Những ai theo dõi bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, người gây bão trên MXH nhờ những buổi livestream thu hút hàng triệu người xem trong suốt một năm qua, đều có thế nhận thấy rằng văn hóa của không ít cư dân mạng ở Việt Nam đang có khá nhiều vấn đề.
Bà
Phương Hằng bị Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố và bắt tạm giam ngày 24/3/2022,
vì hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước,
quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình
sự. Cụ thể là, bà Hằng đã tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp trên nền tảng MXH
với những nội dung thông tin sai sự thật, liên quan đến đời tư của người khác,
trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân
phẩm của nhiều cá nhân, tổ chức.
Ai
cũng biết những lợi ích to lớn của MXH, nhưng không phải ai cũng để ý hết đến
những mặt tiêu cực mà MXH có thể gây ra cho xã hội và cho chính bản thân người
sử dụng. Trường hợp của bà Hằng là một trong những ví dụ điển hình. Trong những
buổi phát trực tiếp trên mạng FaceBook và YouTube, bà Hằng đã tự ý buộc tội
nhiều cá nhân, trong đó có những văn nghệ sĩ nổi tiếng, nhà báo…, nhưng thực tế
là, cho đến nay những người mà bà “vạch mặt, chỉ tên” trên MXH đều đã được các
cơ quan chức năng điều tra và kết luận không vi phạm pháp luật.
Người
có tội hóa ra lại chính là bà Hằng. Tội của bà Hằng thực ra đã được cư dân mạng
chỉ rõ từ nhiều tháng nay, đó là bà chỉ kể tội người khác mà không đưa ra được
bất cứ bằng chứng cụ thể nào, hơn thế nữa bà lại sử dụng rất nhiều ngôn từ mang
tính xúc phạm, miệt thị. Thậm chí, bà còn lấy tên của một số người mà bà ghét
để đặt tên cho những con chó đua, ngựa đua tại một sự kiện giải trí gần đây do Công
ty Đại Nam tổ chức.
Những
việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của bà Hằng rồi sẽ được các cơ quan có
trách nhiệm xét xử và kết luận cụ thể, nhưng chắc chắn vụ việc này đã mang thêm
một lời cảnh tỉnh sâu sắc cho nhiều người sử dụng MXH trong nước, những người
còn suy nghĩ rất đơn giản về MXH, những người chỉ coi đó là một sân chơi mà ai
cũng thể tham gia và muốn nói gì thì nói, muốn xúc phạm ai thì cứ việc xúc phạm
mà không phải lo chịu trách nhiệm gì trước pháp luật.
Không
phải là không có căn cứ khi kết quả một cuộc khảo sát của Microsoft công bố vào
giữa năm 2021 chỉ ra rằng Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ
văn minh thấp nhất trên không gian mạng. Nhiều người sử dụng mạng trong nước đã
ngay lập tức phản đối kết quả của cuộc khảo sát này bằng những lời lẽ rất thiếu
văn hóa, cho thấy văn hóa của nhiều cư dân mạng ở Việt Nam đúng là có vấn đề
thật.
Những
hành xử không đúng mực của người sử dụng MXH ở Việt Nam có thể thấy ở hầu hết
các mặt của đời sống, kể cả các vấn đề chính trị. Liên quan đến cuộc chiến đang
diễn ra tại Ucraina, những tranh luận không dứt kèm theo rất nhiều lời lẽ công
kích, thóa mạ nhau trên MXH giữa những người có quan điểm khác nhau về vấn đề
này không những làm bộc lộ những hạn chế về kiến thức chính trị, mà còn về văn
hóa ứng xử cũng như ý thức trách nhiệm của nhiều người trước những vấn đề quan
trọng của đất nước. Thậm chí, không ít người đã lợi dụng sự kiện Ucraina để chỉ
trích đường lối đối ngoại của Việt Nam, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước một
cách vô căn cứ.
Nhiều
người còn nhớ những hành vi thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật của nhiều người sử
dụng MXH liên quan đến việc xúc phạm, miệt thị những người bị mắc virus Corona
cách đây khoảng 2 năm. Không chỉ họ, mà gia đình họ, người thân của họ cũng bị
lôi ra để xỉ vả một cách không thương tiếc trên các trang MXH. Hay những cuộc
tấn công dữ dội cùng nhiều bình luận khiếm nhã của cư dân mạng nhằm vào
Facebook cá nhân của một số trọng tài nước ngoài cầm còi các trận đấu có Việt
Nam tham dự tại vòng loại World Cup 2022. Những hành vi xấu xí của cư dân mạng
có thể đã ảnh hưởng không ít đến hình ảnh người Việt Nam trong con mắt cộng
đồng quốc tế.
Trở
lại vụ bà Phương Hằng, không biết những người đã từng hết lòng ủng hộ bà Hằng,
bất kể bà nói gì, làm gì, những người đã từng a-dua theo bà Hằng và có những
bình luận mang tính miệt thị, xúc phạm danh dự, nhân phẩm một cách vô cớ những
cá nhân, tổ chức trên MXH, hiện đang suy nghĩ gì về những điều họ đã làm. Không
biết họ đã nhận ra rằng MXH là một sân chơi chung có luật lệ đàng hoàng, chứ
không phải chỉ là sân chơi của riêng một cá nhân hay một nhóm người nào đó?
Hiểu
biết là một quá trình. Không dễ để trở thành những người sử dụng MXH thông thái
trong ngày một, ngày hai, nhưng có một điều mà bất cứ ai đều cần phải biết khi
tham gia không gian mạng, đó là không có tự do ngôn luận một cách tuyệt đối, tự
do ngôn luận không có nghĩa là tự do xúc phạm, làm hại người khác và tự do nào
cũng phải trong khuôn khổ của luật pháp nước sở tại./.
Đăng nhận xét