Trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc. Cùng với sự dịch chuyển trọng tâm quyền lực, các nước lớn cạnh tranh gay gắt, thực hiện can thiệp linh hoạt hơn, kiềm chế, ngăn chặn lẫn nhau để xác lập vị thế. Trong bối cảnh đó, để thực hiện mưu đồ của mình, các thế lực thù địch tiếp tục điều chỉnh chiến lược “diễn biến hòa bình” trên nhiều phương diện ngày càng tinh vi hơn.



Hiện nay, thế giới đang chứng kiến nhiều sự thay đổi sâu sắc. “Do tác động của đại dịch COVID-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới”(2). Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, dưới nhiều hình thức mới, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Hợp tác, cạnh tranh, sự va chạm, cọ xát, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, các trung tâm quyền lực ngày càng gia tăng. Trong cách thức tiến hành, các nước lớn coi trọng sử dụng “quyền lực thông minh”, kết hợp giữa “quyền lực cứng” (chỉ huy, cưỡng bức, định đoạt dựa trên sức mạnh kinh tế, quân sự) với “quyền lực mềm” (khả năng thuyết phục, thu hút, tạo ảnh hưởng dựa trên sự hấp dẫn của giá trị) một cách uyển chuyển, khôn khéo. Trong bối cảnh quốc tế và các khu vực diễn biến phức tạp, khôn lường đó, để thực hiện mưu đồ của mình, các thế lực thù địch tiếp tục điều chỉnh chiến lược “diễn biến hòa bình” dưới một bộ mặt mới, ngày càng bộc lộ rõ sự tinh vi, xảo quyệt và vô cùng thâm độc.

Bộ mặt mới của chiến lược “diễn biến hòa bình” hiện nay

- Thứ nhất, chủ thể và lực lượng tiến hành “diễn biến hòa bình” trong bối cảnh mới rất đa dạng, phức tạp, đan xen, không đồng nhất.

- Thứ hai, đối tượng chống phá của chiến lược “diễn biến hòa bình” được mở rộng và phương thức tiến hành đã có sự chuyển đổi. “Diễn biến hòa bình” trong tình hình mới không những nhằm vào các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa, mà còn chuyển sang chống phá các nước có chế độ chính trị mà chủ thể tiến hành cho là không phù hợp với lợi ích, giá trị, “khuôn mẫu” của họ. Đó là những nước độc lập, có chủ quyền nhưng “cứng đầu”, “không cùng quỹ đạo”, không tuân theo sự chỉ huy, chỉ đạo của họ, không có lợi cho họ trong giải quyết các vấn đề quốc tế.

- Thứ ba, mục tiêu và động cơ chính trị của chiến lược “diễn biến hòa bình” đã có sự dịch chuyển và mở rộng hơn. Mặc dù mục tiêu cao nhất, suy đến cùng của chiến lược “diễn biến hòa bình” là lật đổ chế độ chính trị, xã hội của các nước “không cùng quỹ đạo”, nhưng hiện nay, do sự tác động của các mối quan hệ quốc tế phức tạp, đa tầng nấc, nhiều cấp độ giữa các nước, các tổ chức, sự chế ước của các quy tắc, chế định quốc tế, khu vực; khi chưa lật đổ được chế độ chính trị thì “diễn biến hòa bình” sẽ nhằm đến mục tiêu thấp hơn là thay đổi đường lối, chính sách; cài cắm lực lượng thân cận vào bộ máy cầm quyền; làm phức tạp hóa thành phần lãnh đạo; thay đổi tính chất quốc gia, dân tộc khác theo hướng phục vụ lợi ích của chủ thể tiến hành. Trong đó, thay đổi bộ máy cầm quyền nước khác là mục tiêu trọng yếu hiện nay và để làm được điều này, chiến lược “diễn biến hòa bình” đã có những điều chỉnh mới gắn với “công nghệ lật đổ” cực kỳ tinh vi, phản động.

Từ sự ra đời của học thuyết chính trị “phản kháng phi bạo lực” (phản kháng hòa bình), ngay lập tức, các “nhà dân chủ”, “nhà tiến bộ xã hội” phương Tây coi đó là “bảo bối thần kỳ”, “công cụ hữu hiệu” để lật đổ chính quyền ở nhiều quốc gia trong không gian hậu Xô-viết thông qua cái gọi là “cách mạng sắc màu” vào những năm 2004 - 2006; sau đó thay đổi chính thể của hàng loạt quốc gia ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi vào năm 2011 với cái tên mĩ miều “Mùa xuân Ả rập”. Đó không có gì khác là bạo loạn phi vũ trang bắt nguồn từ “diễn biến hòa bình”, là “kỹ năng lật đổ” thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh - một “dị bản” của việc kết hợp “diễn biến hòa bình” với bạo loạn lật đổ.

- Thứ tư, đối với biện pháp tiến hành “diễn biến hòa bình” hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng “công cụ mềm”, “quyền lực thông minh” thay cho chính sách “cây gậy và củ cà rốt” kém hiệu quả trước đây. Đây là những biện pháp mới,rất linh hoạt, mang tính tổng hợp trên các phương diện và nảy sinh trong xu thế các nước thay đổi cách thức sử dụng quyền lực và sự trỗi dậy của trào lưu dân túy, xu hướng bảo hộ thương mại trong quan hệ quốc tế.

- Thứ năm, về công cụ mới để thực hiện “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch coi trọng sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông.

Tập trung xây dựng Đảng vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” gắn với ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là vấn đề mang tính nguyên tắc, giữ vai trò quyết định trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam trong tình hình mới./.

 

Đăng nhận xét

 
Top