Theo các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng ngày càng phổ biến và tinh vi hơn. Đặc biệt, các thủ đoạn lừa đảo luôn được các đối tượng "cập nhật" liên tục để dễ dàng "qua mặt" người dùng. Trước những "cạm bẫy" được giăng mắc ngày càng dày trên không gian mạng, người dân cần hết sức cảnh giác và tỉnh táo để không trở thành nạn nhân.
Xuất hiện một số hình thức, thủ đoạn
lừa đảo mới
Tối 10/4, anh N.L.H ở thị xã Hoàng
Mai (Nghệ An) nhận được tin nhắn của người bạn "khoe" việc cháu người
này tham gia cuộc thi ảnh và được vào vòng bình chọn trên Facebook, từ đó đề
nghị anh H. nhấn vào đường link người bạn gửi kèm để "like" và chia
sẻ bình chọn cho cháu. Không chút nghi ngờ, anh H. làm theo. Tuy nhiên, chỉ
khoảng vài ba tiếng sau, anh H. bất ngờ khi thấy nhiều người quen gọi điện hỏi
về việc anh nhắn vay tiền họ qua Facebook, người ít thì 1 triệu đồng, người
nhiều thì 17 triệu đồng. Hoảng hốt kiểm tra messenger của mình thì anh H. nhận
thấy không đăng nhập được nữa. Lúc này anh H. mới hiểu khi việc mình nhấn vào
đường link thì đã bị kẻ xấu chiếm đoạt quyền quản trị Facebook. Từ đó, nghi
phạm đã mạo danh anh nhắn tin lừa vay tiền người thân, bạn bè.
Theo các chuyên gia, thủ đoạn chiếm
quyền sử dụng tài khoản Facebook cá nhân bằng cách lừa người dùng click vào các
đường link giả mạo hay gắn thẻ vào các bài viết có chứa đường link độc hại đã
xảy ra nhiều trong thời gian qua. Thủ đoạn gửi đường link nhờ chia sẻ ảnh/video
trong các cuộc thi cũng chính là dạng tương tự của loại tội phạm này, chỉ khác
là đối tượng thay đổi, "làm mới" cách thức thể hiện do nắm bắt xu
hướng tổ chức các cuộc thi bình chọn trực tuyến đang rất phổ biến hiện nay trên
mạng xã hội và tận dụng tâm lý người dùng không cảnh giác để ra tay.
Ngoài thủ đoạn trên, thời gian gần
đây một số người dùng còn nhận được cuộc gọi có tên người thực hiện là FlashAI.
Theo lý giải của nhà mạng VinaPhone, FlashAI là số điện thoại lạ, chưa xác định
được nguồn gốc. Để tránh bị dính bẫy lừa đảo, đại diện nhà mạng
VinaPhone khuyên khách hàng không
nên nghe máy. Trong trường hợp nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo thì hãy nhanh
chóng tắt máy và tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa
chỉ, số tài khoản ngân hàng, CMND/CCCD; không cung cấp mã OTP hay nhập vào
đường link lạ được gửi đến trên SIM; không nên gọi lại khi nhận cuộc gọi nhá
máy từ số lạ và chủ động báo cáo cuộc gọi lừa đảo với cơ quan chức năng hoặc
gọi tổng đài của nhà mạng để được hỗ trợ chặn số.
Tra cứu tên miền, xác thực bằng điện
thoại để tránh bị "sập bẫy"
Chỉ trong tháng 3/2023, các đơn vị
chức năng của Bộ TT&TT cũng đã phát hiện và chuyển cơ quan chức năng điều
tra, xử lý 8 vụ việc sử dụng trạm phát sóng di động BTS giả để phát tán tin
nhắn rác, quảng cáo hay giả mạo nhằm lừa đảo người dân. Theo Cục An toàn thông
tin, Bộ TT&TT, các đối tượng xấu thực hiện phát tán tin nhắn lừa đảo bằng
cách sử dụng các thiết bị phát sóng giả mạo để gửi tin nhắn trực tiếp vào điện
thoại mà không thông qua nhà mạng viễn thông di động. Nội dung tin nhắn thường
là quảng cáo, hướng dẫn hoặc chứa đường link tới website giả mạo có tên gần
giống website chính thức của các ngân hàng để dẫn dụ và đánh cắp thông tin của
người dùng như tài khoản, mật khẩu, mã OTP… sau đó xâm nhập tài khoản, rút tiền
của nạn nhân.
Trước đó, trong năm 2022, Cổng cảnh
báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn, trực thuộc
Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cũng đã ghi nhận 12.935 trường hợp lừa đảo
trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính gồm lừa đảo để đánh cắp thông tin cá
nhân và lừa đảo tài chính. Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước
đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính. Để thực hiện
các cuộc lừa đảo trực tuyến, đối tượng lừa đảo áp dụng nhiều biện pháp khác
nhau để tạo niềm tin nhưng có thể phân ra 3 nhóm lừa đảo chính, đó là giả mạo
thương hiệu chiếm 72,6%, chiếm đoạt tài khoản online chiếm 11,4% và 16% còn lại
là các hình thức khác như việc làm online, lừa đảo tình cảm, app cho vay...
Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu,
Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia cho rằng, trước thực trạng
tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội diễn biến phức tạp với
nhiều thủ đoạn tinh vi như hiện nay, điều quan trọng nhất chính là việc người
dân cần cảnh giác. Tất cả tin nhắn liên quan đến vay mượn tiền qua hình thức
chuyển khoản đều phải được xác thực bằng các cuộc điện thoại kiểm chứng có độ
dài khoảng 2 phút trở lên để tránh kẻ xấu mạo danh lừa đảo.
Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc
Trung tâm Internet Việt Nam cũng cho biết, tình trạng vi phạm pháp luật trên không
gian mạng diễn ra ngày càng tinh vi, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau
như tạo các website giả mạo các cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng, sàn thương
mại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản cùng nhiều hình thức vi phạm. Đặc điểm chung
của hành vi vi phạm là thường sử dụng tên miền quốc tế đăng ký ở nước ngoài,
che giấu thông tin chủ thể. Nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động
lừa đảo, vi phạm pháp luật, Bộ TT&TT xây dựng và triển khai Cổng tra cứu
thông tin tên miền để hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp nhận diện, xác
thực nguồn thông tin chính thức trên môi trường mạng.
Trước khi sử dụng dịch vụ, giao dịch
trên Internet, người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin
website, tên miền bằng cách thực hiện nhắn tin miễn phí tới tổng đài 156 hoặc
tra cứu trực tiếp tại website https://tracuutenmien.gov.vn.
Với nguồn thông tin, dữ liệu chính thức từ cơ sở dữ liệu quản lý tên miền của
Bộ TT&TT, Cổng thông tin tra cứu tên miền là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho
người sử dụng trong việc xác định nguồn tin chính thức trên môi trường mạng,
góp phần phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật liên
quan đến việc sử dụng tên miền trên môi trường mạng.
CAND
Đăng nhận xét