Vào dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đón Tết Nhâm Dần và kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là lúc chúng ta cùng giai cấp công nhân và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới chào mừng kỷ niệm 174 năm tác phẩm bất hủ “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do C. Mác và Ph. Ăngghen soạn thảo, được công bố tháng 2 năm 1848.



Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (viết tắt: Tuyên ngôn) đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa Mác - hệ tư tưởng của giai cấp vô sản; là “tác phẩm gối đầu giường của những người công nhân có tri thức” và là cương lĩnh chính trị của các Đảng Cộng sản và của giai cấp công nhân thế giới, một nội dung cơ bản trong nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử và chịu sự chống phá dữ dội từ nhiều phía của “các loại kẻ thù lớn, nhỏ đối đầu với chủ nghĩa Mác”, đặc biệt là sự chống phá của chủ nghĩa cơ hội, xét lại nhưng Tuyên ngôn vẫn tỏ rõ sức sống của tác phẩm vĩ đại, vẫn vẹn nguyên giá trị mang thông điệp thời đại với mục tiêu cao cả là phấn đấu thực hiện lý tưởng cộng sản.

Thực tiễn chứng minh rằng, trong 174 năm qua, với nhiều âm mưu, thủ đoạn, các thế lực thù địch càng ra sức chống phá thì giá trị, ý nghĩa của Tuyên ngôn càng tỏa sáng, càng tỏ rõ sức sống mãnh liệt của một công trình khoa học, cách mạng. Thái độ, quan điểm, sự hận thù của những người chống phá, xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Tuyên ngôn đã thể hiện sự tự thú về sự bất lực và đầu hàng thảm hại. Thế nhưng, quan điểm sai trái và tác hại của sự chống phá Tuyên ngôn nói riêng, chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung là không thể xem thường. Nó luôn nhắc nhở những người cộng sản “đừng bao giờ vứt bỏ vũ khí một khi kẻ thù còn âm mưu chống phá”, phải tiếp tục cầm súng và cầm bút chiến đấu để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cũng như trước đây, âm mưu, thủ đoạn chống phá Tuyên ngôn hiện nay được các thế lực thù địch tập trung vào mấy điểm sau đây:

Một là, phủ nhận giá trị và ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn: Đòn tấn công đầu tiên mang ý nghĩa đánh phủ đầu để phủ định sạch trơn giá trị và ý nghĩa khoa học, cách mạng của Tuyên ngôn là chống phá những nội dung, tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn về sự phù hợp hay không phù hợp của chủ nghĩa Mác đối với thời đại hiện nay. Chúng tập trung bài xích, xuyên tạc và tuyên truyền luận điểm: Tuyên ngôn là của quá khứ, chỉ phù hợp với thế kỷ XIX - XX, không phù hợp với thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chúng cho rằng, quan niệm của C. Mác và Ph. Ăngghen đã cũ, lỗi thời, là của quá khứ và toàn bộ tư tưởng nêu trong Tuyên ngôn không còn sức sống nên giai cấp công nhân hiện đại không cần Tác phẩm này. Lý lẽ sai trái trên thể hiện:

(1) Cố tình thổi phồng sự kiện chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ, để tuyên truyền sự “cáo chung” của học thuyết mác xít về đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội và lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó, tung tin rằng tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn không còn “đất diễn”, không còn lý do gì để Tuyên ngôn tồn tại trong thế giới đương đại.

(2) Giai cấp công nhân không còn sứ mệnh lịch sử toàn thế giới, bởi giai cấp công nhân đã mất vai trò lịch sử và không còn là giai cấp trung tâm của thời đại. Khoa học công nghệ hiện đại và nền kinh tế tri thức đã đưa trí thức lên vị trí trung tâm, thay thế giai cấp công nhân, lãnh đạo thế giới.

(3) Thang giá trị của thời đại mới không còn đề cao vai trò quyết định của sản xuất vật chất, của đại công nghiệp cơ khí mà đề cao ưu thế nổi trội của trí thức, của lao động bằng chất xám và vị thế của các tầng lớp khác trong xã hội khi họ trở thành những mắt xích không thể thiếu của sợi dây chuyền tư bản gắn chặt với nền kinh tế số, kinh tế tri thức.

(4) Hiện nay, giai cấp tư sản đã biến nhiều tầng lớp, giai cấp lao động trong xã hội thành trí thức - những người chủ sản xuất, được trả lương hậu hĩnh, có cổ phần ở công ty, có tài sản, sống sang trọng, đài các. Cho nên, trong chế độ tư bản không còn đối kháng giai cấp và mâu thuẫn giai cấp, cho nên không cần phải đấu tranh giai cấp. Điều đó có nghĩa là “không còn chỗ cho Tuyên ngôn tồn tại, chủ nghĩa Mác đã hết thời”.

Những luận điểm sai trái, ngông cuồng nêu trên là hết sức phi lý, không thể chấp nhận, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh để vạch trần sự ngụy biện xảo trá, lừa bịp ấy; kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ giá trị của Tuyên ngôn.

Hai là, phủ nhận tư tưởng giai cấp và đấu tranh giai cấp, khếch đại tư tưởng “hiếu chiến”, tuyên truyền tính bạo lực, “sự đẫm máu” của Tuyên ngôn khi cho rằng C. Mác và Ph. Ăngghen vì muốn mau chóng giành thắng lợi trước giai cấp tư sản nên “đã tuyệt đối hóa và thổi phồng vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp”, coi nó là tư tưởng chủ đạo của Tuyên ngôn nên coi thường vấn đề dân tộc và đấu tranh dân tộc. Vì sự xem nhẹ đấu tranh dân tộc nên hầu hết các Đảng Cộng sản đã nhấn mạnh vấn đề đấu tranh giai cấp, không quan tâm phát triển sản xuất cũng như văn hóa, xã hội.

Với cái nhìn phiến diện, một chiều, đầy thiên kiến, cảm tính, các thế lực thù địch đã tầm thường hóa vai trò của Tuyên ngôn, lờ đi những giá trị của Tuyên ngôn. Để phản bác lại quan điểm sai trái ấy, C. Mác và Ph. Ăngghen cho rằng: Giai cấp vô sản cần nhận thức đúng mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, giữa trách nhiệm dân tộc và nghĩa vụ quốc tế của giai cấp công nhân. Vì thế, “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc…”.

C. Mác và Ph. Ăngghen dạy rằng, cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản không phải là cuộc đấu tranh dân tộc nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc bởi trước hết, giai cấp vô sản mỗi nước phải thanh toán cho xong giai cấp tư sản nước mình đã. Lý tưởng cao đẹp của giai cấp vô sản không chỉ là giai phóng giai cấp mà còn phải giải phóng xã hội, giải phóng con người, giải phóng nhân loại. Nếu giai cấp vô sản muốn giải phóng mình thì phải đồng thời giải phóng cả xã hội khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công.

Ba là, vu cáo Tuyên ngôn của C. Mác và Ph. Ăngghen đòi xóa bỏ ngay mọi hình thức tư hữu. Với quan điểm sai trái này, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền theo kiểu “nhồi sọ”, làm cho nhiều người hiểu sai học thuyết Mác về tư hữu và xóa bỏ tư hữu. Hơn thế, nhiều người đã hiểu không đúng về C. Mác và Ph. Ăngghen và căm thù các ông. Vạch trần sự xảo trá này, C. Mác và Ph. Ăngghen khẳng định: Dưới chủ nghĩa xã hội không bao giờ có chuyện xóa bỏ chế độ tư hữu nói chung mà chỉ xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản “dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những người kia”. Theo C. Mác và Ph. Ăngghen: sự tồn tại chế độ người áp bức, nô dịch người trong xã hội có đối kháng giai cấp là một thực tế khách quan bởi nó là một hiện tượng xã hội, mang tính lịch sử, do sự phát triển của sức sản xuất sinh ra và quy định. Vì vậy, người ta không thể vì nóng vội mà đòi thủ tiêu chế độ tư hữu ấy ngay lập tức vì người ta “không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu”.

Tại sao các loại kẻ thù lớn, nhỏ của chủ nghĩa Mác lại bài xích, công kích, chống đối Tuyên ngôn một cách quyết liệt như vậy?

Bởi vì, Tuyên ngôn đã phát hiện:

(1) Các quy luật vận động, phát triển của xã hội và lịch sử, chỉ ra tương lai của chủ nghĩa cộng sản; vai trò và sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân; tính tất yếu bị phủ định, bị diệt vong của chủ nghĩa tư bản và tất thắng của chủ nghĩa cộng sản.

(2) Tuyên ngôn là tác phẩm đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa Mác, là cương lĩnh chính trị của giai cấp công nhân trên toàn thế giới; là lời hiệu triệu giai cấp vô sản toàn thế giới liên hiệp lại, thực hiện thông điệp cao cả: xóa bỏ mọi sự áp bức, bóc lột, bất công; xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp: chủ nghĩa cộng sản.

(3) Tuyên ngôn là tác phẩm chứa đựng lý luận nền tảng của chủ nghĩa Mác, trong đó thể hiện sinh động cơ sở triết học, nhất là quan niệm duy vật về lịch sử, phương pháp biện chứng duy vật và ý nghĩa của nó trong xem xét, đánh giá các vấn đề chính trị - xã hội, đề cao vai trò cải tạo thế giới bằng thực tiễn cách mạng. Kinh tế chính trị cung cấp cơ sở phương pháp luận để xem xét ngọn nguồn “bí mật” của “quan hệ hàng hóa, giá trị thặng dư” và nguồn gốc của bóc lột sức lao động, phương thức xóa bỏ sự bất công do chế độ bóc lột sinh ra. Chủ nghĩa xã hội trình bày những nguyên lý cơ bản về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và vai trò, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân...

Tất cả điều đó đã và đang làm cho giai cấp tư sản và các lý luận gia của nó “sôi lên như đỉa phải vôi”, không thể chịu đựng nổi lời tuyên bố, giá trị và ý nghĩa khoa học, cách mạng của Tuyên ngôn nên cố tình tìm cách ngăn cản, chặn lại sự ảnh hưởng và sức mạnh vô địch của Tuyên ngôn bằng bất cứ giá nào.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917; sự ra đời của hệ thống thống các nước xã hội chủ nghĩa và sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa, bằng sự thành công của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba và Lào đã và đang chứng tỏ Tuyên ngôn là ngọn đuốc lý luận soi đường, dẫn dắt phong trào cách mạng tiến lên. Đồng thời, xác nhận những luận cứ khoa học mà C. Mác và Ph. Ăngghen đã nêu trong Tuyên ngôn là hoàn toàn đúng đắn; là cơ sở để bác bỏ mọi quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc giá trị, ý nghĩa của Tuyên ngôn.

Đối với cách mạng Việt Nam, Tuyên ngôn có vị trí đặc biệt quan trọng, trước hết là sự tiếp thu tinh thần Tuyên ngôn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thông qua đọc, nghiên cứu và tiếp thu nội dung “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin”. Nhờ đó, Bác Hồ đã tìm thấy con đường đấu tranh giải phóng dân tộc là cách mạng vô sản; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh dù thế giới có đổi thay, song Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn là cương lĩnh, là ngọn cờ chiến đấu của những người cộng sản chống lại mọi sự giả dối, bất công vì tất cả những gì nhân văn, tốt đẹp nhất. Vì lẽ đó, tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn sống mãi./.

 

Đăng nhận xét

 
Top