Giá trị văn hóa đạo đức là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc; đã soi sáng con đường giải phóng và phát triển đất nước, là một trong những nền tảng vững chắc để Đảng Cộng sản Việt Nam vạch ra đường lối và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ ở từng thời kỳ cách mạng.
Văn
hóa đạo đức trước hết là một bộ phận, thành tố của văn hóa tinh thần xã hội.
Giá trị văn hóa đạo đức là những giá trị, chuẩn mực đạo đức in đậm trong nhận
thức, hành động của cộng đồng, được xã hội thừa nhận và được thể hiện thông qua
hành vi của con người.
Xét
trên cả góc độ hệ thống giá trị, truyền thống và lịch sử dân tộc thì văn hóa
đạo đức là một hệ thống trọn vẹn các giá trị được hình thành và phát triển
trong suốt quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Đó là lý tưởng, chính
sách, lối sống nhân đạo; hoà bình, hòa hợp, dân chủ; lòng nhân ái, vị tha, tính
lương thiện; là lương tri, đạo lý; là tuyên ngôn, tiếng nói, chữ viết... Những
giá trị đó được hình thành và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ
nước và không dễ bị “hòa tan” trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.
Trong
Thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô ngày 27/1/1947, Hồ Chí Minh đã viết:
“…Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại
biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh
thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê
Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay
các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống
Việt Nam muôn đời về sau”(1). “Cái tinh thần bất diệt” mà Hồ Chí Minh khẳng
định trong Thư chính là một giá trị văn hoá đạo đức xã hội xuất phát từ truyền
thống dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta.
Đảng
ta xác định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc
của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và
bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh”(2).
Trong
tình hình mới, để phát huy giá trị văn hóa đạo đức của con người Việt Nam trong
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII,
chúng ta cần chú trọng thực hiện có chất lượng, hiệu quả một số nội dung sau:
Một
là, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân.
Giống
như mọi quốc gia - dân tộc, yêu nước là lý tưởng thiêng liêng, lẽ sống cao đẹp,
là tình cảm chủ đạo và định hướng giá trị cho hành động và cách ứng xử của con
người Việt Nam. Đây là giá trị tiêu biểu hàng đầu trong văn hóa đạo đức của dân
tộc Việt Nam.
Từ
tình cảm yêu mến, gắn bó tha thiết với quê hương xứ sở; từ lòng tự hào, tự tôn
dân tộc... tình yêu nước một cách tự nhiên của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng dần
phát triển thành chủ nghĩa yêu nước, trở thành động lực tinh thần to lớn trong
mọi giai đoạn dựng nước và giữ nước.
Chủ
nghĩa yêu nước Việt Nam là một sự thống nhất chặt chẽ ý thức bảo vệ chủ quyền
non sông đất nước, tinh thần độc lập dân tộc, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường,
quyết tâm bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, không chịu khuất phục trước mọi thế
lực xâm lược.
Chủ
nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trở thành
giá trị, chuẩn mực cao nhất trong thang giá trị truyền thống của dân tộc Việt
Nam và là sức mạnh tiềm tàng, không bao giờ cạn trong nhân dân. Hồ Chí Minh đã
khẳng định: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày
trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu
kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý
kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên
truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều
được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”(3). Như vậy, muốn
phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa của con người Việt Nam, thì trước hết, chủ
nghĩa yêu nước cần phải được thường xuyên khơi dậy, bồi đắp để biến thành hành
động cụ thể, thành các phong trào xã hội thiết thực, nếu không “những giá trị
tiềm tàng” sẽ có nguy cơ phai mờ theo thời gian. Đúng như Đảng ta đã xác định,
phải “giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch
sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ
trẻ”(4).
Trong
bối cảnh hiện nay, việc giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ cần phải gắn
liền với yêu chủ nghĩa xã hội, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cùng với bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối
sống, niềm tin, ý chí, cần thôi thúc hành động tự giác, hướng tới mục tiêu, lý
tưởng cách mạng, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; “khơi dậy truyền
thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước
phồn vinh, hạnh phúc”(5). Cần quan tâm nhiều hơn nữa tới việc tạo môi trường,
điều kiện xã hội thuận lợi để khơi dậy, phát huy những phẩm chất “tiềm tàng”
trong mọi tầng lớp nhân dân về hệ thống giá trị tinh thần và chủ nghĩa yêu
nước.
Hai
là, khơi dậy, phát huy tối đa nguồn lực con người và lòng trung thành với Đảng,
Tổ quốc và nhân dân.
Lòng
trung thành là một trong những giá trị văn hóa đạo đức, được biểu hiện ở sự
giác ngộ sâu sắc và quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng
của Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; thương yêu
giúp đỡ đồng chí, đồng đội; đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên lợi ích
cá nhân; “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”; “Việc gì có lợi cho dân, ta
phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”, phải “lo trước
thiên hạ, vui sau thiên hạ”...
Để
phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phải khơi dậy tối đa nguồn lực con
người, coi con người là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát
triển. Theo đó, cần khơi dậy các tiềm năng sáng tạo, quyền làm chủ của nhân dân
và phát huy tối đa dân chủ xã hội chủ nghĩa. Một mặt, phải tiếp tục đổi mới
mạnh mẽ giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ để hai lĩnh vực này thực sự
trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi
trường, củng cố an ninh - quốc phòng, phát huy bản sắc văn hóa và đối ngoại;
mặt khác, không ngừng đẩy mạnh công tác tư tưởng, đảm bảo tính kịp thời, chính
xác, thuyết phục, định hướng - giải đáp đúng những vấn đề thực tiễn đặt ra...
Ba
là, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế cao cả.
Đoàn
kết dân tộc - gắn bó cộng đồng là bản chất, truyền thống của dân tộc Việt Nam,
được biểu hiện trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân
ta. Đoàn kết dân tộc không chỉ là sự cố kết giữa các tộc người, tôn giáo, giai
cấp trên mọi vùng, miền Tổ quốc, mà còn là sự gắn kết, sẻ chia, tương trợ lẫn
nhau giữa người dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài trên cơ
sở thống nhất về mục tiêu chung. Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Vì đồng bào ta
đại đoàn kết. Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ, Chỉ có
một chí: Quyết không chịu mất nước (...). Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành
một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc...”(6). “Sử ta dạy cho ta bài học này:
Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại
lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn...”(7). Chỉ có đoàn kết
mới giành được chiến thắng, càng khó khăn gian khổ, càng phải đoàn kết chặt
chẽ, rộng rãi và vững chắc; chỉ có đoàn kết mới tạo nên sự bền vững, đưa đất
nước phát triển.
Bên
cạnh truyền thống đoàn kết dân tộc, thì tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả cũng
là một trong những giá trị và truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, đặc
biệt là trong các giai đoạn cách mạng từ khi có Đảng lãnh đạo. Tinh thần đó
không chỉ được thể hiện qua những thời điểm cam go của lịch sự - khi nhân dân
ta luôn sát cánh cùng nhân dân các nước anh em trong quá trình chiến đấu chống
kẻ thù chung, mà còn biểu hiện sinh động trong mọi mặt đời sống xã hội. Với
tinh thần giúp bạn là giúp mình, thương người như thể thương thân... tinh thần
đoàn kết quốc tế cao cả là một nhân tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng
trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Trong bối cảnh hiện nay, tinh thần đó
đã và đang đem lại nhiều kết quả to lớn trong hội nhập quốc tế.
Thực
hiện nhất quán “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng
hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả;
giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc
tế của Việt Nam”. Việt Nam đã và đang luôn là bạn, là đối tác tin cậy và thành
viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc
lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Việc
khơi dậy tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trong quá trình hội
nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay cũng là để phát huy cao độ ý thức
“tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt
Nam”(9), đồng thời “nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân...”(10),
làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công
việc nội bộ, xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất
nước.
Trong
bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, tinh thần đại đoàn kết dân
tộc của nhân dân ta tiếp tục được khơi dậy và phát huy cao độ. Mặc dù phải chịu
những tổn thất không hề nhỏ, nhưng với tinh thần đoàn kết, “chống dịch như
chống giặc”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài đã
không nao núng, sờn lòng, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh bằng
những “lộ trình” và chiến lược cụ thể; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa
chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng trong bối cảnh dịch bệnh, tinh thần đoàn kết quốc tế được thể hiện rõ,
Việt Nam đã luôn góp phần xứng đáng vào nỗ lực chung của nhân loại, “vì một thế
giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng...”; đồng
thời, với sự giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, nhân dân Việt Nam được “tiếp
thêm sức mạnh” trong cuộc chiến chống “giặc” COVID-19.
Bốn
là, khơi dậy giá trị cần cù, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo của nhân
dân và khát vọng phát triển đất nước.
Những
giá trị cần cù, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo luôn tiềm ẩn trong hầu
hết mỗi con dân đất Việt. Tùy vào những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể mà những
“chất vàng mười” đó được “phát lộ” đến “mức độ” nào. Chính vì thế, trách nhiệm
của Đảng và Nhà nước là phải luôn tạo ra được những “chất xúc tác” quan trọng
để không ngừng khơi dậy, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ những giá trị đã làm nên một
dân tộc anh hùng. Trong giai đoạn cách mạng mới, giá trị đó cần phải được phát
huy một cách tự giác, chủ động trong ý thức của mỗi cá nhân, cộng đồng, tập
thể, đơn vị; hài hòa giữa cái riêng và cái chung, giữa cống hiến và hưởng thụ,
giữa quyền lợi cá nhân, gia đình và trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân; biết
đặt lợi ích của tập thể lên trên, lên trước; biết sống “mình vì mọi người”...
Sự
gương mẫu, thống nhất giữa lời nói và hành động của cán bộ, đảng viên sẽ là một
trong những “chất xúc tác” quan trọng thôi thúc dân nghe, tin và làm theo.
Chính vì thế, để khơi dậy và phát huy được những giá trị văn hóa đạo đức nêu
trên trong mọi tầng lớp nhân dân, thì trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ
thống chính trị phải luôn biết đặt mình trong tập thể, trong sự nghiệp cách
mạng chung của Đảng và nhân dân; không buông lỏng kỷ luật, kỷ cương dẫn đến suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “phải kiên quyết quét sạch chủ
nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh
thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật” .
Ngay
từ khi ra đời và trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta đã luôn thống nhất,
kiên định với mục tiêu khơi dậy khát vọng đấu tranh để Tổ quốc được độc lập,
thống nhất, dân tộc được tự do, nhân dân được hưởng hạnh phúc. Sự hòa quyện ý
Đảng - lòng dân đã nhân lên ý chí quật cường và tinh thần yêu nước của cả dân
tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn trong tiến trình đi lên của đất nước.
Đại
hội XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh,
hạnh phúc”(13) là tiếp tục sự khẳng định mục tiêu cao cả nhất của Đảng, đồng
thời là một bước tiến phù hợp với điều kiện “đất nước ta chưa bao giờ có được
cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tuy
nhiên, để đạt được mục tiêu trên, còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có
những vấn đề liên quan đến con người, nhất là trong bối cảnh, tình hình thế
giới diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; trong nước, bốn nguy cơ
mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn, “nền kinh tế phát
triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn,
thách thức mới do tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn
cầu gây ra”(14). Theo đó, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi đã được xác
lập, Đảng phải kiên quyết, linh hoạt hơn nữa trong tạo môi trường và điều kiện
xã hội thuận lợi nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý
chí tự cường, niềm tin, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam;
phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc./.
Đại
tá, PGS. TS. Dương Quang Hiển
Viện
Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đăng nhận xét