Ngày 17/02/1979, Trung Quốc mang đại quân gần 600.000 quân sang Việt Nam để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Họ dùng chiến thuật biển người và rất tự tin có thể “sáng ăn cơm Bắc Kinh, chiều ăn cơm Hà Nội, tối ăn cơm Sài Gòn”, thế nhưng họ đã lầm, đã đánh giá quá thấp tinh thần và lực lượng của Việt Nam và kết quả là Trung Quốc mới là kẻ nhận được những bài học xương máu.



Binh pháp Tôn Tử viết: “Người giỏi dùng binh cần tránh nhuệ khí của địch, khi địch uể oải, mệt mỏi thì tấn công chúng. Đó là phương pháp đối phó với khí thế của địch, hay quân nghiêm chỉnh của ta đối phó với quân hỗn loạn của địch, lấy quân trấn tĩnh của ta đối phó với quân ồn ào của địch, lấy quân nhàn nhã của ta đối phó với quán mệt mỏi của địch, dùng phương pháp tiếp cận chiến trường của ta để đối phó với sự di chuyển từ xa tới của địch, lấy quân no đủ của ta mà đối phó vối quân đói khát của địch. Không nên đón đánh quân địch có đội hình chặt chẽ, không nên tiến công quân địch có thế trận nghiêm chỉnh…”

Binh Pháp là do người tàu viết ra, thế nhưng chính họ lại không chịu học tiền nhân của họ và chúng ta thì “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Những ngày đầu, Trung Quốc thế như chẻ tre và họ bắt đầu ảo tưởng sức mạnh, trước khi bị chúng ta phản kích và tiêu diệt. Báo Quân đội Nhân dân tháng 4 năm 1979 ước lượng tổng thương vong của quân Trung Quốc là 62.500 người. Họ tháo chạy về nước mà chẳng dạy cho Việt Nam bài học nào ngoài việc quân Trung Quốc thảm sát nhân dân ta ở các tỉnh biên giới phía Bắc, phá hoại nghiêm trọng cơ sở hạ tầng…

1. NGUYÊN NHÂN

Trung Quốc cay cú vì Việt Nam hợp tác toàn diện, là đồng minh của Liên Xô, mà Xô - Trung thì cơm không lành, canh không ngọt; chúng ta từ chối thẳng thừng việc ký hiệp ước chống Liên Xô.

Trung Quốc cay cú vì quân đội ta đánh tan Pôn Pốt, lực lượng tàn ác, diệt chủng do Trung Quốc nuôi dưỡng. Trung Quốc đã dùng kế “vây ngụy để cứu Triệu”, đánh Việt Nam để bắt buộc quân chủ lực của chúng ta ở Campuchia phải quay về ứng cứu (kế này ngày xưa Tôn Tẫn dùng để đánh bại và sát hại Bàng Quyên ở gò Mã Lăng, thời chiến Quốc bên tàu); với mong muốn tạo điều kiện cho Pôn Pốt trỗi đầu dậy khi đại quân ta rút.

Trung Quốc chưa bao giờ muốn chúng ta thống nhất; họ chỉ muốn miền Bắc nước ta là nơi làm phên dậu cho họ như kiểu Triều Tiên, phụ thuộc vào họ chứ chẳng hề muốn một nước Việt Nam thống nhất, hùng mạnh. Họ đánh ta để làm suy yếu sức ta và nhầm tưởng rằng quân đội chủ lực ta đang ở Campuchia thì chúng ta dễ dàng bị thôn tính.

Thời kỳ này đất nước Trung Quốc đang cần đổi mới, họ bắt tay với Mỹ để phát triển kinh tế và họ chứng minh cho Mỹ thấy thiện chí của họ đối với Mỹ, họ đánh đất nước vừa khuất phục người Mỹ để thỏa lòng Mỹ.

2. TRUNG QUỐC TỪ KẺ ĐÒI ĐI DẠY HỌC VÀ CUỐI CÙNG TRỞ THÀNH HỌC TRÒ “TIỂU HỌC” TRÊN CHIẾN TRƯỜNG VIỆT NAM

Trung quốc với lợi thế về người và số lượng vũ khí, khí tài hung hăng tiến sang như muốn ăn tươi, nuốt sống chúng ta nhưng kinh nghiệm chiến đấu thì chỉ là con đom đóm nếu so với ánh trăng rằm Đại Việt Nam. Chúng ta vừa khuất phục người Pháp, Mỹ, kinh nghiệm chiến tranh nhân dân đã ăn vào máu người dân; Quân ta chủ yếu là bộ đội địa phương và dân quân du kích đã nướng chín hơn 62.500 quân tàu. Buộc chúng phải rút về nước khi cụ Tôn Đức Thắng vừa ra lệnh tổng động viên và đại quân ta đang tiến về nước từ Campuchia. Nếu chậm trễ trong việc rút quân thì có lẽ chặt hết cây trên núi Thái Sơn cũng không đủ làm quan tài chôn quân bành trướng vì họ không phải là đối thủ của Bộ đội chủ lực chúng ta, những người lính thiện chiến nhất thế giới thời kỳ đó.

Không quân Trung Quốc không dám xuất kích vì họ hiểu rõ J16, J17 không phải là đối thủ của Mic21, Sam2, Sam3. Họ hiểu rằng nếu mang không quân xâm lược Việt Nam thì quy mô chiến tranh sẽ lớn lên; họ không muốn sa lầy rồi chết thảm như Pháp, Hoa Kỳ. Họ khiếp sợ lưới lửa phòng không ở miền Bắc, nơi đã từng biến niềm tự hào của không lực Hoa Kỳ thành đồ nhôm.

3. VÌ SAO TRUNG QUỐC KHÔNG DÁM MANG QUÂN VÀO THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Trung Quốc không dám mang quân xuống Hà Nội vì nếu làm thế thì quy mô cuộc chiến sẽ đẩy lên rất to. Người Việt Nam sẽ tử chiến để bảo vệ Thủ đô. Trong lịch sử đã có những lần người Trung Quốc chịu thất bại tủi nhục khi mang binh từ Lạng Sơn xuống Thăng Long, tuyến đường này không còn có nhiều núi đồi, nhìn có vẻ thuận lợi nhưng lại là cái bẫy đối với kẻ xâm lược. Liễu Thăng thời nhà Minh bị triệt đường vận lương, bị phục kích và mất đầu khi giao chiến với quân đội của vua Lê Thái Tổ là ví dụ điển hình.

Nếu Trung Quốc liều lĩnh mang binh vào Hà Nội, chắc chắn Liên Xô có đủ thời gian để tập kích biên giới phía Bắc của họ. Lúc đó Xô - Việt là đồng minh chiến lược, có hiệp ước tương trợ lẫn nhau.

Họ sẽ phải đối diện với bộ đội chủ lực của ta, lúc này đã di chuyển từ Campuchia về. Bộ đội ta anh dũng, thiện chiến, kinh nghiệm trận mạc đầy mình. Pháp, Mỹ còn thua chạy dài thì Trung Quốc chẳng là gì. Chưa kể lực lượng dự bị động viên, dân quân du kích dồi dào của ta lúc đó. Nếu xuống Hà Nội thì đó sẽ là nghĩa trang vạn lý dành cho quân bành trướng.

Vũ khí, khí tài của Trung Quốc thời đó lạc hậu, kém xa ta. Với địa hình đồng bằng, hoả lực phát huy tối đa, Trung Quốc sẽ bị nướng chín. Hơn nữa, họ sẽ bị triệt đường vận lương, bị chia cắt và chết vì đói.

Từ kẻ đòi “dạy cho Việt Nam bài học”, Trung Quốc trở thành “người học trò” trước lực lượng chủ đạo là dân quân du kích gồm các cụ, các mẹ, các chị và bộ đội địa phương. Họ bị chặn đánh không kịp thở, quân đội thì ô hợp, thiếu kinh nghiệm chiến đấu; vũ khí tuy nhiều nhưng không hiện đại bằng chúng ta; là kẻ xâm lược, bành trướng nên quân tàu không có khí chí chiến đấu. Chiến tranh biên giới phía Bắc là nơi quân tàu bộc lộ nhiều điểm yếu chí tử và họ thất bại là sự tất yếu.

Song hổ giao tranh, tất hữu nhất thương; chúng ta chiến thắng nhưng các tỉnh biên giới bị tàn phá nặng nề; chúng ta hy sinh nhiều của, nhiều người và phải mất nhiều năm mới khắc phục được hậu quả chiến tranh và đến 1991 ta mới bình thường hóa quan hệ với họ. Chiến tranh là điều không ai muốn vì khi nó xảy ra thì ngọc đá đều tan. Ôn lại lịch sử chứ không kích động hận thù. Ôn lại để càng thêm yêu quý giá trị của hòa bình, tri ân cha ông đã hiến máu xương để có ngày hôm nay. Tất nhiên, chủ quyền quốc gia là bất biến, là bất khả xâm phạm; nếu có bất cứ thế lực nào muốn xâm lược nước ta thì chắc chắn hào khí Việt Nam lại trỗi dậy và cái kết cho kẻ xâm lược sẽ đắng như cái cách mà người Pháp, Mỹ, Trung Quốc từng nhận./.

LCB

 

Đăng nhận xét

 
Top