnh việc
sớm thể chế hóa chủ trương về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám
làm vì lợi ích chung, quan trọng hơn, mỗi cán bộ, nhất là cán bộ quản lý phải
nâng cao trách nhiệm, trình độ, bản lĩnh chính trị trong công tác với ý thức
phục vụ nhân dân cao nhất.
TS Nguyễn Văn Đáng,
giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tư duy không làm
không sai chính là tư duy sai, bởi vì cán bộ đang hưởng lương của cơ quan Nhà
nước và có trách nhiệm phải phục vụ lợi ích của cộng đồng. Do đó, mỗi cán bộ,
công chức cần phải có trách nhiệm, bổn phận trong việc phục vụ lợi ích công,
lợi ích của nhân dân.
Còn theo TS Đinh Duy
Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), cán bộ lãnh đạo quản
lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường trách nhiệm trong thực thi
công vụ. Nếu người nào lần chần, vin vào thể chế có chỗ chưa rõ ràng mà không
dám triển khai thì phải tăng cường truy trách nhiệm, làm rõ. Bên cạnh đó, cần
có văn bản pháp lý thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị.
Để hiện thực hóa một
chủ trương đột phá, quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ,
cần có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên
có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện các nguyên tắc của Đảng, pháp luật
của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới,
sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động
vì lợi ích chung./.
St
Đăng nhận xét