Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Nghị quyết số 52) đi vào cuộc sống, thể hiện quyết tâm đổi mới tư duy và hành động của Ðảng, nhằm tận dụng có hiệu quả các cơ hội thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao… Ðó chính là các giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp tạo "cú huých" thúc đẩy quá trình phát triển và hội nhập.



Với lộ trình cho từng giai đoạn, đến năm 2025, năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 52 đề ra tám nhóm chủ trương, chính sách từ đổi mới tư duy đến hoàn thiện thể chế; từ phát triển hạ tầng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển ngành, công nghệ, bố trí nguồn lực chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nghị quyết là căn cứ để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia; Ban Bí thư ban hành Quyết định về Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng. Sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt cho thấy, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết, cấp bách trên mọi phương diện.

1. Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi số là sự chuyển đổi toàn bộ hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số, thông qua những ứng dụng, phần mềm, nền tảng số. Chuyển đổi số làm thay đổi thói quen, chính vì thế, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư không chỉ là cách mạng về công nghệ, thật ra còn là cách mạng về thể chế và chính sách. Việt Nam sớm nhìn nhận cơ hội và chuyển hóa thành văn bản chỉ đạo của Ðảng, chiến lược, chương trình, chính sách của Chính phủ. Chương trình chuyển đổi số quốc gia thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước; phát triển kinh tế số, xã hội số.

2. Hành động cụ thể và hiệu ứng kép

Khó khăn bởi dịch Covid-19 đã hình thành bối cảnh thúc đẩy các hoạt động trên môi trường số ở tất cả lĩnh vực, ngành nghề. Những hình dung về chính phủ số, kinh tế số, xã hội số dần đi vào cuộc sống từ những hoạt động hằng ngày. Xã hội đã quen với việc học tập, kinh doanh trực tuyến, họp hành không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy; giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc hay thanh toán dịch vụ không sử dụng tiền mặt… Chuyển đổi số thật sự đã tạo ra những giá trị mới và hiệu quả vượt trội.

Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số mới đây, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã truyền đi thông điệp: "Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có tên, có sứ mệnh, có những nhiệm vụ, công việc cụ thể. Niềm tin mà đất nước, Chính phủ đặt vào chúng ta là rất lớn. Bây giờ là hành động, hành động nhanh và hiệu quả".

Với những giải pháp đồng bộ và toàn diện mà Ðảng, Chính phủ đã đề ra, lộ trình đạt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tuy rõ ràng nhưng còn không ít khó khăn. Bởi mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Nhiều hạn chế, bất cập đến từ thể chế, chính sách, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực, cũng như khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thật sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội… Phá bỏ rào cản để tiến lên bằng tinh thần chủ động, có sự hỗ trợ đắc lực của khoa học công nghệ sẽ tạo đột phá. Áp lực thay đổi đặt ra đề bài buộc cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa để tìm ra lối đi phù hợp, bắt kịp tốc độ của kỷ nguyên số, để không bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển và hội nhập./.

 

Đăng nhận xét

 
Top