Đây là hệ thống trừng phạt đơn phương bất hợp pháp và kéo dài nhất được áp dụng đối với một quốc gia trong lịch sử thế giới hiện đại.



Cách đây hơn 60 năm, vào tháng 10/1960, Mỹ đã tiến hành phong tỏa và áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Cuba. Lệnh cấm vận lâu dài nhất trong lịch sử thế giới này đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và người dân của hòn đảo Tự do...

Các ngành sản xuất trong nước bị suy thoái nghiêm trọng, không đáp ứng được các mặt hàng thiết yếu, bao gồm lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế. Đối với Mỹ, những lệnh trừng phạt này cũng gây thiệt hại cho chính các doanh nghiệp Mỹ hàng tỷ đô la do không thể giao dịch được với một thị trường đầy hứa hẹn ngay bên cạnh nước Mỹ.

Nguồn cơn của hơn 60 năm phong tỏa, thù địch

Cuba được mệnh danh là hòn đảo thiên đường ở vùng biển Caribe, vốn là thuộc địa của Tây Ban Nha, nằm trong khu vực lợi ích của Mỹ. Năm 1820, Tổng thống thứ ba của nước Mỹ, Thomas Jefferson viết, Cuba sẽ là "một sự bổ sung tuyệt vời nhất vào hệ thống các bang của đất nước chúng ta." Vào giữa thế kỷ này, nước Mỹ đã tìm cách mua lại hòn đảo này từ Tây Ban Nha, nhưng thỏa thuận không thành.

Bản thân Cuba lúc đó không muốn tiếp tục tồn tại như một thuộc địa. Cuba lúc đó đã tìm đến quan hệ với Mỹ để thực hiện khát vọng tự do của mình. Các cuộc chiến tranh giành độc lập đã tàn phá đất nước, các nhà đầu tư Mỹ đã tận dụng cơ hội này để mua lại các vùng lãnh thổ của Cuba.

Năm 1898, cuộc đấu tranh giải phóng một lần nữa lại bùng nổ trên hòn đảo này và lúc đó người Mỹ không thể không can thiệp, bởi vì nó không chỉ liên quan đến lợi ích của họ, mà còn đe dọa nhiều công dân Mỹ sống và làm việc ở đó. Sự can thiệp của Mỹ đóng một vai trò quyết định trong cuộc chiến với Tây Ban Nha. Giành được độc lập, nhưng chỉ về mặt hình thức, trên thực tế, Cuba thoát khỏi ách đo hộ của của Tây Ban Nha, nhưng lại rơi vào vòng kiểm soát của Mỹ.

Mỹ dần dần củng cố vị thế của mình. Đến năm 1926, người Mỹ đã chiếm quyền sở hữu 60% ngành công nghiệp mía đường và nhập khẩu 95% sản lượng đường của Cuba. Quốc gia nửa thuộc địa này trở thành "vựa đường của Mỹ".

Mỹ đã ủng hộ và đứng về phía các chính phủ Cuba được thành lập sau các cuộc đảo chính. Fulgencio Batista trở thành người trung thành và gần gũi nhất với Washington. Trong thời kỳ F. Batista cầm quyền, Cuba đã biến thành ốc đảo du lịch của giới thượng lưu Mỹ giàu có. Các giới mafia của Mỹ kiểm soát nhiều sòng bạc và nhà thổ ở Havana. Nạn tham nhũng phát triển mạnh mẽ. Nền kinh tế Cuba trở nên phụ thuộc vào Mỹ.

Trong thế kỷ 20, nhiều cuộc cách mạng XHCN đã bùng nổ ở các nước trên thế giới. Cuối những năm 1950, những nhà cách mạng nổi tiếng như Ernesto Che Guevara và Fidel Castro đã đứng lên phát động phong trào đấu tranh lật đổ chế độ Batista.

Năm 1958, khi cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn quyết định, biết tình thế không thể đảo ngược được, những người cách mạng sẽ thắng, Mỹ đã chấm dứt cung cấp vũ khí cho chính quyền Batista. Không thể chống đỡ được các lực lượng cách mạng, năm 1959, Batista chạy khỏi đất nước và F. Castro giành chính quyền trở thành người đứng đầu của nhà nước Cuba mới.

Người Mỹ nhanh chóng hiểu rằng, các nhà lãnh đạo mới hoàn toàn không còn là bạn nữa. Chính quyền F. Castro đi theo đường lối của Liên Xô. Ngay sau khi nắm chính quyền, ban lãnh đạo Cuba đã tiến hành xóa bỏ quyền sở hữu tư nhân và quốc hữu hoá các nhà máy, xí nghiệp của Mỹ mà không trả bất kỳ khoản bồi thường nào.

Mỹ đã trả đũa mạnh mẽ, ngừng mua đường và không bán nhiên liệu cho Cuba. Tiếp theo là các biện pháp trừng phạt khác. Mỹ quyết định chấm dứt viện trợ cho bất kỳ nước nào hợp tác với chính phủ mới của Cuba, đồng thời cấm bán bất kỳ hàng hóa nào cho Cuba có thể được sử dụng vào mục đích chiến tranh. Chính phủ F. Casstro đã phải tìm đến sự giúp đỡ của Liên Xô.

Liên Xô đã ủng hộ mạnh mẽ chính quyền của F. Castro, đồng ý mua đường và bán dầu cho Cuba. Mỹ không thể để Cuba đưa Liên Xô, đối thủ số một đến sát biên giới của mình. Năm 1960, Tổng thống Dwight Eisenhower đã ban hành sắc lệnh cấm vận toàn diện chống chính quyền Cuba non trẻ.

Cùng với cấm vận kinh tế, Mỹ cũng đã chuẩn bị lực lượng tấn công Cuba. Ngay sau khi cách mạng Cuba thắng lợi, Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) bắt đầu tìm cách loại bỏ chế độ của Fidel Castro. Họ dựa vào một bộ phận không hài lòng với chính quyền mới và sẵn sàng hợp tác với Mỹ lật đổ F. Castro.

Vào thời điểm đó, tại Cuba có một số nhóm vũ trang ngầm hoạt động chống lại chính quyền mới. Những người Cuba di tản sang Mỹ cũng đang chờ thời trả thù để trở về hòn đảo này. Washington đã nuôi dưỡng những phần tử này để chuẩn bị kế hoạch tấn công quân sự Cuba.

Đầu năm 1961, Mỹ đã chuẩn bị đưa 1.500 người Cuba lưu vong có vũ trang đổ bộ vào nước này. Các nhóm chống F. Castro ở các thành phố lớn bên trong Cuba cũng chuẩn bị đồng loạt nổi dậy. Theo kế hoạch, sau khi giành được quyền kiểm soát, các lực lượng này sẽ yêu cầu Mỹ can thiệp và CIA hứa Mỹ sẽ đáp ứng tích cực.

Tuy nhiên, biết được âm mưu này, chính quyền cách mạng đã chuẩn bị các phương án và chủ động hành động. Họ bắt giữ các thủ lĩnh của "đội quân thứ năm", tiến hành nguỵ trang, thay thế máy bay tại các sân bay bằng hình nộm để tránh thiệt hại do không quân Mỹ không kích. Đồng thời, chính quyền Havana đã mở một chiến dịch tuyên truyền toàn diện trong dân chúng sau khi biết kế hoạch đổ bộ của Mỹ.

Quân đội Cuba đã đánh bại nhóm đổ bộ tại bãi biển Playa Giron (Vịnh Con Lợn), bắt hầu hết binh lính của nhóm này làm tù binh và bắn rơi 12 máy bay Mỹ. Mỹ đã không giấu giếm được sự tham gia của mình vào chiến dịch này. Cộng đồng thế giới đã lên án hành động xâm lược của Mỹ. Tổng thống J. Kennedy lúc đó đã tỏ ra thất vọng đối với thất bại của CIA.

Chiến thắng Vịnh Playa Giron trở thành mốc quan trọng nhất của cách mạng Cuba. Cuối năm đó, Cuba đã trao trả số tù binh cho Mỹ mà người Cuba gọi là "gusanos" ("những con sâu") để đổi lấy một lô hàng thực phẩm và thuốc men trị giá 53 triệu USD.

Quan hệ Cuba - Liên Xô

Sau thất bại, Mỹ tìm cách trả thù, gia tăng các biện pháp trừng phạt Cuba. Cuba đã phải đề nghị Liên Xô giúp đỡ.

Người em trai của F. Castro là Raul Castro đã bay sang Moscow gặp Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushev. Liên Xô đã đáp ứng tích cực, cung cấp vũ khí và cử chuyên gia sang giúp Cuba. Do chính sách thân Liên Xô như vậy, CIA đã nhiều lần tìm cách ám sát F. Castro, nhưng không thành.

Mối quan hệ hữu nghị này đã đẩy Mỹ và Liên Xô lúc đó đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Mỹ đã đưa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đến Thổ Nhĩ Kỳ và Italia có thể bắn tới Moscow. Đáp lại, Liên Xô đã triển khai các đơn vị tên lửa của mình ở Cuba.

Nhận biết được khả năng xảy ra chiến tranh, Mỹ đã chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện. Cuối tháng 10/1962, các tàu của hải quân Mỹ tiến hành một cuộc phong tỏa trên biển, lập một vành đai cách bở biển Cuba 500 hải lý, ngăn chặn các tàu Liên Xô mang đầu đạn hạt nhân cập bến Cuba.

F. Castro không tin vấn đề sẽ được giải quyết bằng biện pháp hoà bình đã kêu gọi Liên Xô không nên chờ cuộc xâm lược xảy ra rồi mới đánh trả mà tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu vào lãnh thổ nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, N. Khrushchev đã đi đến một thỏa thuận với J. Kennedy, theo đó Mỹ đảm bảo sẽ không tấn công Cuba, rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, Italia và Liên Xô sẽ rút tên lửa khỏi Cuba.

Sau sự kiện này, quan hệ Cuba-Liên Xô trở nên có phần nguội lạnh. Tuy nhiên, Havana vẫn giữ quan hệ hữu nghị thân thiết với Moscow cho đến khi phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ đầu những năm 1990.

Sau cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962, các tàu chiến Mỹ rời bờ biển Cuba. Cuộc phong tỏa hải quân kết thúc, nhưng phong tỏa kinh tế không những vẫn được duy trì mà còn tăng cường trong nhiều thập kỷ.

Lệnh cấm vận khắc nghiệt nhất lịch sử hiện đại

Các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Cuba mang tính chất hệ thống. Đây là lệnh cấm vận lâu dài, khắc nghiệt và toàn diện nhất trong lịch sử hiện đại.

Lần đầu tiên Mỹ áp đặt lệnh cấm vận bán vũ khí cho Cuba là vào ngày 14/3/1958, dưới chế độ Fulgencio Batista. Hai năm sau khi cách mạng Cuba thắng lợi, ngày 19/10/1960, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu hàng hoá sang Cuba, ngoại trừ thực phẩm và thuốc men. Ngày 7/2/1962, Tổng thống J. Kennedy đã ký sắc lệnh mở rộng phạm vi cấm vận, bao gồm hầu như tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Cuba.

Ngoài ra, Mỹ còn ban hành nhiều đạo luật khác chống Cuba, trong đó có Đạo luật viện trợ nước ngoài (1961), Quy chế kiểm soát tài sản Cuba (1963), Đạo luật dân chủ Cuba (1992) nhằm duy trì các biện pháp trừng phạt Cuba chừng nào chính phủ Cuba không chịu tiến tới "dân chủ hóa và tôn trọng quyền con người", Đạo luật Helms – Burton (1996) nghiêm cấm các công dân Mỹ tham gia buôn bán với Cuba và không được giúp đỡ cho bất kỳ chính phủ kế nhiệm nào ở Havana, Đạo luật Cải cách trừng phạt thương mại và xuất khẩu (2000).

Năm 1999, Tổng thống Bill Clinton đã mở rộng lệnh cấm vận thương mại bằng cách không cho phép các công ty chi nhánh của các công ty Mỹ ở nước ngoài buôn bán với Cuba. Năm 2002, cựu Tổng thống J. Carter đã kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt Cuba, nhưng Tổng thống G.W. Bush không những đã bác bỏ mà còn siết chặt hơn trong lĩnh vực thương mai.

Dưới thời Tổng thống B. Obama, quan hệ Mỹ-Cuba đã có nhiều dấu hiệu tan băng.

Ngày 21/1/2015, hai nước bắt đầu đàm phán bình thường hoá quan hệ. Ngày 11/4/2015, Tổng thống B. Obama và Chủ tịch R. Castro đã gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama. Ngày 20/7/2015, Mỹ và Cuba đã mở lại Đại sứ quán tại Thủ đô của nhau bị đóng cửa từ năm 1961. Nhiều lệnh cấm vận Cuba được dỡ bỏ. Ngày 20/3/2016, B. Obama trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Cuba kể từ chuyến thăm của Calvin Coolidge năm 1928, mở ra triển vọng kết thúc 55 năm thù địch giữa hai nước.

Tuy nhiên, tất cả đều bị lật lại nhanh chóng khi Tổng thống D. Trump thuộc đảng Cộng hoà lên nắm quyền.

Ngày 16/6/2017, D. Trump đã ban hành Bản ghi nhớ về An ninh quốc gia (NSPM) tăng cường chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cuba. Ngày 8/11/2017, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Kho bạc nhà nước đã siết chặt các biện pháp cấm vận chống Cuba theo NSPM. Từ năm 2018, lệnh cấm vận được thực hiện theo đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ (CAATSA) năm 2017.

Ngoài ra, Tổng thống D. Trump đã áp dụng thêm 243 biện pháp phong tỏa mới, cấm du khách Mỹ đến Cuba lưu trú trong các khách sạn thuộc sở hữu của chính phủ, không được mang về nước xì gà và rượu rum của Cuba, cấm người Mỹ tham dự hoặc tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị chuyên đề, các buổi biểu diễn công cộng cũng như các cuộc thi và triển lãm ở Cuba.

Sau khi nhậm chức tháng 1/2021, Tổng thống J. Biden cam kết sẽ đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm D. Trump đối với Cuba.

Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng, Washington nên xem xét giảm bớt các hạn chế, giúp cải thiện cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Cuba. Tuy nhiên, đến nay vẫn không có gì thay đổi. Nhà Trắng tuyên bố, việc định hướng lại chính sách của Mỹ đối với Cuba không phải là một trong những ưu tiên cao nhất của ông Biden.

Thiệt hại "nghìn tỷ đô"

Các biện pháp cấm vận kéo dài của Mỹ đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, nước sạch và thuốc men, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của dân thường Cuba, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Đây là hệ thống trừng phạt đơn phương bất hợp pháp và kéo dài nhất được áp dụng đối với một quốc gia trong lịch sử thế giới hiện đại. Lệnh cấm vận đã gây ra những thiệt hại to lớn đối với Cuba, khiến cho nhiều thế hệ người dân Cuba gặp muôn vàn khó khăn.

Đến nay, chưa thể đánh giá hết được những thiệt hại do cấm vận của Mỹ gây ra cho nến kinh tế Cuba. Tuy nhiên, theo tính toán của Cuba và một số tổ chức quốc tế, thiệt hại này là hết sức to lớn.

Đầu những năm 1990, khi Liên Xô và phe Xã hội chủ nghĩa tan rã, Cuba đã rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng chưa từng có. Tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Cuba giảm 34%. Từ năm 1989-1992, do Hội đồng Tương trợ Kinh tế (CMEA) giải thể, việc chấm dứt quan hệ đối tác thương mại truyền thống với các nước thuộc khối Liên Xô đã khiến kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Cuba giảm 61% và nhập khẩu giảm khoảng 72%. Năm 1992, Viện Nghiên cứu Kinh tế thuộc Uỷ ban Kế hoạch Trung ương Cuba công bố báo cáo cho biết, thời gian này riêng về thương mại Cuba ước tính đã mất hơn 28,6 tỷ USD.

Năm 2005, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Felipe Perez Roque tuyên bố, trong 44 năm bị phong tỏa, nền kinh tế Cuba thiệt hại 82 tỷ USD. Năm 2006 con số này đã lên tới 86 tỷ USD. Theo số liệu chính thức của Chính phủ Cuba, tính đến đầu tháng 12/ 2010, thiệt hại trực tiếp từ việc phong tỏa của Mỹ đã lên tới 104 tỷ USD.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Cuba ước tính lệnh cấm vận từ 1962-2017 đã gây thiệt hại 130 tỷ USD và nếu tính đến sự sụt giá của đồng USD so với vàng trong giai đoạn sau năm 1961 thì tổng số thiệt hại của nền kinh tế Cuba lên tới 975 tỷ USD.

Năm 2009, theo ước tính của chính phủ Cuba, kể từ khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận, thiệt hại của hòn đảo này lên tới 753,69 tỷ USD. Trong khi đó, một báo cáo của hãng truyền thông Al-Jazeera năm 2015 cho biết, lệnh cấm vận của Mỹ đã khiến nền kinh tế Cuba thiệt hại 1,1 nghìn tỷ USD trong 55 năm kể từ 1960.

Các lệnh trừng phạt, cùng với đại dịch lây lan và thiên tai bão lụt đang làm trầm trọng thêm các khó khăn tại Cuba. Cuba phải tiêu tốn thêm khoảng 2 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu lương thực với giá cao hơn gấp đôi so với giá thực tế.

Thông điệp từ thế giới

Từ năm 1992 đến nay, hàng năm với đa số phiếu áp đảo, Đại hội đồng LHQ đều thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Cuba. LHQ cho rằng, các biện pháp trừng phạt Cuba là trái với luật pháp quốc tế, vi phạm các nguyên tắc, mục đích và tinh thần của Hiến chương LHQ, đặc biệt là các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.

Mới đây nhất, ngày 3/11/2022, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bỏ phiếu chống lại một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong đó kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận kinh tế với Cuba. Nghị quyết nhận được sự ủng hộ của 185 nước và chỉ có hai nước chống. Mỹ và Israel chống, Brazil và Ukraine bỏ phiếu trắng.

Đây là lần thứ 30 bỏ phiếu kêu gọi Mỹ chấm dứt các lệnh cấm vận kinh tế Cuba. Khác với Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng gồm tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc và lá phiếu của mỗi nước có sức nặng ngang nhau.

Nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), các nước Mỹ Latinh và Canada đã chỉ trích gay gắt lệnh cấm vận của Mỹ chống Cuba. Ngay Ủy ban nhân quyền của Mỹ, trong báo cáo năm 2008, cũng đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba.

Năm 2002, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã đến thăm Havana. Năm 2016, Tổng thống Mỹ Obama, người được giải Nobel Hòa bình Nobel, cũng đã thăm Cuba. Cả hai ông đã kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Cuba. Năm 2015, Giáo hoàng Francis đã đến thăm Cuba. Đây là chuyến thăm thứ ba của một Giáo hoàng đến Cuba trong vòng chưa đầy 2 thập kỷ. Toà thánh Vatican luôn luôn kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Cuba.

Năm 2008, trong báo cáo của mình, Tổ chức ân xá quốc tế (Amnesty International) cho rằng, lệnh cấm vận "có tác động hết sức tiêu cực đến quyền của người dân Cuba được hưởng về kinh tế, xã hội và văn hóa, quyền được sống, được bảo vệ sức khỏe, quyền tự do đi lại giữa Cuba và Mỹ để đoàn tụ gia đình...cần phải được bãi bỏ. Năm 2009, tổ chức này cũng đưa ra một báo cáo đặc biệt về lệnh cấm của Mỹ vận đối với Cuba và kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận này.

Ban lãnh đạo cũng như người dân Cuba rất mong muốn thiết lập quan hệ láng giềng tốt đẹp với Mỹ. Nhân dân Mỹ và nhiều thế hệ lãnh đạo của nước Mỹ cũng muốn bình thường hoá quan hệ với Cuba vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Người Cuba đấu tranh cho tự do và độc lập xứng đáng được sống một cuộc sống tốt hơn. Cả thế giới kêu gọi Mỹ dỡ bỏ ngay các lệnh cấm vận chống Cuba. Không có bất cứ lý do nào để tiếp tục duy trì các lệnh cấm vận chống lại hòn đảo tự do này..!!

 

Đăng nhận xét

 
Top