Những ngày gần đây, khi xung đột vũ trang xảy ra tại Ukraina, mạng xã hội xuất hiện vô cùng nhiều ý kiến, thậm chí “chia bè kéo cánh” theo nhiều hướng: “cánh” ủng hộ Nga, “cánh” ủng hộ Ukraina, “cánh” quan tâm cách ứng xử của Việt Nam, Mỹ, NATO, EU, Trung Quốc trước diễn tiến của cuộc xung đột này. Trước những biến động phức tạp của tình hình, Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hoan nghênh đối thoại giữa hai phái đoàn Ukraine - Nga. Đồng thời, trên tinh thần: “Thế giới hòa bình có thể thực hiện được nếu các nước trên thế giới, nhất là những nước lớn, đều sẵn sàng giải quyết những xích mích giữa các nước bằng thương lượng”[1], Việt Nam mong các bên sớm tìm được giải pháp hòa bình lâu dài phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Thực tế là:



Thứ nhất, ngày 02/3/2022, Việt Nam bỏ “phiếu trắng” với nghị quyết tại phiên họp đặc biệt ở Đại hội đồng Liên hợp quốc về tình hình Ukraine. Quan điểm của Việt Nam được nêu rõ tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 03/3, đồng thời lập trường này cũng đã được nêu rõ trong phát biểu của Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc - Đại sứ Đặng Hoàng Giang (tại phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 01/3). Quan điểm của Việt Nam về tình hình chiến sự tại Ukraina cũng chính là cách ứng xử của mọi quốc gia để bảo vệ lợi ích quốc gia- dân tộc trên cơ sở giá trị chung của nhân loại, của luật pháp quốc tế.

Sau sự kiện “phiếu trắng” này của Việt Nam, mạng xã hội lại “dậy sóng” những nhận định, đánh giá… mà một trong số đó là những phân tích, đánh giá dựa theo lời của blogger Nguyễn Hữu Vinh (tên gọi ‘Anh Ba Sàm’) trên VOA ngày 08/3/2022.

Có thể khẳng định, nhận định của Nguyễn Hữu Vinh rằng: Việt Nam bỏ “phiếu trắng” (mặc dù dựa trên lợi ích quốc gia, nhưng là "tính toán sai", là "so đo đồng tiền bát gạo", là "cách nhìn thực dụng ngu xuẩn", "thiển cận vì chỉ thấy lợi ích trước mắt") và "hậu quả của chọn sai" là "Việt Nam có nguy cơ rơi vào tình huống tương tự như Ukraine", vì "nếu không có sự chia sẻ cảm thông với người đồng cảnh ngộ với mình thì làm sao khối ASEAN và thế giới thông cảm với mình trong tương lai" thật hồ đồ; là không hiểu đúng về đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những phân tích, nhận định này là chủ kiến cá nhân, là sự suy luận một chiều của Nguyễn Hữu Vinh về hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Nó không dựa trên cơ sở đường lối đối ngoại của Đảng và cũng không hiểu đúng quan điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Nước ta là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới”[2]. Thực tế, “phiếu trắng” của Việt Nam không hề “gây thất vọng lớn cho nhiều người dân Việt Nam” như ông nhận định, mà trái lại thể hiện rõ một sự thật là Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết các vấn đề xung đột bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế (tuân thủ nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế…).

Việc Việt Nam là một trong 35 nước đã bỏ “phiếu trắng” ngày 02/3 chắc chắn không phải là cú "trượt chân khó đỡ" như nhận định của VOA, của Nguyễn Hữu Vinh mà đó chính là Việt Nam đang “tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam”[3]; trong đó có việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông hay xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina.

“Phiếu trắng” này cũng là minh chứng cho thấy, xuyên suốt và nhất quán trong hơn 90 năm qua, đường lối đối ngoại và việc thực hiện các hoạt động đối ngoại của Việt Nam đều được xây dựng và triển khai thực hiện trên cơ sở những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng. Đường lối đối ngoại của Đảng ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của thời đại; không chỉ thể hiện rõ bản sắc “ngoại giao cây tre” của Việt Nam, để Việt Nam không phải chịu sức ép, không biến thành “con bài” trên bàn cờ chính trị, mà còn góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, góp phần bảo vệ chủ quyền, lợi ích của quốc gia trên tinh thần bình đẳng và cùng có lợi.

Thứ hai, với Việt Nam, ngoại giao, đối ngoại luôn xuất phát từ việc đề cao các quyền dân tộc cơ bản về độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, hòa bình và chống chiến tranh xâm lược theo nguyên tắc Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế nhằm mục đích trên hết, trước hết là bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc.

Dù trong chiến tranh hay hòa bình thì Việt Nam đều thấu triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”[4] và luôn “sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình. Chúng tôi tin chắc rằng sự hợp tác đó sẽ có lợi cho cả đôi bên và có lợi chung cho công cuộc hòa bình toàn thế giới”[5]. Vì thế, việc xây dựng, củng cố và nâng cao thực lực của đất nước về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại, tính chính nghĩa, tôn trọng luật pháp quốc tế của dân tộc… dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn được chú trọng, để “cái chiêng” của Việt Nam đủ sức, đủ tầm làm cho cái “cái tiếng” của hoạt động đối ngoại được hiệu quả và lan tỏa.

Với điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay và việc kiên trì đường lối đối ngoại như đã nêu trên, có thể nói “phiếu trắng” ngày 02/3 chắc chắn không dẫn đến ‘hậu quả rất lớn’ trong quan hệ giữa Việt Nam với Nga như Nguyễn Hữu Vinh suy luận. Quyết định của Việt Nam chính là trong đối ngoại thì việc kiên định, kiên trì về mục tiêu chiến lược và linh hoạt, mềm dẻo về sách lược đều được thực hiện trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”; là mỗi quyết định đều dựa trên việc hiểu rõ rằng, “thuật ngoại giao là làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết” và “muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Việt Nam luôn là mục tiêu xâm lược của các thế lực ngoại bang. Trong bối cảnh là một nước nhỏ, người không đông lại phải đối phó với kẻ thù mạnh hơn ta về nhiều mặt, thì muốn giành, giữ vững, bảo vệ được độc lập dân tộc, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc (vùng đất, vùng trời, vùng biển) và đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thì ở vào những thời điểm cụ thể, trong những hoàn cảnh cụ thể, các hoạt động đối ngoại phải được xử lý một cách linh hoạt và mềm dẻo trên cơ sở nhân nhượng, thỏa hiệp có nguyên tắc; đồng thời triệt để lợi dụng mâu thuẫn nội bộ của đối tượng, mâu thuẫn về lợi ích của các đối tượng, để vừa phân hóa và cô lập kẻ thù vừa lôi kéo thêm đồng minh. Việc bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản phải gắn với tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của quốc gia; gắn với mọi nỗ lực để không làm bùng phát những bất lợi gây ra xung đột trong quan hệ quốc tế, làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và sự phát triển của đất nước. Đặc biệt là phải kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng để đảm bảo lợi ích quốc gia- dân tộc.

Tựu trung lại: Mỗi một quyết định của Việt Nam nói chung, “phiếu trắng” ngày 02/3 nói riêng đều được cân nhắc cẩn trọng, xem xét toàn diện vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Chắc chắn, đó không phải “là ‘đường lối đối ngoại sai lầm’, ‘sự lỡ trớn’ của Hà Nội trong thời gian dài khi ngả qua Nga quá nhiều” như blogger Nguyễn Hữu Vinh quy chụp. Cho nên, những điều Ba Sàm lập luận và suy diễn mới chính là cách nhìn của người không đặt độc lập dân tộc, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam làm trọng; mới là không thực hiện đúng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng để kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; mới là không tuân thủ nguyên tắc 4 không trong quan hệ quốc phòng (không đứng bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự; không tham gia liên minh quân sự; không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) thể hiện rõ trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019./.

St

 

Đăng nhận xét

 
Top