Biển, đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển từ ngàn đời của dân tộc ta. Việt Nam là quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.260 km, từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang; trung bình, cứ 100 km2 đất liền thì có 1 km bờ biển (trung bình của thế giới là 600 km2 đất liền có 1 km bờ biển). Theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì Việt Nam có vùng biển rộng trên 1 triệu km2, chiếm khoảng 30% diện tích biển Đông; diện tích biển gấp hơn 3 lần diện tích đất liền. Chính vì vậy, biển, đảo nước ta có vị trí chiến lược hết sức to lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng CNXH, có liên quan trực tiếp đến sự phồn vinh của đất nước và an ninh, chính trị.
Từ vị trí quan trọng
của biển, đảo, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng giải quyết tốt mối quan hệ
giữa phát triển kinh tế, xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và xây dựng
thế trận quốc phòng toàn dân trên các vùng biển, đảo, trong đó Trường Sa là
vùng lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.
Quần đảo Trường Sa nằm
ở phía Nam Biển Đông từ kinh tuyến 111 độ 30 phút Đông đến kinh tuyến 117 độ 20
phút Đông; từ vĩ tuyến 6 độ 50 phút Bắc đến vĩ tuyến 12 độ Bắc; cách bán đảo
Cam Ranh (tỉnh Khánh Hóa) 480 km; đây là vùng biển đảo có vị trí địa chiến lược
cực kỳ quan trọng.
Quần đảo Trường Sa
thuộc H.Trường Sa (Khánh Hòa) có trên 100 đảo, bãi cạn, cồn san hô và bãi ngầm,
với diện tích vùng biển rộng 180.000 km2, được chia làm 8 cụm: Song Tử, Thị Tứ,
Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên.
Hiện nay, Việt Nam
thực hiện chủ quyền và đóng giữ 21 đảo, gồm 10 đảo nổi (Trường Sa, Trường Sa
Đông, An Bang, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn
Ca, Đá Tây); 11 đảo đá ngầm (Đá Nam, Đá Lớn, Đá Lát, Đá Đông, Đá Thị, Thuyền
Chài, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan) với 33 điểm đóng quân.
Quần đảo Trường Sa án
ngữ nhiều đường hàng hải quốc tế, ở đó có nhiều loại hải sản quý và là lá chắn
quan trọng bảo vệ sườn phía đông của Tổ quốc.
Biển, đảo nước ta là
không gian chiến lược đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh của đất
nước, hình thành nên tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, là những điểm tựa,
pháo đài, trạm gác tiền tiêu, đồng thời là lá chắn vững chắc từ hướng biển, tạo
thế liên hoàn biển- đảo- bờ trong thế trận phòng thủ.
Để giữ vững chủ quyền
quần đảo trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần tiếp tục phát huy những thành
tựu đã đạt được, tăng cường hơn nữa phát triển kinh tế biển với chiến lược toàn
diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta thành một quốc gia mạnh về kinh
tế biển trong khu vực, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc
tế./.
Đăng nhận xét