“Pháp môn Diệu âm” đã hoạt động và có ảnh hưởng đến nhiều địa phương như: Hà Nội, Lào Cai, Bạc Liêu, Thanh Hóa, cần Thơ, Bình Thuận, Đà Nẵng, Lai Châu, Cà Mau, Hà Giang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Tuyên Quang, Đồng Nai…, với mục đích trục lợi về kinh tế; có màu sắc chính trị; chia rẽ tôn giáo, dân tộc.



“Pháp môn Diệu âm” còn có tên gọi khác là Hội Thiền Định quốc tế Master Ruma; người sáng lập là Trần Tâm còn có các tên gọi khác: Saint John, Trấn Yăn Tom, Trần út Huỳnh Long, Tom Trần, Master Ruma, sinh ngày 22/10/1972 tại Kiên Giang, là Việt Kiều Mỹ. Trần Tâm là “sứ giả” của “Thanh Hải Vô Thượng sư”, nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam hoạt động tuyên truyền phát triển “Thanh Hải Vô thượng sư”.

Năm 1997, trong vụ án “Nguyễn Thùy Dương” và đồng bọn hoạt động tuyên truyền chống chế độ Xã hội chủ nghĩa”, Trần Tâm bị Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố vì đã tham gia, tổ chức in, phát hành tài liệu, băng hình…, trong đó có hành vi chống chế độ Xã hội chủ nghĩa. Đối tượng Trần Tâm sau đó đã được bảo lãnh, xuất cảnh và sau đó bị đưa vào diện cấm nhập cảnh Việt Nam từ 1997-2002.

Năm 2004, Trần Tâm bị “Thanh Hải Vô thượng sư” khai trừ khỏi tổ chức do vi phạm giới luật. Đối tượng sau đó đã về Campuchia lập “Pháp môn Diệu âm”. Sau khi thành lập đã tìm cách liên lạc, lôi kéo đồng tu của “Thanh Hải vô thượng sư” ở trong nước tham gia “Pháp môn Diệu Âm”.

Về nguồn gốc, “Pháp môn Diệu âm” được tách ra từ “Thanh Hải Vô thượng sư” – là một hiện tượng tôn giáo mới có nguồn gốc hình thành từ Ấn Độ, được một tu sĩ đạo Silk ở Ấn Độ truyền giảng, sau đó Thanh Hải kết hợp với giáo lý của Phật giáo, Công giáo, pha tạp và tạo nên “Thanh Hải vô thượng sư”.

Trần Tâm từng phục vụ cho “Thanh Hải vô thượng sư” nên sau khi vi phạm giới luật và bị Thanh Hải khai trừ ra khỏi tổ chức, Trần Tâm đã tách ra và lập nên hiện tượng tôn giáo mới “Pháp môn Diệu âm” dựa trên cơ sở và hình thức tu luyện giống “Thanh Hải vô thượng sư”; cùng tranh giành ảnh hưởng về tín đồ và phạm vi hoạt động. Thực chất đây là biến tướng của “Thanh Hải vô thượng sư”.

Trụ sở chính của “ Pháp môn Diệu âm” ở Campuchia đứng đầu là Trần Tâm, xây dựng hệ thống chân rết ở nhiều quốc gia. Về nghi thức, “Pháp môn Diệu âm” tuyên truyền ăn chay, ngồi thiền, nhập tâm những điều sư phụ dạy, nhằm cảm nhận âm thanh, ánh sáng xung quanh mình, biến nó thành những điều kỳ diệu có thể rũ bỏ ưu phiền, chữa lành các loại bệnh. Tín đồ thực hiện ăn chay, ngồi thiền.

Từ năm 2004 – 2007, Trần Tâm nhiều lần thay đổi họ, tên để nhập cảnh vào Việt Nam. Sau đó, lợi dụng hoạt động từ thiện để tuyên truyền, phát triển “Pháp môn Diệu âm”; lôi kéo số đồng tu của “Thanh Hải vô thượng sư” ở trong nước trước đây tham gia. Năm 2006, lấy danh nghĩa “Đoàn nghiên cứu văn hóa tâm linh”, Trần Tâm đến một số cơ quan, trường học và một số địa phương tại Việt Nam để thuyết giảng và hướng dẫn pháp thiền. Năm 2007 tại Sóc Sơn (Hà Nội), Công an TP. Hà Nội phát hiện Trần Tâm đang thuyết pháp, truyền đạo cho 56 người ở Hà Nội và một số tỉnh… đã lập biên bản đối với Trần Tâm về hành vi hoạt động trái mục đích nhập cảnh, buộc xuất cảnh trước thời hạn và đưa vào diện đối tượng chưa được nhập cảnh (20/8/2007-20/8/2012). Sau đó, tiếp tục gia hạn thời gian (20/12/2012-20/8/2018).

Năm 2010, Trần Tâm tiếp tục thông qua tổ chức khóa tu tại Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Mỹ… để tuyên truyền, phát triển “Pháp môn Diệu âm”, củng cố đức tin của một số tín đồ cũ.

Trần Tâm thông qua mạng Internet để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Trần Tâm để nhiều người tiếp cận và tìm hiểu và tham gia hoạt động. Trần Tâm đồng thời chỉ đạo số tín đồ trong nước làm từ thiện tại các vùng bị thiên tai, lũ lụt, khó khăn về đời sống, vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền, đăng tin trên các trang quảng bá hình ảnh về “Pháp môn Diệu âm”.

Số tín đồ theo “Pháp môn Diệu âm” đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển đạo thông qua việc phát báo miễn phí, bán băng đĩa, tặng ảnh, lôi kéo số đông tín đồ “Thanh Hải vô thượng sư” tham gia. Tại một số tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương phát hiện có một số hoạt động của nhóm này tại Công ty cổ phần N tại Cần Thơ – Công ty này hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Vào năm 2007, chủ tịch hội đồng quản trị công ty đến thăm công ty và chỉ đạo giám đốc công ty, tổ chức cho nhân viên ăn chay ít nhất mỗi tuần 1 ngày (thứ hai hàng tuần), ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, đồng thời cử người hướng dân cho nhân viên cách ngồi thiền theo “Pháp môn Diệu âm”. Hoạt động “Pháp môn Diệu âm” ở Công ty này là bắt buộc. Theo đó, hầu hết cán bộ, nhân viên không ai muốn theo và đã có rất nhiều người đã xin nghỉ việc ở Công ty, trong đó có giám đốc chi nhánh.

Thông qua xác minh có 25 người tin theo “Pháp môn Diệu âm” ở Bắc Giang (Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam). Những người tham gia chủ yếu thông qua mạng Internet để tìm hiểu và tập theo PMDA, việc tu tập chủ yếu là ăn chav và tu thiền tại gia vào các ngày chủ nhật hàng tuần tại “Thiền đường”. Ở Bắc Giang chưa hình thành điểm nhóm sinh hoạt “Pháp môn Diệu âm”. Khi có chương trình sinh hoạt tại “Thiền đường” hoặc sang nước ngoài (Thái Lan, Lào, Campuchia) thì người đại diện nhóm sinh hoạt “Thiền đường” thông báo cho bà N.T.P -giáo viên nghỉ hưu tại xã Đại Hóa, huyện Tân Yên. Thông qua bà N.T. P thông báo cho những người theo “Pháp môn Diệu âm” ở Bắc Giang biết và đăng ký. Khóa sinh hoạt thường kéo dài khoảng 1 tuần, kinh phí tự túc.

Hoạt động của “Pháp môn Diệu âm” tại tỉnh Bắc Giang diễn ra chủ yếu tại một số nơi thuộc các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa… với hoạt động chủ yếu là xuất cảnh ra ngoài để “Thọ ấn”, tham gia “Cộng tu” do ông Trần Tâm trực tiếp giảng dạy.

Đầu năm 2016, có 5 người theo “Pháp môn Diệu âm” xuất cảnh sang Lào tham gia khóa “Cộng tu” lần thứ 32 của PMDA gồm: Nguyễn Thị Hiền (SN 1960, ở thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên); Nguyễn Thị Điểm (1939, ở xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên); Ngô Thị Phương (SN 1959, xã Đại Hóa, Tân Yên; Nguyễn Thị Bình (1957) xã Tân Dĩnh, Lạng Giang; Bùi Thị Thuận (SN 1957) ở tại TP. Bắc Giang.

Từ 8/11/2016 đến 19/11/2016, có 5 người xuất cảnh sang Thái Lan tham gia lớp “Cộng tu” diễn ra trong 5 ngày do ông Trần Tâm trực tiếp giảng dạy; kinh phí mỗi người là 5 triệu đồng do “Đồng tu” tại Hà Nội tổ chức. Trong thời gian ở Thái Lan, nhóm “Pháp môn Diệu âm Việt Nam” có khoảng 230 người được các “Sư huynh đồng tu” ở Thiên đường Thái Lan đón tiếp, bố trí nơi ăn, nghỉ, hàng ngày được nghe Trần Tâm giảng đạo 2 tiếng đồng hồ, sau đó tự ngồi thiền tĩnh tâm 3 tiếng đồng hồ.

Từ 28/1/2017 đến 2/5/2017 có 16 người ở xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang xuất cảnh sang Campuchia tham gia lớp “Cộng tu”. Từ năm 2011 đến nay, một số người đã xuất cảnh đi Campuchia để gặp gỡ nhận tâm ấn Trần Tâm; đã xuất bản 500 bản sách “Con đường đem đến sự giải thoát” và có tờ báo ở Hà Nội đăng bài đưa cuộc sống từ bất ổn về với bĩnh yên, nhân ngày Phật đản năm 2011, trong đó ca ngợi sư phụ Trần Tâm và đạo “Pháp môn Diệu âm”. Trần Tâm đẩy mạnh công tác tuyên ừuyền “Pháp môn Diệu âm” và có tác động không nhỏ đến nhiều địa phương trong nước.

Ngay khi bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam, Trần Tâm tìm cách xây dựng cơ sở tại Campuchia, Thái Lan, Lào để chờ cơ hội trở về Việt Nam. Hội Thiền sinh “Minh sư Ruma” Việt Nam của Trần Tâm được lập vào đầu tháng 11/2017 trên facebook với 1200 thành viên ảo. Mỗi khi Trần Tâm giảng đạo ở các nước CamPuchia, Lào, Thái Lan, Myanma, các thành viên ở Việt Nam đều đựợc thông báo trước để tham gia dưới hình thức du lịch hoặc trực tiếp nghe Trần Tâm nói chuyện qua Internet. Năm 2018, có hàng nghìn lượt người Việt Nam xuất cảnh theo Trần Tâm hoằng pháp ở Mỹ, Đức, Cộng hòa Séc, Myanmar…, tham gia khóa tu, lễ xuất gia, truyền tâm ấn, Lễ Vu lan ở Thái Lan (khoảng 1.000 lượt), Lào (khoảng 200 lượt), Campuchia (khoảng 1000 lượt). “Pháp môn Diệu âm” đã hoạt động và có ảnh hưởng đến nhiều địa phương như: Hà Nội, Lào Cai, Bạc Liêu, Thanh Hóa, cần Thơ, Bình Thuận, Đà Nẵng, Lai Châu, Cà Mau, Hà Giang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Tuyên Quang, Đồng Nai…

Mục đích trục lợi về kinh tế; có màu sắc chính trị; chia rẽ tôn giáo, dân tộc, lợi dụng uy tín và những mối quan hệ trước đây, lúc đang là đệ tử cho “Thanh Hải vô thượng sư”, Trần Tâm móc nối lại vói các đối tượng để phát triển tổ chức. Thành phần tin theo chủ yếu là những người trung và cao tuổi, những người kinh doanh nhỏ lẻ.

 

Đăng nhận xét

 
Top