Phát biểu tại Hội nghị khoa học điều trị chứng hậu Covid-19 bằng phương pháp kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại do Hội Đông Y Việt Nam tổ chức ngày 30/3/2022, tại Hà Nội.



Theo GS-TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong số 203 di chứng do Covid-19 để lại thì tình trạng mệt mỏi chiếm hơn 80%, tiếp đến là xơ phổi 61%, hơn 50% số trường hợp gặp vấn đề về trí nhớ, 51% bị đột quỵ, 45% mất ngủ và 33% tổn thương thận cấp.

GS Kính cho biết tình trạng hậu Covid-19 thường xuất hiện sau 3 tháng kể từ ngày khởi phát triệu chứng và tồn tại kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác. Triệu chứng gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức và một vài triệu chứng khác ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi Covid-19 đã hồi phục hoặc tồn tại từ giai đoạn ban đầu. Đáng chú ý, các triệu chứng sẽ nặng hơn sau khi các hoạt động thể lực.

Ảnh hưởng của hậu Covid-19 tác động lên tất cả các cơ quan hô hấp, huyết học, tim mạch, thần kinh, nội tiết, tiêu hoá, da liễu (rụng tóc), hội chứng viêm đa hệ thống.

Cùng quan điểm, PGS-TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khẳng định tuy tỉ lệ người mắc Covid-19 do biến thể Omicron giảm mức độ nghiêm trọng đối với sức khỏe nhưng số lượng người mắc cao, trong đó nhiều người gặp tình trạng sau khi khỏi Covid-19 sức khỏe chậm phục hồi, có nhiều biểu hiện khác thường làm cho người bệnh gặp khó khăn để trở lại cuộc sống bình thường.

Ngoài ra, sau giai đoạn Covid-19 cấp tính, có tới 25% số bệnh nhân giảm hoạt động thể lực; ngoài ra 50-60% bệnh nhân sau mắc Covid-19 có triệu chứng hô hấp kéo dài đến khám được chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thấy có tổn thương. Các tổn thương hay gặp nhất là sương mù não (giảm trí nhớ), xơ hóa phổi, viêm phổi, dày các vách liên tiểu thuỳ… Những bất thường này có thể bị bỏ sót trên phim X-quang ngực thẳng thông thường.

Theo PGS Cảnh, các biểu hiện chủ yếu của hậu Covid-19 là tình trạng mất mùi vị kéo dài, ho, khó thở, đau ngực, bệnh phổi kẽ, tình trạng ban đỏ mề đay, trầm cảm, lo âu, hồi hộp, giảm trí nhớ, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp... Người bệnh thường tìm đến các phương pháp của y học cổ truyền và y học hiện đại cũng như phối hợp cả 2 phương pháp.

Từ thực tế điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện cho bệnh nhân hậu Covid-19, bác sĩ Trần Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa y học cổ truyền Hà Nội, cho biết thời gian qua bệnh viện kết hợp các bài thuốc đông y với y học hiện đại để điều trị cho bệnh nhân. Hiện nay mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 trường hợp đến khám, điều trị hậu Covid-19…

Nêu quan điểm trong việc giải quyết các vấn đề hậu Covid-19, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết đến nay không có bệnh hậu Covid-19 mà là tập hợp các rối loạn hậu Covid do nhiều cơ chế/tổn thương phối hợp. Do đó, việc điều trị phải cá thể hóa theo từng cơ chế bệnh sinh ở mỗi trường hợp, không có phác đồ chung cho tất cả bệnh nhân./.

 

Đăng nhận xét

 
Top