Câu nói “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, ý nói cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) là những người luôn tiên phong, gương mẫu, mạnh dạn đi đầu trong mọi công việc, “đứng mũi chịu sào”, trăn trở, chăm lo cho cuộc sống nhân dân, chỉ khi nào nhân dân yên vui, hạnh phúc, lúc đó bản thân mới thảnh thơi để hưởng “cái vui sau thiên hạ”. Đây chính là bản chất của mối quan hệ không thể tách rời giữa đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, do lối sống ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, “nói không đi đôi với làm”, thậm chí còn “làm màu mị dân” của một bộ phận CB, ĐV, dẫn đến không chỉ xa rời nguyên tắc, mà còn “theo đuôi quần chúng”. Đây chính là căn bệnh nguy hiểm, cần nhận biết và kiên quyết loại bỏ.



Tác hại từ việc “ăn theo nói leo”

Nếu dư luận tạo ra hiệu ứng số đông theo xu hướng tích cực, nó có sức mạnh liên kết, thôi thúc, khích lệ mọi người cùng hướng đến những hành động tốt đẹp cho xã hội. Cụ thể có rất nhiều việc làm tốt, có giá trị nhân văn được một cá nhân hoặc tập thể đưa ra ý tưởng, sau đó lôi kéo theo nhiều cá nhân, tập thể khác thực hiện, giống như một đốm lửa nhỏ bùng lên thành một ngọn lửa lớn, ví như các phong trào thiện nguyện, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lụt bão, hay giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của nó cũng vô cùng ghê gớm, nếu không được kiểm soát.

Chắc hẳn chúng ta đã từng chứng kiến, không ít các tình huống, các sự việc mà một cộng đồng khá đông dân chúng rầm rộ chỉ trích một điều chưa rõ thực hư, hay bênh vực một số hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức truyền thống của ai đó, một cách đầy cảm tính mà không dựa trên kỷ cương, pháp luật Nhà nước. Điển hình là hô hào biểu tình, đập phá ở các khu công nghiệp Bình Dương, ở Hưng Yên; rồi ủng hộ tiền “Tổ đồng thuận” ở Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức; hay dậy sóng dư luận về một ca sỹ giới thiệu sắp cho ra mắt bộ phim “Ông hoàng nhạc Việt”; hoặc phản đối chủ trương chỉnh trang đô thị, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ của thành phố Hà Nội…

Điều đáng buồn hơn là khi “yêu” hoặc “ghét”, hay phản đối quy định, chính sách nào đó của chính quyền, họ sẵn sàng lên mạng kêu gọi để mạt sát, xúc phạm, rồi thì nhân danh bảo vệ “người yếu thế” một cách vô lối mà không biết rằng nhiều khi đang cổ xuý cái ác, cái tiêu cực, làm hại chính người mà họ bênh vực.

Thông qua một số sự việc, hiện tượng xảy ra gần đây, có một điều rất đáng quan tâm là sự a dua, hùa theo đám đông, trong đó có cả một số CB, ĐV. Biểu hiện rõ nhất ở CB, ĐV này là, có những phát ngôn “theo đuôi quần chúng”, đặt lợi ích trước mắt của một bộ phận quần chúng lên trên dù không đúng với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đưa ra những quan điểm, thông tin, phát biểu “gây bão” phù hợp với lợi ích cục bộ và tâm lý của một bộ phận quần chúng về các vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm; tập trung khoét sâu vào những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm của chính quyền trong công tác quản lý nhà nước, nhằm tạo sự chú ý của truyền thông tung hô, tạo ảnh hưởng lớn đến quần chúng.

Đồng thời đi đôi với đó, là “ve vuốt”, ca ngợi, phỉnh nịnh dân, coi việc gì quần chúng nhân dân làm cũng hay, lời nào của dân cũng đúng, nhằm tranh thủ, lợi dụng sự ủng hộ của nhân dân hòng tiến thân trên con đường danh lợi cá nhân. Dù mạnh miệng ủng hộ quần chúng, nhưng phía sau những CB, ĐV này chỉ nói chứ không đi đôi với làm, không triển khai được các giải pháp để thực hiện, không dám đấu tranh hoặc không dám ra quyết định vào thời khắc quan trọng theo thẩm quyền, trách nhiệm của mình, đúng như Lê-Nin đã chỉ ra là “theo đuôi quần chúng”.

Lắng nghe học hỏi, chứ không phải “theo đuôi”

Gần dân, lắng nghe nhân dân là điều không thể thiếu của người CB, ĐV, đây không chỉ là yêu cầu, mà còn nằm trong phương thức lãnh đạo của Đảng, bởi vì gần dân mới thấu hiểu được những thuận lợi, khó khăn, để từ đó có những chủ trương, biện pháp lãnh đạo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giúp dân ấm no, hạnh phúc, chứ không phải gần dân để “theo đuôi quần chúng”. Niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân chính là cội nguồn sức mạnh của Đảng, bởi tài sức của dân khi ở dạng tiềm năng, muốn chuyển hóa thành sức mạnh vật chất vô song trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thì Đảng phải biết lắng nghe và học hỏi, phải biết hy sinh, cống hiến hết mình để phục vụ nhân dân.

Để giúp phân biệt giữa việc lắng nghe, học hỏi với “theo đuôi quần chúng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “…dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiên tiến, có lớp chừng chừng, có lớp lạc hậu”. Do vậy, cho dù phần đông nhân dân đều rất tốt, biết “điều hay, lẽ phải” và hết lòng tin yêu Đảng, nhưng vẫn có một bộ phận dân chúng, do trình độ hạn chế, ít hiểu biết về pháp luật, lại có phần “nhẹ dạ” nên có thể bị một số đối tượng phản động lôi kéo, kích động, làm nảy sinh trong họ những suy nghĩ chưa đúng, những đòi hỏi và hành động cực đoan, quá khích.

Vì thế, Người nhấn mạnh, cán bộ phải biết lắng nghe dân, nhưng “cố nhiên, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”, mà phải có sự so sánh, phân tích kỹ lưỡng các ý kiến khác nhau của quần chúng nhân dân để “chọn lấy ý kiến đúng” và chuyển hóa thành chủ trương, đường lối phù hợp. Nên trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người viết: Dân chúng rất khôn khéo, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng… Mỗi khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng. Người cán bộ phải có tác phong quần chúng, sâu sát, tin yêu, tôn trọng quần chúng, bởi Đảng là từ quần chúng mà ra, vừa lãnh đạo vừa giáo dục lại vừa thường xuyên học hỏi quần chúng. Lắng nghe ý kiến quần chúng nhưng tuyệt đối không nên “theo đuôi” quần chúng.

Do đó, để trang bị cho CB, ĐV thế giới quan, phương pháp luận, nhìn nhận bản chất sự vật, hiện tượng một cách khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể; phân biệt rõ đúng sai, giúp CB, ĐV gần dân, biết lắng nghe, học hỏi từ nhân dân, khắc phục căn bệnh “làm màu” gần dân, “theo đuôi quần chúng”. Cấp ủy, các tổ chức Đảng cần làm tốt việc quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, nhất là tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho CB, ĐV về tư cách đạo đức, vai trò tiền phong, gương mẫu trong sinh hoạt, học tập và phát ngôn của người đảng viên.

Đồng thời, phải thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế về phát huy dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, đối thoại với nhân dân, giải quyết những kiến nghị, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; xử lý kịp thời, dứt điểm các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống nhân dân, các vụ tranh chấp, khiếu kiện đông người, phức tạp, không để tạo các dư luận xã hội bức xúc.

Uy quyền có thể làm người ta sợ chứ không thể làm người ta tin yêu, muốn nhân dân tin yêu thì cán bộ “phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Vì vậy, đối với mỗi CB, ĐV phải phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu, trong mỗi hành động và việc làm, phải ý thức rằng, bất kể từ việc lớn đến việc nhỏ, cử chỉ, hay phát ngôn của bản thân đều được nhân dân rất coi trọng, tin tưởng làm theo.

Do đó, CB, ĐV khi đứng trước một sự việc, hay một dư luận nào đó, cần bình tĩnh, tỉnh táo, nhìn nhận đánh giá một cách thấu đáo, để có hành động và phát ngôn phù hợp; những vấn đề nhân dân còn chưa hiểu rõ phải kiên trì giải thích, thuyết phục bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Từ đó, chuyển nhận thức của quần chúng lên thành tự giác, tạo sự đồng thuận đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân.

 

Đăng nhận xét

 
Top