Cuối tháng 6/2007, trên cương vị Chủ tịch Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam – ông Nguyễn Minh Triết sang thăm Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ Việt Nam sang thăm Mỹ sau khi Mỹ và Việt Nam chính thức nối lại bang giao.



Thời điểm đó, chuyện hoà giải và hoà hợp giữa Việt Nam và Mỹ và giữa những người Việt của 2 bên chiến tuyến sau bao nhiêu năm kể từ ngày miền Nam giải phóng vẫn còn nhiều gian nan, trắc trở. Trước chuyến đi, ông biết lành ít, dữ nhiều chuẩn bị ứng phó cho những tình huống xấu nhất.

Vừa đặt chân đến Mỹ, ông gặp bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Chưa kịp ngồi, bà Pelosi đã tuôn sa sả: “Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ nhưng Việt Nam cứ vi phạm dân chủ, vi phạm nhân quyền, làm những việc sai trái, Mỹ không thể chấp nhận...”

Nhìn thẳng vô mắt bà Pelosi, ông đáp nhỏ nhẹ: “Thưa bà, nếu nói về dân chủ, nhân quyền, Mỹ không đủ tư cách nói chuyện với Việt Nam đâu". Bà Pelosi sửng sốt: "Thế là thế nào?, ông dõng dạc nói tiếp: “Ngày trước, Mỹ mang bom đạn xâm lược Việt Nam, gây bao nhiêu mất mát, đau khổ cho Việt Nam, Việt Nam đã bỏ qua. Hôm nay, Việt Nam đã gác lại quá khứ, hướng đến tương lai. Còn hiện tại, Mỹ vẫn còn có quân ở Iraq, Afghanistan, ở nhiều nơi khác trên thế giới. Bom đạn vẫn còn nổ, máu vẫn còn đổ, người vẫn còn chết... Mỹ cũng vi phạm dân chủ, nhân quyền". Bà Pelosi im lặng. Hôm sau, ông gặp Tổng thống Mỹ G.Bush, ông Bush không đả động gì đến chuyện dân chủ, nhân quyền nữa, vui vẻ nhận cây đàn bầu Việt Nam do Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết trao tặng. Sau này các cuộc tiếp kiến của ông với các quan chức Mỹ đều êm xuôi. Họ tiếp đoàn Việt Nam rất nồng hậu.

Khó khăn nhất trong chuyến thăm Mỹ là buổi gặp gỡ, đối thoại của ông với hơn 1.000 người là Việt kiều ngay tại quận Cam bang California - thủ phủ "chống cộng” khét tiếng lúc đó. Trước những phần tử gây rối, làm những chuyện không hay ông vẫn điềm tĩnh nói với họ bằng tất cả trái tim của mình: “Bà con chính là máu thịt của Việt Nam. Chúng ta đều là con Rồng - cháu Tiên, cùng một dòng dõi... Đối với Mỹ, trước đây là kẻ thù không đội trời chung nhưng giờ đây mình còn gác lại quá khứ, hướng đến tương lai huống hồ người Việt Nam máu đỏ, da vàng, cùng chung dòng giống Âu Cơ, Lạc Hồng, mà lại đi đánh nhau, đi phá nhau à? Hãy cùng nhau xây dựng. Mẹ Việt Nam bao giờ cũng mở rộng cánh cửa chào đón bà con...”

Cả hội trường trầm lắng lại, không còn tiếng la ó. Ông nhìn xuống bà con: “Ở đời sinh ra phải làm gì? Chúng ta sinh ra không phải để mãi hận thù, để đánh nhau, mà sinh ra để thương yêu nhau, để cùng xây dựng đất nước phồn vinh hơn, cùng xây dựng một thế giới công bằng, ấm no, hạnh phúc chứ tối ngày cứ cãi vã nhau, đánh nhau để làm gì?".

Vừa kết thúc bài phát biểu, ông Nguyễn Cao Kỳ - nguyên Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975 bước lên bắt tay ông: “Ông nói hay quá. Từ trước tới giờ, tôi chưa phục ai hết nhưng nay tôi phục ông. Tôi tưởng rằng ngài Chủ tịch nước phát biểu bằng một bài diễn văn được viết sẵn. Không ngờ hôm nay, ngài Chủ tịch nước lại nói bằng trái tim, cho nên những lời lẽ, tình cảm đó là quá đủ rồi. Tôi mong bà con của mình hãy cùng nhau trở về, tận mắt xem Việt Nam đang xây dựng, đang phát triển như thế nào. Cái gì mình cần góp sức được cho đất nước thì mình góp sức". Kể từ ngày đó, kiều bào về nước ngày càng nhiều hơn, với bà con không ở đâu tự do, hạnh phúc bằng chính quê hương, Tổ quốc mình.

Từ đất nước Ukraine, nghĩ về Việt Nam. Đúng như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói: “Quốc gia nào khắc phục được mâu thuẫn nội tại sẽ tạo ra sức mạnh nội lực. Nơi nào mà dân tộc chia rẽ, đối địch nhau thì dù tài nguyên quốc gia có phong phú đến đâu, dân số đông đúc đến đâu cũng không thể tạo ra sức mạnh, không thể vững vàng”./.

 

Đăng nhận xét

 
Top