Thực tiễn của cách mạng Việt Nam gần 92 năm qua đã chứng tỏ, ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ trí tuệ, bản lĩnh, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang. Có được ghi nhận tạc vào sử sách đó là một phần nhờ Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, xem đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định đến sức mạnh, uy tín của chính đảng cầm quyền.



1. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng xác định cần “phát triển và củng cố Đảng”, mở lớp huấn luyện cán bộ đảng, tăng cường phát triển đảng viên mới, thi hành kỷ luật đối với các đảng viên vi phạm… Nhờ đó, đã xây dựng được hệ thống tổ chức Đảng vững mạnh, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên kiên trung, tiên phong, gương mẫu, sâu sát, gắn bó mật thiết với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân trong thời khắc “xoay bản lề” của lịch sử - Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, công cuộc xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được thực hiện nghiêm túc. Trong đó, vụ tử hình Trần Dụ Châu, khi ấy mang hàm Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu (Bộ Quốc phòng) vào tháng 9-1950 vì hành vi tham nhũng, cho thấy rõ quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Nhờ đó, Đảng đã lãnh đạo toàn dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Bước vào thời kỳ đổi mới, quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng để xứng đáng là đảng cầm quyền của Đảng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các lĩnh vực xây dựng Đảng như: Tư tưởng, lý luận; chính trị; tổ chức, bộ máy, công tác cán bộ; đạo đức, tác phong… được thực hiện đồng thời. Mỗi một kỳ đại hội, hàng hoạt những quy định mới lại được hoàn thiện, bổ sung và nâng tầm để Đảng ta ngày càng “là đạo đức, là văn minh”. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đảng. Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là cơ bản, “chống” quyết liệt hiệu quả, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TƯ ngày 15-5-2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 08-QĐi/TƯ ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”... Nhờ đó, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được nâng lên, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố.

Thời gian qua, để xây dựng Đảng, việc kết hợp giữa “xây” và “chống” được đẩy mạnh. Riêng nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức Đảng và 87.000 đảng viên; xử lý kỷ luật hơn 3.200 cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, trong đó có hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý. Ngành Thanh tra, Kiểm toán qua công tác chuyên môn đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 580.000 tỷ đồng, gần 9.000ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 9.700 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hơn 480 vụ việc có dấu hiệu phạm tội.

Những kết quả toàn diện, đồng bộ, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ đã góp phần quan trọng làm cho Đảng ta đoàn kết, thống nhất hơn; trong sạch, vững mạnh hơn; củng cố, tăng cường hơn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Kết quả tổng hợp của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế, tạo nền tảng và cơ sở vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Tuy nhiên, Đảng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong công tác xây dựng Đảng thời gian qua, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Chính “một bộ phận không nhỏ” này đã và đang làm suy yếu Đảng, vô hình trung trở thành những kẻ tiếp tay đắc lực nhất cho các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Vì thế, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là “cuộc chiến” không ngừng nghỉ.

2. Ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng đã đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn ở mức cao hơn. Ngay đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng đã đưa ra một loạt quyết sách mới trong lĩnh vực này. Đó là Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18-5-2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Kết luận số 14-KL/TƯ ngày 22-9-2021 về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 37-QĐ/TƯ ngày 25-10-2021 về “Những điều đảng viên không được làm”; Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Gần đây nhất là Quy định số 41-QĐ/TƯ ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Đây là định hướng quan trọng để cán bộ, đảng viên và các tổ chức Đảng quyết tâm đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa… trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị.

Với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới đây đã kỷ luật 11 tướng lĩnh Cảnh sát biển có sai phạm, vi phạm trong quá trình công tác. Gần đây là sự việc ông Đàm Quang Vinh, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai và ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) bị khai trừ Đảng do sống buông thả, vi phạm chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên ở các hình thức khác nhau.

Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nêu một luận điểm hết sức đáng lưu ý. Đó là Trung ương đã mở rộng, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong hệ thống chính trị; không chỉ đối với đảng viên và các cấp ủy, tổ chức Đang mà còn mở rộng ra cả đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị, nhất là ở các cơ quan thực thi pháp luật, những đối tượng có chức, có quyền, những nơi có nhiều đặc quyền, đặc lợi, kể cả các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Với quyết tâm đó, Chính phủ đang từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về cán bộ, công chức; về thi đua, khen thưởng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm với động cơ trong sáng, vì lợi ích chung...

Để thực hiện thắng lợi quan điểm trên, yêu cầu đặt ra đối với mỗi cán bộ, đảng viên là vừa phải nắm vững chủ trương của Đảng, vừa phải thể hiện quyết tâm cao, ra sức nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Điều quan trọng nhất là mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước.

Kinh nghiệm cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng. Người đứng đầu phải gương mẫu làm trước và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp, phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá", "hạ bệ" nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác. Mọi thái độ nể nang, né tránh, "bắt tay dưới gầm bàn", hoặc lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng đắn và không được phép để xảy ra.

Một Đảng biết “tự soi, tự sửa” để hoàn thiện mình là một đảng chân chính. Để chăm lo thế nước, vun đắp lòng dân, để Đảng xứng đáng “là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ giúp những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra sớm trở thành hiện thực.

 St

Đăng nhận xét

 
Top