Mặc dù không nắm rõ chính sách phòng, chống dịch COVID-19 của Đảng, Nhà nước ta cũng như không tham gia đóng góp công sức vào công cuộc chống dịch gian nan, vất vả của mọi tầng lớp trong xã hội, tuy nhiên, một số trang tin, tài khoản mạng xã hội, điển hình như Đài Á châu Tự do (RFA) đăng tải nhiều bài viết sai lệch, phiến diện về công tác phòng, chống dịch.



Những bài viết này còn hướng lái dư luận, kéo theo đó là hiệu ứng đám đông, “a dua” trên mạng xã hội khiến cho người đọc hiểu sai lệch về chính sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Mỗi khi Chính phủ hay các bộ, ban, ngành đưa ra chính sách, chủ trương mới về phòng, chống dịch COVID-19, dù chưa hiểu rõ và cũng không nắm chắc các cơ sở đề xuất về các chính sách đó nhưng nhiều đối tượng chống đối chính trị, đối tượng phản động, các trung tâm truyền thông thiếu thiện chí lại nhanh chóng đưa ra các quan điểm trái chiều, sai lệch, gây phân tâm dư luận.

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 05/3/2022, Bộ Y tế đã đề xuất tạm dừng thông báo số ca nhiễm hằng ngày để tránh gây hoang mang. Và đây cũng là đề xuất được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó nhiều chuyên gia về lĩnh vực y tế cũng đã được báo chí trao đổi và thông tin cụ thể tới dư luận người dân. Ngay sau khi Bộ Y tế đưa ra đề xuất thì trên website của RFA đăng bài viết cho rằng “Số ca nhiễm COVID-19: Dừng công bố nhưng đừng bí mật, giấu giếm”.

Bài viết này đã lập luận, đưa ra nhiều quan điểm không trung thực với tình hình thực tế dịch bệnh hiện nay ở nước ta, trong đó trích dẫn phát ngôn của một số người nhằm cố tình hướng lái dư luận, chỉ trích về chính sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Bài viết vu cáo: “Ở Việt Nam thì mọi chủ trương công bố hay không công bố (số ca nhiễm COVID-19) thì nó thuộc về vấn đề chính trị, chứ không phải vấn đề chuyên môn. Ngành y chỉ là một ngành chuyên môn, họ công bố nhiều hay ít, công bố đúng sự thật hay công bố khác đi đều có chỉ đạo của lãnh đạo đảng CSVN...”. Bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội facebook, nhiều đối tượng chống đối chính trị đã vào “a dua”, cổ súy để nhằm tăng “độ tin cậy” cho nguồn thông tin, từ đó đánh lạc hướng dư luận, vu khống chính sách phòng, chống dịch COVID-19 của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Một số tài khoản mạng xã hội facebook của các đối tượng chống phá Nhà nước tìm cách miệt thị: “Chế độ cộng sản không bao giờ làm việc minh bạch, còn người dân thì sẽ mãi trượt dài trong những bí mật ấy”; “Bây giờ họ cho nhiễm tràn lan rồi, các công ty F0 không triệu chứng vẫn đi làm bình thường, các cháu nhỏ vẫn đi học ở nhiều nơi, đơn cử như Sài Gòn không đi học thì bị đuổi”… Rồi nhiều bình luận vu cáo, giờ người dân nên tự mình lo lấy, dịch bệnh đã “bung, toang” không trông đợi gì ở Đảng, Nhà nước.

Các quan điểm mà RFA đưa ra dường như đã có một ekip của các phần tử chống phá phụ họa để tạo nên hiệu ứng đám đông và đó cũng là lý do tại sao có một số người bị các đối tượng này lôi kéo vào tư tưởng chống phá chế độ, trở thành con rối bị tiêu khiển. Cần thấy rằng trước đó, cũng trên RFA và nhiều trang mạng khác đã chỉ trích việc Bộ Y tế thống kê số ca nhiễm hiện nay là lỗi thời, cho rằng đó là sự bảo thủ của Nhà nước. Nay khi quan điểm ngừng thống kê được đưa ra, cũng chính họ lại nói ngược lại!

Thực tế, việc suy diễn, bôi nhọ công tác phòng, chống dịch bệnh là mảnh đất mà các đối tượng thù địch, chống phá ra sức lợi dụng từ hơn 2 năm nay, kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, bùng phát. Ở mỗi giai đoạn, các đối tượng lại mở các “chiến dịch” nhắm vào những vấn đề nóng, nổi cộm để hướng lái dư luận, để người dân có suy nghĩ, quan điểm không đúng về Đảng, Nhà nước, gây sự chia rẽ, mất niềm tin.

Năm 2021, khi dịch bệnh bùng phát, gây hậu quả nghiêm trọng tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam, các đối tượng tung ra hàng loạt bài viết xuyên tạc biện pháp phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước như xuyên tạc sự tăng cường lực lượng chống dịch của Quân đội, Công an; vu cáo Đảng, Nhà nước không lo cho dân, để dân đói rét, chết dịch; suy diễn, quy chụp việc dịch bệnh bùng phát do “Đảng, Nhà nước thờ ơ, bỏ mặc dân”… Tới nay, khi dịch bệnh bước vào giai đoạn mới với quan điểm thích ứng an toàn, những luận điệu chống phá lại chuyển sang hướng chỉ trích như nêu trên.

Đáng nói, một số suy diễn cho rằng, việc bí mật, giấu giếm thông tin hay công bố bao nhiêu ca nhiễm là “vấn đề chính trị chứ hoàn toàn không phải thuộc về chuyên môn”. Cách suy diễn vấn đề như vậy là sai trái theo tư duy chủ quan của một vài cá nhân có động cơ xấu. Từ trước đến nay, RFA cùng một số kênh truyền thông khác ở hải ngoại như VOA, RFI, được lập nên với mục đích thúc đẩy nhanh chiến lược “diễn biến hòa bình”, xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Với động cơ, mục đích đó, họ sẵn sàng bất chấp bịa chuyện, biến không thành có, đổi trắng thay đen và không bao giờ cảm thấy có lỗi khi nói sai sự thật. Nhiều bài viết đăng tải lại của những cá nhân thù địch, chống phá Việt Nam, phần lớn những bài này thông qua hư cấu, thu thập thông tin tài liệu một chiều để rồi dựng lên các sự việc không trung thực, suy diễn, bôi nhọ nhằm gây dư luận xấu về tình hình chính trị, xã hội ở Việt Nam.

Trở lại việc Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về vấn đề tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày vào ngày 05/3 vừa qua xuất phát từ nhiều lý do. Trong đó, đề xuất này nhằm tránh gây hoang mang cho người dân, vì đây chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh. Việc cân nhắc để đưa ra ý kiến dựa trên khả năng chuyên môn, công khai, minh bạch và các ý kiến đều được bàn bạc kỹ lưỡng trước khi quyết định đề xuất Thủ tướng Chính phủ và đồng thời không làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch hiện nay ở nước ta. Hơn nữa, nhiều chuyên gia trên lĩnh vực y tế cũng đưa ra các ý kiến khách quan và được người dân hưởng ứng về vấn đề này.

Theo TS.Trần Thanh Tùng (Đại học Y Hà Nội), việc xem số liệu hằng ngày đã thành thói quen của người dân. “Tuy nhiên khi con số đã không còn chính xác, không đánh giá đúng tình trạng dịch bệnh và không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay thì chúng ta nên gỡ bỏ. Tại nhiều nước họ đã không còn công bố ca nhiễm hằng ngày nữa. Bộ Y tế chỉ nên công bố số ca nặng phải nhập viện và tử vong hằng ngày mà không cần phải công bố ca mới chung”.

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, việc này là phù hợp, dừng công bố số ca nhiễm nhưng các nhà quản lý và ngành y tế có thể vẫn thống kê hàng ngày hoặc áp dụng phương pháp giám sát dịch bệnh khác như giám sát điểm, báo cáo số liệu của từng địa phương... Như vậy, các chủ trương công bố hay không công bố xuất phát từ các ý kiến rất khách quan, thông qua chuyên môn của ngành y tế. Và mục đích cuối cùng trong mọi chính sách phòng, chống COVID-19 của Đảng, Nhà nước ta đều là giảm thiểu đến mức thấp nhất của tác động của đại dịch đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, thích ứng, linh hoạt phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới cũng đã ngừng công bố các ca nhiễm COVID-19 hàng ngày, trong đó tại Đông Nam Á, Singapore đã thực hiện chính sách này từ tháng 12/2021.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm và là vấn đề đặt lên hàng đầu, xuyên suốt kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Ở mỗi giai đoạn của dịch bệnh, các chính sách đó lại được xem xét thay đổi phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tế, đáp ứng linh hoạt vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Những thành công về công tác phòng, chống dịch cùng với việc phổ cập vaccine ngừa COVID-19 đã tạo ra môi trường sống thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Rõ ràng, tất thảy những luận điệu mà các trung tâm truyền thông thù địch đưa ra đều với mục đích xấu nhằm tạo ra làn sóng dư luận đi ngược lại với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho người dùng mạng khi tiếp cận với các nguồn thông tin, cần có sự tỉnh táo nhận diện, kiểm chứng, không cổ súy, hùa theo quan điểm sai trái, nguy hại…

CAND

 

Đăng nhận xét

 
Top